Friday, March 29, 2024

Việt Nam lại đòi Trung Quốc ngừng xâm phạm Hoàng Sa


Tàu Trung Quốc áp sát dàn khoan Việt Nam


 


HÀ NỘI (NV) –Bộ Ngoại Giao Việt Nam hôm Thứ Năm lên tiếng đòi nhà cầm quyền Bắc Kinh “chấm dứt xâm phạm chủ quyền của Việt Nam tại khu vực Hoàng Sa” vì những hoạt động từ quân sự đến kinh tế của phía Trung Quốc tại quần đảo này trong những ngày gần đây.










Tàu Hải giám Trung Quốc tới sát dàn khoan tại khu vực mỏ Chim Sáo, lô 12W, thềm lục địa Việt Nam. (Hình: Bauxite Việt Nam)


Phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Việt Nam Lương Thanh Nghị trong một cuộc họp báo tuyên bố, “Thời gian gần đây, Trung Quốc tiếp tục có các hoạt động tại khu vực quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, cụ thể là: Công ty dầu khí ngoài khơi quốc gia Trung Quốc (CNOOC) tiến hành mời thầu dầu khí 19 lô ở khu vực phía Bắc biển Ðông trong đó có lô 65/24, cách đảo Cây (Tree Island) thuộc quần đảo Hoàng Sa khoảng 01 hải lý; ngày 2 tháng 3 năm 2012, biên đội tàu hộ vệ 11 của Trung Quốc tiến hành huấn luyện bắn đạn thật ở vùng biển thuộc quần đảo Hoàng Sa.”


Ðảo Cây là đảo phía Bắc của quần đảo Hoàng Sa tại tọa độ 16 độ 59′ Bắc – 112 độ 16′ Ðông. Ngay từ dưới triều Nguyễn đã có một trạm quan trắc do người Pháp đặt trên đảo Cây này.


Trước đó, hôm 23 tháng 2 năm 2012, Bộ Ngoại Giao Việt Nam đã phản đối các hoạt động bất hợp pháp của nhà cầm quyền Bắc Kinh tại khu vực Hoàng Sa trong hai tháng đầu năm nay.


Bất chấp những lời phản đối, mới đầu tháng 3, quan chức Bắc Kinh loan báo sẽ mở rộng du lịch qui mô tới Hoàng Sa trong chủ trương “khẳng định chủ quyền lãnh thổ”.


Trong cuộc họp báo ngày Thứ Năm 15 tháng 3 năm 2012, ông Nghị cũng phản đối Trung Quốc tổ chức du lịch tới Hoàng Sa và còn tổ chức đua thuyền buồm từ cảng Tam Á (Hải Nam) tới Hoàng Sa.


“Việt Nam yêu cầu Trung Quốc tôn trọng chủ quyền của Việt Nam, chấm dứt các hoạt động xâm phạm chủ quyền của Việt Nam tại khu vực quần đảo Hoàng Sa, đóng góp thiết thực vào việc duy trì hòa bình và ổn định trên biển Ðông.” Ông Nghị nói trong cuộc họp báo.


Việc tiến hành đấu thầu tìm kiếm và khai thác dầu khí là hoạt động kinh tế quan trọng. Cuối tháng 5 sang đầu tháng 6 năm 2011, các tàu thăm dò dầu khí của Việt Nam ngay trên thềm lục địa Việt Nam. Người Việt Nam đã biểu tình ở Hà Nội và Sài Gòn phản đối hành động bá quyền của Trung Quốc.


Không biết Bộ Ngoại Giao Việt Nam ngoài những lời phản đối suông không có một chút tác dụng nào, không biết Hà Nội có những hành động nào khác để có thể ngăn cản hành động bất chính của Trung Quốc như hồi năm ngoái?


Các hoạt động ngày một ngang nhiên của Trung Quốc cũng cho thấy họ coi việc cướp quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam xong từ năm 1974 đã trở thành dĩ vãng, không còn gì để bàn cãi.


Tháng 11 năm 2011, ông Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng nói trong một phiên điều trần ở Quốc Hội Hà Nội rằng Việt Nam sẽ đòi lại quần đảo Hoàng Sa “bằng các biện pháp hòa bình”. Người ta không rõ “các biện pháp hoàn bình” mà ông Dùng đề cập là những cái gì, nay chỉ thấy Trung Quốc ngang nhiên chuẩn bị dò tìm và khai thác dầu khí tại khu vực mình xác định chủ quyền “không thể tranh cãi”.


Chỉ một tuần lễ trước cuộc họp báo phản đối của Bộ Ngoại Giao Việt Nam, lúc 3 giờ chiều ngày 9 tháng 3 năm 2012, hai tàu Hải giám trong đó có một tàu mang số hiệu 75 ( Zhongguo Haijian 75), một loại tàu tuần biển trực thuộc Cục Quản Trị Hải Dương Trung Quốc, đã “áp sát kho nổi chứa xuất dầu thô FPSO Lewek Emas của Việt Nam đang neo đậu tại vị trí giàn khoan mỏ Chim Sáo, ở lô 12W, thềm lục địa Việt Nam”. Trang thông tin điện tử Bauxite Vietnam ngày 15 tháng 3, 2012 cho hay như vậy dựa vào “nguồn tin đáng tin cậy”.









Tàu Hải giám Trung Quốc mang số 75 áp sát kho nổi chứa dầu thô của Việt Nam đang neo đậu tại khu vực mỏ Chim Sáo, lô 12W, bồn trũng Nam Côn Sơn thềm lục địa Việt Nam. (Hình: Bauxite Việt Nam)


Theo nguồn tin, các tàu này đến rất gần nên có thể nhìn thấy rõ hàng chữ bằng Anh ngữ “Chinese Marine Surveillance” tức Hải giám Trung Quốc mà một tàu được đánh số 75.


Tàu Hải giám 75 của Trung Quốc, trọng tải 1250 tấn, được đưa vào sử dụng từ tháng 10 năm 2010 nên khá tối tân. Khi bắt đầu trao cho Cục Hải Dương hoạt động trên biển Ðông, báo Trung Quốc ngày 26 tháng 10, 2010 nói tài Hải giám 75 “được trang bị hệ thống võ khí phòng vệ tối tân hàng đầu”.


Theo bản tin của Bauxite Vietnam “Tàu Trung Quốc không trả lời dù phía Việt Nam cố gắng bắt liên lạc trên các kênh VHF 16, 14, 12, 72. Phải đến khi Việt Nam đưa tàu Sapa (tên một chiếc tàu kéo dịch vụ dầu khí) tiến về hướng tàu hải giám Trung Quốc, thì chúng mới bỏ đi, lúc 3 giờ 40.”


Không thấy Lương Thanh Nghị, phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Việt Nam, đả động đến chuyện này trong cuộc họp báo ở Hà Nội ngày 15 tháng 3, 2012. (T.N.)

MỚI CẬP NHẬT