Thursday, March 28, 2024

Việt Nam có thể rút việc tổ chức Á Vận Hội 18


VIỆT NAM (NV)
Tranh cãi về việc tiếp tục đứng ra tổ chức Á Vận Hội (ASIAD) 18 hay xin rút lui trong nội bộ chính quyền Việt Nam càng lúc càng gay gắt.


Chuyện Việt Nam có nên tiếp tục thực hiện vai trò quốc gia đăng cai ASIAD 18, sẽ diễn ra vào năm 2019 hay xin rút lui bắt đầu nóng lên, sau khi ông vũ Ðức Ðam, một phó thủ tướng, công khai cho rằng, nên xem xét đến khả năng xin rút lui khỏi vai trò quốc gia đăng cai ASIAD 18.









Sân vận động Hoàng Mai, Hà Nội – một trong những công trình được xây dựng cho việc tổ chức SEA Games 23, sau đó thường xuyên bỏ trống. (Hình: Tiền Phong)


Trong bối cảnh kinh tế tiếp tục suy thoái, ngân sách vừa thất thu hàng trăm ngàn tỉ, vừa bội chi nghiêm trọng do đầu tư tràn lan, thiếu hiệu quả, nợ nần càng lúc càng lúc càng lớn và có khả năng vỡ nợ, ý kiến của ông Ðam được nhiều giới, đặc biệt là dân chúng ủng hộ.


Những người ủng hộ quan điểm Việt Nam nên xin rút lui khỏi vai trò quốc gia tổ chức ASIAD 18 cho rằng, 300 triệu Mỹ kim dự kiến chi cho việc đứng ra tổ chức ASIAD 18 là một thứ bẫy, cố tình giảm nhẹ chi phí nhằm đẩy Việt Nam lún sâu hơn vào nợ nần.


Trên thực tế, Nam Hàn loan báo, chi phí cho việc đăng cai tổ chức ASIAD 17 (cuối 2014) là 1.6 tỷ Mỹ kim. Hồng Kông dự trù chi phí cho việc đăng cai tổ chức ASIAD 19 (2023) là 1.8 tỷ Mỹ kim. Vậy thì làm sao Việt Nam chỉ cần chi 300 triệu Mỹ kim cho việc đăng cai tổ chức ASIAD 18?


Ông Nguyễn Hồng Minh, cựu vụ trưởng Vụ Thể Thao Thành Tích Cao của Tổng Cục Thể Dục Thể Thao Việt Nam, nhận định, một số nhân vật chủ chốt của Ủy Ban Olympics Việt Nam đã không nhìn thấy tất cả những khó khăn khách quan, khi chủ trương nhận đăng cai và xin đăng cai ASIAD 18. Trò chuyện với VOA, ông Minh bảo rằng, Việt Nam có thể đứng ra tổ chức ASIAD nhưng không phải vào lúc này.


Trao đổi với tờ Tiền Phong, ông Lê Như Tiến, phó chủ nhiệm Ủy Ban Văn Hóa-Giáo Dục-Thanh Niên-Thiếu Niên-Nhi Ðồng của Quốc Hội Việt Nam, cho rằng, cần phải xem lại về tổng chi phí và chính quyền Việt Nam phải cân nhắc xem nguồn lực quốc gia có kham nổi hay không cũng như dồn tiền cho việc đăng cai tổ chức ASIAD 18 sẽ ảnh hưởng như thế nào đến kinh tế, đời sống của dân chúng (?).









Á vận hội tổ chức tại Trung Quốc 4 năm về trước. (Hình: báo Tuổi Trẻ)


Theo báo chí Việt Nam thì trong tuần này, thủ tướng và các phó thủ tướng của Việt Nam sẽ thảo luận về ASIAD 18.


Trước cuộc thảo luận vừa kể, Bộ Ngoại Giao Việt Nam cảnh báo, việc xin rút lui, không đứng ra tổ chức ASIAD 18 có thể dẫn tới việc Việt Nam “phải hầu tòa.” Theo tờ Dân Trí, bộ này đã “cung cấp cho Văn Phòng Chính Phủ một số thông tin,” xác định những ảnh hưởng không tốt đến đối ngoại, Ủy Ban Olympics Việt Nam, nếu Việt Nam không tiếp tục tổ chức ASIAD 18.


Những hệ lụy mà Bộ Ngoại Giao Việt Nam cảnh báo là: Bị kiện ở trọng tài tại Thụy Sĩ, tốn kém về tài chính, mất uy tín, ảnh hưởng danh dự và hình ảnh quốc gia do “bên đăng cai không có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng.” Tuy thừa nhận, Việt Nam trả lại quyền đăng cai tổ chức ASIAD 18 vào thời điểm này là không quá muộn nhưng bộ này nhấn mạnh “không thể loại trừ khả năng xuất hiện những thông tin xuyên tạc về tình hình kinh tế Việt Nam ảnh hưởng tới việc thu hút đầu tư nói riêng.”


Ngay sau đó, ông Nguyễn Hồng Minh, cựu viên chức từng làm việc trong lĩnh vực thể thao, lên tiếng phản bác các cảnh báo của Bộ Ngoại Giao Việt Nam. Ông Minh khẳng định, Hội Ðồng Olympics Á Châu không có quy định nào về việc xin rút lui, không tổ chức đăng cai ASIAD sẽ bị kiện.


Ông Minh dẫn trường hợp ASIAD 1968 để chứng minh. Lúc đó, Nam Hàn từng nhận đăng cai rồi xin rút lui. Hội Ðồng Olympics Á Châu phải bàn bạc lại và Thái Lan đứng ra làm thay. Hội đồng này chỉ đề nghị Nam Hàn hỗ trợ Thái Lan một số vấn đề như tài chính, công tác tổ chức. Nam Hàn hoàn toàn không bị kiện.


Ông Minh bảo cảnh báo là lo lắng của riêng Bộ Ngoại Giao. Phía Bộ Ngoại Giao thì nhấn mạnh, Hợp đồng đăng cai ASIAD 18 có “Giao kèo của chính phủ” nên về mặt pháp lý, hợp đồng đã được Chính phủ Việt Nam bảo lãnh.”


Chưa rõ Việt Nam có tiếp tục tổ chức ASIAD 18 hay không nhưng thống kê mới nhất về nợ ngoại quốc của Việt Nam cho biết, mỗi người trong số hơn 90 triệu dân Việt Nam, bất kể tuổi tác, thành phần xã hội đang cõng khoản nợ khoảng 20 triệu đồng. (G.Ð)

MỚI CẬP NHẬT