Thursday, March 28, 2024

Việt Nam cấm phi hành đoàn bay quốc ngoại xách vali lớn

Sợ scandal, buôn lậu


VIỆT NAM (NV) Tổng công ty hàng không Việt Nam, Vietnam Airlines, vừa ra lệnh cho tất cả các phi công, tiếp viên làm nhiệm vụ trên các chuyến bay đến ngoại quốc, không được phép xách vali lớn.


Trong chỉ thị cấm mang “valy to” kể từ ngày 17 tháng 3, chỉ cho mang cặp và vali nhỏ, viên tổng giám đốc Vietnam Airlines lặp lại yêu cầu, tất cả phi công và tiếp viên phải “tuân thủ nghiêm ngặt quy định của nước sở tại trong việc mua và vận chuyển hàng hóa đặc biệt đối với các đường bay đi Nhật, Nga và Châu Âu.”


VietNamNet dẫn thông báo này nói rằng, nhân viên phi hành đoàn của Việt Nam chỉ được phép dùng cặp hoặc valy xách tay loại nhỏ. Họ cũng được yêu cầu phải cất túi đựng áo khoác trong valy, chứ không được ôm trên tay khi ra vào các ga hàng không.









Việt Nam đang siết các hoạt động của tiếp viên sau nhiều vụ tai tiếng. (Hình: Getty Images)


Tuy nhiên, trong các chuyến bay đến Liên Âu và Úc, vì phải lưu trú dài ngày ở ngoại quốc, các nhân viên phi hành đoàn Việt Nam mới được phép xách theo vali lớn.


VietNamNet nói rằng, Tổng công ty Việt Nam Airlines cũng đã yêu cầu các trung tâm kiểm soát thuộc các phi trường Ðà Nẵng, Tân Sơn Nhất, Nội Bài, các chi nhánh của Việt Nam Airlines tại ngoại quốc, đặc biệt tại Nhật Bản, Nga, Úc và Liên Âu phải giám sát chặt chẽ việc thực hiện qui định trên.


Trong những qui định trước đây, nhân viên phi hành đoàn của Việt Nam được phép mang theo một kiện hành lý ký gửi dưới 32 kg, và một hành lý xách tay.


Cũng theo VietNamNet, đây là một trong những biện pháp siết chặt kiểm soát để ngăn ngừa nạn nhân viên phi hành đoàn Việt Nam buôn lậu trong các chuyến bay quốc ngoại.


* ‘Nhục Quốc Thể’


Chỉ thị vừa kể được ban hành sau khi báo chí Nhật cho biết, cảnh sát Nhật xác định nhân viên của Vietnam Airlines tiêu thụ đồ gian và buôn lậu.


Trong quá trình thẩm vấn những người Việt bị bắt giữ vì ăn cắp mỹ phẩm, quần áo của các siêu thị tại Nhật, cảnh sát Nhật phát giác hàng hóa bị đánh cắp được chuyển qua bưu điện đến một khách sạn gần sân bay Narita, nơi các thành viên thuộc phi hành đoàn của Vietnam Airlines trú ngụ sau các chuyến bay đến Nhật. Một phụ nữ Việt khoảng 30 tuổi đã chuyển tiền qua ngân hàng trả cho những kẻ trộm cắp. Khám xét phòng khách sạn, cảnh sát tìm thấy rất nhiều mỹ phẩm hiệu Shiseido, quần áo hiệu Uniqlo còn nguyên nhãn của những siêu thị bị trộm cắp.


Nhật là quốc gia gần như không có trộm cắp. Tình trạng này chỉ rộ lên từ khoảng cuối thập niên 1990 – thời điểm có nhiều người Việt được đưa sang Nhật làm thuê. Cảnh sát Nhật cho biết, năm 1998, họ phát giác 247 vụ ăn cắp do người Việt thực hiện. Ðến năm 2012, con số này tăng lên hơn bốn lần (999 vụ). Trò chuyện với báo chí Nhật, cảnh sát cho biết họ sẽ nhổ tận gốc tình trạng ăn cắp hàng hóa tại các siêu thị rồi chuyển về Việt Nam bán.


