Friday, March 29, 2024

Việt Nam ‘chào thua’ nạn chạy chức, chạy quyền


HÀ NỘI (NV)
Chính phủ CSVN dành trọn ngày 7 tháng 3 để “Tổng kết 5 năm chống tham nhũng” tại Hà Nội. Tại đây, Phó Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc thú nhận “chào thua” nạn “chạy chức, chạy quyền” trong tầng lớp cán bộ lãnh đạo.









Khẩu hiệu kêu gọi người dân lựa chọn “cán bộ ưu tú” nhưng thực chất là chạy chức, chạy quyền. (Hình: Hoang Dinh Nam/AFP/Getty Images)


Bằng lời lẽ mang tính chất chỉ thị suông song ông Phó Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc không thể giấu được nỗi ngậm ngùi trước tình trạng tiêu cực, tham nhũng trong đội ngũ cán bộ nhà nước.


Trong một phúc trình trình bày tại hội nghị này, ông Nguyễn Xuân Phúc cho rằng “việc thi tuyển công khai để lựa chọn cán bộ lãnh đạo vẫn còn diễn ra lèo tèo.”


Ông này còn cho rằng một trong những chủ trương của Ðảng Cộng Sản Việt Nam của ông là muốn cán bộ lãnh đạo “chủ động từ chức vì nguyên nhân trách nhiệm” nhưng hầu như chẳng có mấy ai làm được việc này.


Cũng theo phúc trình của ông phó thủ tướng kiêm đại diện Ban chỉ đạo Chống tham nhũng Trung ương Nguyễn Xuân Phúc, trong vòng 5 năm qua, có gần nửa triệu cán bộ nộp lại quà cáp biếu xén với tổng trị giá gần 1.8 tỉ đồng tương đương với 900,000 đôla.


Tuy nhiên, theo báo Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Xuân Phúc cho rằng con số này không đúng vì “chưa phản ảnh đúng thực trạng.”


Phúc trình của ông Nguyễn Xuân Phúc cũng xác định một số lĩnh vực có nguy cơ tham nhũng lớn là ngành “quản lý và sử dụng đất đai và tài nguyên khoáng sản cũng như vốn và tài sản nhà nước; xây dựng; tín dụng, ngân hàng…”


Phúc trình của ông Nguyễn Xuân Phúc nhìn nhận rằng việc biếu xén – một biểu hiện của tệ tham nhũng, trong dịp lễ, Tết vẫn diễn ra đều đều. Tuy nhiên, ông này không đả động gì đến một hình thức mới của tệ nạn tham nhũng của một số viên chức chính quyền tại nhiều địa phương thời gian qua. Ðó là việc ghi chức vụ lên trên thiệp báo hỉ, báo tang… để kiếm những chiếc phong bì “dầy cộm” tại Hà Nội, Long An, Cà Mau,…


Cuối cùng thì ông Nguyễn Xuân Phúc cũng cho rằng còn nhiều cán bộ có “biểu hiện bất minh về thu nhập.” Nhưng cũng như nhiều “báo cáo tổng kết” khác, phúc trình của ông Phúc cho rằng dù biết vậy nhưng nhà nước Việt Nam “chưa có quy định để xem xét và xác minh để làm cho sáng tỏ.”


Theo báo Thanh Niên, ngày 18 tháng 2, 2012, Bộ Trưởng Bộ Giao Thông-Vận Tải Việt Nam Ðinh La Thăng cũng đã thừa nhận riêng ngành này cũng “đầy dẫy nguy cơ tham nhũng.” Ông Thăng cho rằng “đi đâu cũng nghe dân kêu, nhưng nhiều công trình hư hỏng mà hầu như không có ai chịu trách nhiệm.” (PL)

MỚI CẬP NHẬT