Tuesday, April 16, 2024

Việt Nam dẫn đầu danh sách xiết Internet

WASHINGTON DC (NV) .- Việt Nam không hề có tự do Internet và đứng thứ hai trong nhóm các quốc gia thẳng tay đàn áp tự do Internet tại châu Á. Đứng đầu nhóm này, tất nhiên là Trung Quốc.








Các nhà báo tự do kiêm bloggers Tạ Phong Tần (trái), Nguyễn Văn Hải (giữa) và Phan Thanh Hải (phải) đi trên đường phố Sài Gòn trước khi bị bắt từ tháng 9-2011. Bắt giữ, xét xử, kết án những người nhưba blogger này được xem là các bằng chứng cho thấy Việt Nam xâm hại tự do báo chí, tự do Internet. (Hình từ Internet)


Nếu xét trên bình diện toàn cầu, Việt Nam đứng thứ 7 trong nhóm 10 quốc gia ứng xử tệ hại nhất với quyền tự do Internet. Đây là kết quả cuộc khảo sát về “Tự do Internet 2013”, tại 60 quốc gia trên thế giới, do Freedom House thực hiện.


Freedom House là tổ chức phi chính phủ trụ sở ở thủ đô Hoa Thịnh Đốn khảo sát và cổ động dân chủ, tự do chính trị và nhân quyền trên thế giới, được thành lập từ năm 1941.


Theo Freedom House, ngoài việc gia tăng kiểm duyệt trên Internet, trấn áp và bắt giữ, giam cầm những người chia sẻ thông tin, bày tỏ ý kiến của họ trên mạng, chính quyền Việt Nam còn đặt ra, áp dụng nhiều biện pháp để định hướng dư luận quần chúng trên mạng. Trong năm năm qua, tình trạng đàn áp tự do Internet tại Việt Nam chỉ tăng chứ không giảm.


Trò chuyện với VOA nhân dịp công bố kết quả cuộc khảo sát “Tự do Internet 2013”, bà Madeline Earp, chuyên viên nghiên cứu, phân tích về tự do Internet ở khu vực Châu Á, cho rằng: Tình hình tự do Internet tại Việt Nam hết sức đáng ngại. Số người dung Internet bị sách nhiễu, bắt giữ tăng theo thời gian. Nghị định 72 mà chính quyền Việt Nam mới ban hành cho thấy chính quyền này vẫn đang tìm mọi cách để xiết chặt việc kiểm soát Internet. Bên cạnh đó, chính quyền công khai thừa nhận việc tuyển mộ các “dư luận viên” hòng thao túng, định hướng các nội dung được trao đổi trên mạng.


Đại diện của Freedom House dự đoán, tình trạng đàn áp quyền do Internet tại Việt Nam sẽ càng ngày càng tồi tệ hơn. Việt Nam hiện đứng thứ nhì trên thế giới về “thành tích” bắt giữ, giam cầm các blogger.


Tuy tỏ ra bi quan về lới hành xử của chính quyền Việt chế độ Hà Nội đối với tự do Internet, đại diện Freedom House lại tỏ ra rất lạc quan về thái độ của cộng đồng sử dụng Internet tại Việt Nam nói chung, cũng như của giới blogger nói riêng. Bà Earp cho rằng, sự phản kháng của cộng đồng sử dụng Internet tại Việt Nam đối với Nghị định 72 là “một tín hiệu khả quan”.


Việt Nam không chỉ đội sổ về tự do Internet. Hồi tháng 5, trong báo cáo thường niên về tự do báo chí trên toàn cầu, Freedom House xếp Việt Nam vào vị trí 182/197.


Lúc đó, Chủ tịch của Freedom House giải thích rằng, tổ chức này xếp một quốc gia vào nhóm “không có tự do báo chí”, nếu quốc gia đó không đáp ứng những tiêu chuẩn về tự do pháp lý, tự do chính trị, tự do kinh tế, không cho phép các nhà báo và tổ chức truyền thông có thể hoạt động tự do.


Tệ nhất trong nhóm “không có tự do báo chí” là: Belarus, Cuba, Equatorial Guinea, Eritrea, Iran, Bắc Triều Tiên, Turkmenistan và Uzbekistan.


Riêng với Việt Nam, khi được VOA đề nghị so sánh giữa “tự do báo chí” tại Việt Nam với “tự do báo chí” ở Campuchia, bà Karin Deutsch, một chuyên viên của Freedom House, chuyên nghiên cứu về Châu Á, cho biết: Môi trường làm việc của giới truyền thông ở Campuchia cởi mở hơn so với Việt Nam, hoặc với Miến Điện.


Năm vừa qua, các vụ bắt giữ, giam cầm, truy tố các nhà báo, các blogger tại Việt Nam không ngừng gia tăng, cùng với sự sách nhiễu những người cầm bút. Những yếu tố đó cho thấy, xu hướng giới hạn quyền tự do báo chí tại Việt Nam không những vẫn còn tiếp diễn mà có dấu hiệu tệ hơn.


Trước nữa, khi trả lời VOA, ông Shawn Crispin, một đại diện của Ủy ban Bảo vệ Nhà báo (CPJ), đồng thời là tác giả của một báo cáo về tự do báo chí tại Việt Nam, cũng nêu những nhận định tương tự về tự do báo chí tại Việt Nam trong năm 2012.


Ông Crispin nhận xét, tình hình tự do báo chí ở Việt Nam xuống dốc rất nhanh. Rõ ràng, chính quyền Việt Nam đang gia tăng đàn áp các blogger độc lập, các nhà báo có bài đăng trên mạng. Có những bằng chứng cho thấy nhà cầm quyền CSVN đang nỗ lực để xiết chặt sinh hoạt trên Internet, vốn tương đối cởi mở khi cung cấp các quan điểm và tin tức đa dạng song song với sự tồn tại của hệ thống truyền thông do chính quyền chi phối.


Lý do khiến Việt Nam đứng hạng sáu trong “Danh sách nguy hiểm” do CPJ bình chọn là dấu hiệu cho thấy, chế độ Hà Nội càng ngày càng mạnh tay trong việc trấn áp tự do Internet. Ông Crispin lo ngại là tự do Internet tại Việt Nam sẽ tồi tệ hơn khi Việt Nam gặp nhiều khó khăn về kinh tế và quan hệ giữa các nhóm quyền lực trong nội bộ Đảng CSVN xấu hơn.


Ngoài việc góp mặt trong “Danh sách nguy hiểm” do CPJ bình chọn, Việt Nam còn bị Tổ chức Phóng viên không Biên giới (RSF), xếp vào nhóm năm quốc gia là “Kẻ thù của Internet”, vì theo dõi Internet nghiêm ngặt nhất.


Gần đây, bên cạnh việc công bố những báo cáo thường niên, cảnh báo rằng Việt Nam tiếp tục xâm hại các quyền cơ bản của con người, những tổ chức bảo vệ nhân quyền, bảo vệ tự do tôn giáo còn lên tiếng hối thúc cộng đồng quốc tế phải sớm có những biện pháp rõ ràng, mạnh mẽ hơn để buộc nhà cầm quyền CSVN phải thực thi các cam kết về nhân quyền, trong đó có tự do báo chí, tự do tôn giáo. (G.Đ)   



 


MỚI CẬP NHẬT