Friday, April 19, 2024

Việt Nam lại đòi Trung Quốc đền cho ngư dân


HÀ NỘI (NV) .-
Bộ Ngoại Giao Bộ CSVN vừa trao công hàm cho Đại Sứ Quán Trung Quốc ở Hà Nội, phản đối việc Trung Quốc vi phạm chủ quyền ở biển Đông và yêu cầu bồi thường thỏa đáng cho ngư dân Việt Nam.









Dây dẫn không khí cho thợ lặn của ngư dân trên tàu QNg 90479 TS bị cắt nát khi con tàu này bị tàu Trung Quốc truy đuổi, bắt giữ hôm 9 tháng 2. (Hình: ANTĐ)


Theo tường thuật của Thông tấn xã Việt Nam, công hàm này nêu ra hai trường hợp tàu đánh cá của ngư dân Việt Nam bị tàu kiểm ngư của Trung Quốc truy đuổi, bắt giữ, tịch thu tài sản hôm 7 tháng 1 và 1 tháng 3 khi đang “hoạt động nghề cá bình thường tại ngư trường truyền thống ở khu vực quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam”.


Cũng theo đó, phía Hà Nội cho rằng “những hành động trên của các lực lượng chức năng Trung Quốc đã vi phạm chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam ở biển Đông, xâm phạm tài sản và lợi ích hợp pháp của ngư dân Việt Nam, đi ngược lại nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai nước về việc đối xử nhân đạo với ngư dân”.


Việt Nam đã từng gửi nhiều công hàm có nội dung như vừa kể cho Trung Quốc. Song không giống như những quốc gia khác, sau khi gửi các công hàm phản đối “vi phạm chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán” và “xâm phạm tài sản và lợi ích hợp pháp của ngư dân”, các viên chức lãnh đạo Đảng, chính quyền, hoặc đại diện các ngành ngoại giao, quốc phòng của CSVN lại sang thăm Trung Quốc hoặc đón những người đồng nhiệm từ Trung Quốc đến Việt Nam để khẳng định sẽ duy trì “tình đoàn kết, hữu nghị giữa hai đảng, hai nhà nước”. Giới quan sát thời sự tin rằng lần này cũng vậy.


Cũng vì vậy, việc các loại tàu hải quân, hải giám, kiểm ngư của Trung Quốc vẫn tiếp tục truy đuổi tàu đánh cá của ngư dân Việt Nam, bắt giữ, đánh đập, hủy hoại, tịch thu tài sản, ngư cụ, buộc nộp tiền chuộc vẫn diễn ra đều đặn suốt hai thập niên vừa qua. Gần đây, báo chí quốc tế thuật lời viên chức tỉnh Hải Nam, Trung quốc, khoe rằng hàng tuần vẫn bắt giữ tàu đánh cá nước ngoài ở khu vực biển thuộc chủ quyền của họ, hiểu ngầm là ở các vùng biển tranh chấp với Việt Nam.


Chỉ từ đầu năm 2014 đến nay và chỉ tính riêng tỉnh Quảng Ngãi đã có đến bốn tàu đánh cá bị tàu Trung Quốc bắt giữ, tịch thu ngư cụ, đập phá tài sản. Công hàm phản đối Trung Quốc không nêu trường hợp tàu QNg 90479 TS. Theo tường thuật của báo chí Việt Nam, con tàu này do ông Võ Văn Lựu, ngụ ở huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, làm thuyền trưởng với 14 thủy thủ.


Hôm 9 tháng 2, khi ông Lựu và các thủy thủ đang thả lưới bắt cá ở vùng biển thuộc quần đảo Hoàng Sa thì một con tàu sắt, treo cờ Trung Quốc lao đến, đâm thẳng vào tàu của ông Lựu. Tuy không mặc quân phục những những thành viên trên tàu Trung Quốc đều có súng. Họ khống chế ông Lựu và toàn bộ thủy thủ, tịch thu toàn bộ ngư cụ, 5 tấn vừa cá, vừa tôm hùm. Tuy không kháng cự nhưng ông Lựu và một số thủy thủ vẫn bị chích bằng roi điện. Những thành viên trên tàu treo cờ Trung Quốc còn đâp vỡ thiết bị liên lạc, thiết bị dẫn đường, đốn hạ cột treo cờ Việt Nam trước khi phóng thích ông Lựu và các thủy thủ của ông.


Những sự kiện như sự kiện vừa nêu đã khiến một người Pháp, có quốc tịch Việt Nam, với tên tiếng Việt là Hồ Cương Quyết, soạn thảo một kiến nghị kêu gọi “bảo vệ ngư dân miền Trung trước sự gây hấn của Trung Quốc” và “nói KHÔNG với chủ nghĩa bành trướng của Bắc Kinh”.


Cho đến nay, kiến nghị này đã thu thập được 600 chữ ký và ông Hồ Cương Quyết dự tính sẽ gửi nó tới Tòa án Quốc tế về Quyền biển ở Hambourg, Tòa án Hình sự Quốc tế La Haye và Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc.


Ông Hồ Cương Quyết tin rằng, “bảo vệ quyền sống và quyền an ninh của hàng chục ngàn ngư dân hành nghề trên những ngư trường như cha ông bao đời nay của họ thuộc vùng chủ quyền của Việt Nam là một điều hết sức cần thiết”. Ngoài ra, “cần thiết không kém là can thiệp để Bắc Kinh không châm được ngòi lửa chiến tranh trong một khu vực giao thông của hơn 50% hàng hải quốc tế.”


Hồi 2009, ông Hồ Cương Quyết đến Quảng Ngãi – nơi có nhiều ngư dân thường xuyên bị Trung Quốc sách nhiễu khi đánh bắt cá tại vùng biển quanh quần đảo Hoàng Sa – để thực hiện bộ phim tài liệu “Hoàng Sa – Việt Nam: Nỗi đau mất mát”, mô tả cuộc mưu sinh lẫn cả mồ hôi, nước mắt và máu của họ. Tuy nhiên “Hoàng Sa – Việt Nam: Nỗi đau mất mát” bị cấm chiếu ở Việt Nam.


Cũng có thể kiến nghị kêu gọi “bảo vệ ngư dân miền Trung trước sự gây hấn của Trung Quốc” của ông Hồ Cương Quyết mới là lý do chính khiến Bộ Ngoại giao Việt Nam gửi công hàm phản đối Trung Quốc. Trước nay, những công hàm phản đối Trung Quốc vẫn xuất hiện sau khi sự phẫn nộ và chỉ trích của công chúng Việt Nam dâng cao.  (G.Đ)

MỚI CẬP NHẬT