Trong nhiều năm qua, các nhân viên của Vietnam Airlines – một tập đoàn nhà nước, nơi tập trung con ông, cháu cha và những cá nhân phải hối lộ khoản tiền lên tới 20,000 USD/người mới được tuyển dụng (theo kết quả một cuộc điều tra hồi 2008), đã gây tai tiếng khắp thế giới.


Phi công từ chính đến phụ, tiếp viên từ nam đến nữ liên tục gây ra scandal ở cả Nhật, lẫn Ðại Hàn, Úc,… vì tổ chức trộm cắp-tiêu thụ đồ gian, nhân viên của Vietnam Airlines còn buôn lậu, chuyển ngân lậu, dính líu đến các tổ chức buôn bán ma túy.









Ông Ðặng Xuân Hợp, phi công của Vietnam Airlines bị cảnh sát Nhật áp giải lên máy bay, tống xuất về Việt Nam. (Hình: Kyodo News)


Rất ít người tin việc cấm các thành viên phi hành đoàn của Vietnam Airlines mang “va li to” sẽ giúp chấm dứt các scandal liên quan tới Vietnam Airlines.


Cuối 2007, Vietnam Airlines từng tuyên bố sẽ chấn chỉnh tình trạng thành viên phi hành đoàn của hãng này lợi dụng ưu đãi để phạm pháp ở nước ngoài nhưng liền sau đó, vẫn có hàng loạt scandal chưa từng thấy đối với giới phi công và tiếp viên của các hãng hàng không khác.


Chẳng hạn vụ hai tiếp viên của Vietnam Airlines là Nguyễn Quý Hiển và Nguyễn Hoàng Hương Xuân bị Hải Quan Nam Hàn tạm giữ vì vận chuyển trái phép khoảng 300,000 USD vào Nam Hàn hồi tháng 2 năm 2008.


Rồi vụ ông Lại Quốc Việt, 58 tuổi, phi công chính của Vietnam Airline (VNA) bị Ủy Ban Tội Phạm của Úc bắt tại phi trường Sydney, khi máy bay do ông ta lái vừa đáp xuống phi trường này, hồi tháng 3 năm 2008, vì chuyện giúp một tổ chức buôn lậu ma túy rửa tiền, bằng cách chuyển bất hợp pháp 3.7 triệu USD ra khỏi Úc.


Ðến tháng 4 năm 2008, tới vụ Hải Quan Nam Hàn tạm giữ thêm một tiếp viên khác vì vận chuyển trái phép 30 ngàn USD vào Nam Hàn…


Kế đó, tháng 4 năm 2009, Nhật đã trục xuất ông Ðặng Xuân Hợp – một phi công của Vietnam Airlines – giao lại cho chính quyền Việt Nam sau khi đưa ra xử và phạt 30 tháng tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách là 4 năm, phạt tiền 500,000 yen, vì là thành viên trong một tổ chức chuyên trộm cắp tại Nhật rồi vận chuyển số hàng hóa đã trộm cắp được về bán ở Việt Nam.


Dẫu có tiền án như thế nhưng khi được trao trả, ông Hợp vẫn tiếp tục được Vietnam Airlines sử dụng làm phi công để lái phi cơ của Vietnam Airlines đến những nơi khác trên thế giới.


Người ta tin rằng ông Hợp không phải là nhân viên duy nhất của Vietnam Airlines dính líu đến những tổ chức chuyên trộm cắp hàng hóa rồi vận chuyển chúng về bán tại Việt Nam. Theo tờ Sankei Shimbun, tại Hà Nội, mỹ phẩm và quần áo của Nhật được bày bán ở nhiều nơi quanh… trụ sở của Vietnam Airlines, giá bán một số loại còn rẻ hơn giá bán tại Nhật. Nhiều sản phẩm còn nguyên tem ghi giá của các siêu thị ở Nhật. (G.Ð)

MỚI CẬP NHẬT