Saturday, April 20, 2024

Việt, Lào, Mã Lai, Myanmar thông đồng giới hạn Tuyên ngôn Nhân quyền ASEAN

 


Nam Phương/Người Việt


 


BANGKOK 19-2 (NV) –Một bản Tuyên Ngôn Nhân Quyền của hiệp hội 10 nước ASEAN thai nghén gần 20 năm qua đến nay vẫn còn nhì nhằng vì một số nước, trong đó có Việt Nam ngáng cẳng.









Bà Bùi Thị Minh Hằng, biểu tình ở Sài Gòn ngày 27 tháng 11, 2011 ủng hộ Quốc Hội chứ không phải chống “Cơ quan quyền lực cao nhất nước” mà vẫn bị lôi đi “giáo dục” 2 năm chung với người bị HIV. Bà tuyệt thực nhiều lần ở nhà giam Thanh Hà, tỉnh Vĩnh Phúc.


Theo một số tiết lộ của hãng tin AsiaNews dựa vào các tin tức nội bộ các phiên họp gần đây của Liên Ủy Ban Nhân Quyền Các Nước Hiệp Hội Ðông Nam Á (viết tắt là AICHR), đại diện các nước Lào, Việt Nam với sự hậu thuẫn ngầm của Mã Lai và Myanmar muốn giới hạn nhân quyền vì coi quyền lực nhà nước quan trọng hơn quyền tự do cá nhân.


Thái Lan, Indonesia và Philippines thì muốn có một bản tuyên ngôn tiến bộ hơn và hợp thời hơn là cái đề nghị của các nước muốn hạn chế nhân quyền.


Tại sao lại có sự bất đồng ý kiến làm cho một bản tuyên ngôn về nhân quyền, đúng ra phải có giá trị phổ quát, lại phải kéo dài từ năm này sang năm khác, họp hành mất thời giờ mà chẳng đi tới đâu?


Tại vì, nếu công nhận và bảo vệ nhân quyền thì có thể dẫn đến “xung đột và chia rẽ” mà cuối cùng sẽ lôi cả nước vào vòng “hỗn loạn và vô chính phủ”. Ðó là lập luận của những nước chống lại một bản tuyên ngôn nhân quyền phổ quát.


Trong số những giới hạn mà một số nước muốn, họ muốn kiểm soát các “sự hành đạo của một giáo phái hay một tôn giáo”, buộc những tổ chức này phải tuân hành theo luật lệ của nhà nước mà “quyền của nhà nước quan trọng hơn sự tự do và quyền của các cá nhân”.


Theo bản tin AsiaNews, những gì vừa nêu trên nằm trong bản dự thảo “Tuyên Ngôn Nhân Quyền của ASEAN” (ASEAN Declaration on Human Rights) soạn thảo trong phiên họp ngày 8 Tháng Giêng 2012 vừa qua tại Phnom Penh của Ủy Ban Liên Chính Phủ ASEAN về Nhân Quyền và được tiết lộ trên website của nhóm người Myanmar lưu vong đang ở Ấn Ðộ.


Nước Lào là nước muốn ngăn chặn một bản tuyên ngôn nhân quyền có tính phố quát nhất.


Ðại diện Lào đòi hỏi trong phiên họp: “Việc hành xử nhân quyền và các tự do căn bản phải là đề tài của những giới hạn được quyết định bởi luật pháp chỉ với mục đích là thỏa mãn các đòi hỏi chính đáng của an ninh quốc gia, trật tự xã hội, sức khỏe công cộng và đạo đức công cộng cũng như sự an nguy của mọi người trong một xã hội dân chủ”.


Trái với tuyên ngôn quốc tế nhân quyền LHQ tôn trọng hoàn toàn quyền tự do tôn giáo của công dân mà các nước ASEAN đã đặt bút ký cam kết tôn trọng, nước Lào muốn giới hạn “quyền hành đạo” theo điều kiện “cổ võ và truyền bá các tôn giáo hay tín ngưỡng phải tuân theo luật lệ quốc gia của các nước hội viên”.


Nói khác, quyền tự do tôn giáo tín ngưỡng của người dân hoàn toàn nằm trong cơ chế “xin-cho” của nhà nước như đang áp dụng tại Việt Nam và Lào. Những tổ chức tôn giáo nào không được nhà nước cho phép hoạt động sẽ bị đàn áp thẳng tay.


Ðại diện Myanmar không đưa ra lời bình luận trực tiếp về bản dự thảo nhưng lại nêu ý kiến ủng hộ phần lớn ý kiến của Lào.


Ðại diện Việt Nam đặt câu hỏi về việc dùng từ “một cách tự do” (freely) trong quyền của người dân tham dự một cách tự do vào chính quyền và đề nghị bỏ ra khỏi bản dự thảo cụm từ “tra tấn, bị bắt đi mất tích hay các vi phạm nhân quyền trầm trọng khác” (enforced disappearance or other serious human rights violation) trong danh sách các sự đàn áp nhằm cấm một nước hội viên trục xuất người xin tỵ nạn ở nước khác chạy đến.


Lo ngại về khả năng bản dự thảo Tuyên Ngôn Nhân Quyền ASEAN có phẩm chất thấp bên dưới Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền LHQ theo kiểu “đường lối ASEAN” một liên minh gồm 70 tổ chức phi chính phủ tại các nước trong khu vực từng phát biểu từ hồi Tháng Sáu 2011 (khi có hội nghị lần thứ 6 của ủy ban nói trên) là: “Không thể dưới bất cứ trường hợp nào mà tiêu chuẩn nhân quyền được viết trong Bản Tuyên Ngôn Nhân Quyền ASEAN lại được thấp hơn văn bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền (LHQ). Ðúng ra, ASEAN phải khao khát tự đặt tiêu chuẩn nhân quyền cao hơn (LHQ) và đóng góp vào sự thăng tiến và bảo vệ nhân quyền trên thế giới”.


Tháng trước, Tổ Chức Ân Xá Quốc Tế đã đả kích bản dự thảo của Liên Ủy Ban Các Nước ASEAN rằng bản dự thảo này đã được soạn thảo trong vòng bí mật và không tham khảo với các tổ chức phi chính phủ.


Bản tin của tổ chức ASEAN về phiên họp vào các ngày 30 và 31 Tháng Giêng 2012 vừa qua ở Bangkok, giống như những bản tin trước đó của tổ chức, không tiết lộ một chi tiết nào về nội dung của bản dự thảo, mà chỉ nói cuộc họp “ghi nhận các đề nghị của các tham dự viên”. Bản Tuyên Ngôn Nhân Quyền ASEAN dự trù công bố trong năm nay, nhưng với những ý kiến khác nhau, nó có được khai sinh hay không, vẫn là dấu hỏi bỏ ngỏ.


Rục rịch khai sinh một bản tuyên ngôn nhân quyền ASEAN từ năm 1993, đến nay đã gần 20 năm, thỉnh thoảng người ta thấy họp một lần, chứng tỏ cái tuyên ngôn này là một đứa con rất khó đẻ.

MỚI CẬP NHẬT