Thursday, April 18, 2024

Việt Nam hoan nghênh Mỹ bỏ cấm vận võ khí, không ngại Bắc Kinh


NEW YORK (NV) .- Đại diện của nhà cầm quyền CSVN nói muốn mua võ khí của Mỹ nếu lệnh cấm vận được gỡ bỏ và không tin rằng điều này sẽ làm Bắc Kinh tức giận.









Một chiếc máy bay tuần tra biển Orion P-3 của Nam Hàn cất cánh từ căn cứ Pearce của Úc ở Bullsbrook đi tìm chiếc máy bay của Mã Lai bị mất tích hồi Thứng Tư. (Hình: Greg Pool – Pool/Getty Images)


Ông Phạm Bình Minh, Phó thủ tướng kiêm Ngoại trưởng CSVN phản ứng về một bản tin của hãng thông tấn Reuters ngày hôm qua viết rằng Hoa Kỳ có thể đang tiến gần đến việc gỡ bỏ phần nào lệnh cấm bán võ khí sát thương cho Việt Nam vào cuối năm nay. Một trong những thứ đầu tiên có thể là các máy bay tuần tra biển, săn tàu ngầm không võ trang Orion P-3 hiện đang được 21 nước trên thế giới sử dụng cho nhiều nhiệm vụ khác nhau.


Ông Phạm Bình Minh nói rằng đã gần 20 năm kể từ khi hai nước thiết lập bang giao mà đến nay, nó “không bình thường” khi Hoa Kỳ vẫn duy trì cái lệnh cấm vận.


“Nếu chúng tôi không mua các loại võ khí của Hoa Kỳ, chúng tôi vẫn có thể mua của những quốc gia khác.” Ông Minh nói như thế tại Hội Á Châu ở thành phố New York. “Tại sao Trung Quốc lại bực tức về chuyện đó?”


Dù tình nghĩa đồng chí anh em giữa hai nước cộng sản Việt Nam và Trung Quốc luôn luôn được đề cao qua những khẩu hiệu “16 chữ vàng” và “4 tốt”, mối quan hệ bị bị sứt mẻ nghiêm trọng khi Bắc Kinh kéo giàn khoan khổng lồ tới dò tìm dầu khí ngay vùng biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam đầu Tháng 5 vừa qua.


Lực lượng của hai bên vờn nhau suốt 2 tháng rưỡi ở phía nam quần đảo Hoàng Sa cho tới khi giàn khoan HD981 được Bắc Kinh kéo về gần đảo Hải Nam. Sự căng thẳng dấy lên lòng căm phẫn của người Việt khắp nơi mà các cuộc biểu tình bạo động ở Bình Dương, Đồng Nai và Hà Tĩnh dẫn đến nhiều thiệt hại vật chất nghiêm trọng cho giới đầu tư ngoại quốc.


Ông Phạm Bình Minh đến New York dự phiên họp đại hội đồng Liên Hiệp Quốc, trong đó, nhiều lãnh tụ của thế giới, gồm cả tổng thống Mỹ Barack Obama đến dự và phát biểu về cuộc chiến chống tổ chức khủng bố hồi giáo IS.


Ông nhìn nhận có nguy cơ xảy ra xung đột quân sự ở vùng biển Á Châu, tuy nhiên, cẩn thận tránh đả kích Trung Quốc trực tiếp. Đầu tháng tới, ông Phạm Bình Minh sẽ từ New York đến Hoa Thịnh Đốn gặp ngoại trưởng John Kerry. Đây là cuộc gặp mặt dự trù diễn ra hồi cuối Tháng 5 vừa qua nhưng đã bị trì hoãn vì những tế nhị giữa Hà Nội và Bắc Kinh khi đang xảy ra vụ giàn khoan HD981.


Mỹ chưa chính thức loan báo nới lỏng hay bãi bỏ cấm vận bán võ khí sát thương cho Việt Nam nhưng các hoạt động nhộn nhịp của viên chức cả quân sự và chính trị của hai bên báo hiệu mối quan hệ an ninh quốc phòng song phương đang được thúc đẩy lên những nấc cao hơn giữa hai kẻ cựu thù.


Hồi tháng 8 năm 2014, đại tướng Martin Dempsey, chủ tịch Liên quân Hoa Kỳ, là vị tướng cao cấp nhất của Mỹ đến thăm Việt Nam kể từ năm 1971 đến nay và đã được Hà Nội trải thảm đỏ đón rước long trọng.


Phát biểu với báo chí, ông Dempsey cho biết, nếu Hoa Kỳ gỡ bỏ lệnh cấm vận bán võ khí sát thương, một trong những lãnh vực đầu tiên mà ông nhắm là giúp Việt Nam cải tiến khả năng của hải quân.


Hiển nhiên, điều này làm Bắc Kinh tức giận không ít vì họ nghi ngờ rằng Hoa Thịnh Đốn muốn dùng Hà Nội làm một trong những con bài để kềm chế tham vọng bá quyền bành trướng của Trung Quốc trên Biển Đông.


Trước khi ông Dempsey đến Việt Nam ít ngày, phái đoàn 4 nghị sĩ do ông John McCain cầm đầu cũng đã đến Hà Nội. Ông McCain cho hay có thể lệnh cấm vận võ khí sát thương được gỡ bỏ một phần ngay từ đầu Tháng 9 này nếu Hà Nội đáp ứng một số điều kiện, trong đó nhiều phần có cả nhân quyền.


Nhưng đến giờ thì vẫn chưa thấy gì xảy ra ngoài những lời ước đoán của một số viên chức trong chính phủ Mỹ không được thông tấn Reuters nêu tên tin rằng cấm vận có thể được gỡ bỏ một phần vào cuối năm.


Cho tới nay, Hà Nội vẫn tùy thuộc hầu hết vào nguồn cung cấp võ khí của Nga từ máy bay chiến đấu đến tàu chiến, tàu ngầm. Hà Nội đang cố gắng cải tiến khả năng hải quân quá yếu ớt của mình bằng cách mua 6 tàu ngầm lớp Kilo của Nga và mới được giao hàng 2 chiếc. Một chiếc nữa được giao cuối năm nay. Những chiếc còn lại được giao hai năm tới trong thương vụ trị giá khoảng $2.6 tỉ.


Dù vậy, với khả năng này, Việt Nam mới chỉ ở tầm vóc “răn đe” tự vệ. Giới quan sát thời sự tin rằng nếu được Hoa Kỳ bán cho một ít máy bay săn tàu ngầm, trinh sát trên biển Orion P-3 thì sẽ tăng cường rất nhiều tính răn đe cho nhu cầu phòng vệ các lợi ích trên biển. (TN)


 

MỚI CẬP NHẬT