Friday, April 19, 2024

Việt Nam lo ngại Lào xây đập Don Sahong


PHNOM PENH  (NV) –
Cả Việt Nam, Campuchia, Thái Lan tiếp tục bày tỏ sự lo ngại về tác hại của đập thủy điện Don Sahong đối với môi trường, hệ sinh thái và ngư nghiệp ở khu vực hạ lưu Mekong.

Đập thủy điện Don Sahong dự trù xây ở lưu vực sông Mekong trên đất Lào. (Hình: Phnom Penh Post)

Don Sahong là đập thủy điện thứ hai mà Lào muốn xây dựng trên dòng chính của sông Mekong ở khu vực hạ nguồn. Trước đó, Lào đã thực hiện đập Xayaburi.

Trong khi chính quyền Lào sử dụng “Bản đánh giá Tác động môi trường” do nhà thầu thi công công trình thủy điện Don Sahong thực hiện, để phủ nhận các khuyến cáo về tác hại của đập Don Sahong thì Quỹ Bảo tồn Thiên nhiên WWF đã lên tiếng bác bỏ tài liệu này vì nó “phản khoa học và thiếu bằng chứng”.
 
Ông Sin Niny, Phó Chủ tịch Uỷ ban Sông Mekong của Campuchia, nhấn mạnh, Campuchia vẫn giữ lập trường là Lào nên ngưng dự án và tiến hành thêm các cuộc thẩm định về môi trường. Đài RFI cho biết, khoảng 50 tổ chức bảo vệ môi sinh và phát triển đang chuẩn bị gửi một lá thư cho Ủy ban Sông Mekong để bày tỏ sự lo ngại của họ về tác hại nếu kế hoạch xây đập Don Sahong vẫn được tiến hành.

Các tổ chức bảo vệ môi trường ở Campuchia còn dự trù sẽ tổ chức biểu tình tại ba tỉnh Stung Treng, Kompong Cham và Kratie, trong các ngày từ 28 đến 30 tháng 3-2014 để phản đối kế hoạch xây đập Don Sahong và các con đập khác trên dòng chính sông Mêkông.

Tranh luận giữa bốn quốc gia trong Ủy hội sông Mêkông (là Lào, Thái, Campuchia, Việt Nam) xảy ra từ tháng 9 năm ngoái sau khi Lào loan báo sẽ thực hiện dự án thủy điện Don Sahong có công suất 256 MW trên dòng chính của sông Mê Kông. 

Hồi giữa tháng 1, cuộc họp của Ủy hội sông Mêkông với bốn thành viên đã không đạt kết quả mà chính quyền và dân chúng nhiều quốc gia ở hạ lưu con sông này mong đợi: Ngưng thực hiện dự án thủy điện Don Sahong. Dự án thủy điện Don Sahong được cho rằng sẽ làm nguồn thủy sản suy kiệt và ảnh hưởng nghiêm trọng đến nông nghiệp trong vùng. Trong đó, Campuchia và Việt Nam sẽ bị thiệt hại nặng nề nhất.

Hồi năm 1995, Ủy hội sông Mê Kông từng thông qua một hiệp định, theo đó, mọi dự án tác động đến dòng chính của sông Mê Kông phải tham vấn bốn quốc gia thành viên. Các thành viên có quyền phủ quyết dự án, nếu dự án có hại cho mình.

Dựa vào hiệp định vừa kể, Việt Nam, Campuchia, Thái Lan đã phản đối dự tính của Lào. Còn Lào phản bác rằng, dự án thủy điện Don Sahong được thực hiện trên một nhánh chính của sông Mê Kông nên chỉ có trách nhiệm thông báo chứ không cần nghe ý kiến đa số.

Ngoài Việt Nam, Campuchia và Thái Lan, giới bảo vệ môi trường cũng đã lên tiếng chỉ trích dự án thủy điện Don Sahong kịch liệt. Bà Ame Trandem, Giám đốc Đông Nam Á của tổ chức Sông ngòi Quốc tế (International Rivers), cho rằng, tuyên bố của Lào rất “ngu xuẩn”. Bà Trandem nhận định, đập Don Sahong được đặt ở vị trí tồi tệ nhất mà người ta có thể tưởng tượng ra, tại một nơi có mà các luồng cá di cư trên sông đạt mật độ tối đa, vì thế, các tuyến di cư thiết yếu của cá có khả năng bị tắc.

Việc thi nhau xây dựng hàng loạt đập thủy điện trên dòng chính của sông Mê Kông, dòng sông được xem là lớn nhất trên thế giới, bắt nguồn từ Trung Quốc, chảy qua Lào, Miến Điện, Thái Lan, Campuchia, Việt Nam rồi đổ ra biển Đông, từng được báo động liên tục bởi tác động tiêu cực tới cuộc sống của khoảng 60 triệu người và hủy diệt môi trường của bốn quốc gia nằm ở hạ lưu con sông này là Việt Nam, Campuchia, Thái Lan, Lào. Trong đó, Việt Nam là quốc gia bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất.

Các thống kê được công bố tại Hội nghị Tư vấn vùng về phát triển thủy điện Mê Kông do Ủy hội Sông Mê Kông  tổ chức, vào tháng 9 năm ngoái, ở Vientiane, cho biết, việc xây dựng các đập thủy điện đang đe dọa xóa sổ nghề cá ở lưu vực sông Mê Kông (dòng sông có sản lượng cá lớn nhất thế giới với 2.5 triệu tấn/năm, tổng giá trị tương đương 3 tỉ USD).

Theo cộng đồng quốc tế, khi các dự án thủy điện trên dòng chính của sông Mê Kông trở nên hấp dẫn về tài chính đối với chủ đầu tư, “cuộc chiến” giữa một bên là phát triển nghề cá có  tính ổn định, lâu dài, giúp bảo vệ và đa dạng hóa sinh thái với bên kia là những lợi ích tức thời như thủy điện sẽ càng ngày càng gay gắt. Trong cuộc chiến ấy, sự bất lợi luôn thuộc về người nghèo, kiếm sống trên toàn lưu vực sông Mê Kông.

Ngay vào lúc này, ở thượng nguồn sông Mê Kông đã có ba đập thủy điện chắn ngang dòng chính, đoạn chảy qua tỉnh Vân Nam, Trung Quốc. Còn tại dòng chính ở khu vực hạ lưu đang có tới 11 dự án sắp được thực hiện, trong đó có 9 đập nước tại Lào và 2 đập nước tại Campuchia.

Giới nghiên cứu môi trường khẳng định, các hồ chứa nước của những dự án thủy điện sẽ khiến tốc độ tự nhiên của dòng chảy chậm lại, làm phù sa bồi lắng lớn, động lực dòng chảy thay đổi khiến các đoạn sông ở hạ lưu bị xói lở. Bên cạnh đó, những hồ chứa nước với dung tích lên tới hàng chục tỉ mét khối nước sẽ gây ra địa chấn, đồng thời tạo những tác động tiêu cực cho cả vùng thượng nguồn như: ngập đất, ngập rừng, ngập các di sản, phải di dân và xóa sổ môi trường sống của các loài động vật hoang dã… (G.Đ)

MỚI CẬP NHẬT