Thursday, April 18, 2024

Việt Nam muốn cùng Nhật duy trì an ninh hàng hải

TOKYO (NV) .- Chủ tịch Nhà nước CSVN, ông Trương Tấn Sang tái khẳng định việc ‘muốn cùng với Nhật duy trì an ninh hàng hải’ khi trả lời phỏng vấn của hãng tin Kyodo, khi đến Tokyo hôm 16 và sẽ kết thúc chuyến thăm hôm 19 tháng 3.









Nhật Hoàng Akihito (thứ hai bên phải) bắt tay bà Mai Thị Hạnh, vợ ông chủ tịch nước CSVN Trương Tấn Sang (thứ hai, bên trái) trong khi hoàng hậu Michiko (hơi khuất bên cạnh Nhật hoàng) đứng nhìn. Vợ chồng ông Sang tới thăm chính thức nước Nhật 4 ngày từ 17/3/2014 trong mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện. (Hình: TOSHIFUMI KITAMURA/AFP/Getty Images)


Chủ tịch Nhà nước CSVN bày tỏ hy vọng có thể duy trì an ninh hàng hải và hàng không, hòa bình và an ninh, thông qua hợp tác với các đối tác như Nhật và các quốc gia trong khối ASEAN. Cùng thời điểm này, trả lời phỏng vấn của BBC, ông Suzuki Hideo, Phó Đại sứ Nhật tại Việt Nam, khẳng định, với Nhật, Việt Nam quan trọng về chiến lược.


Ông Hideo bảo rằng, Nhật và Việt Nam là “một trong các cặp đối tác tốt đẹp nhất khu vực”. Quan hệ Nhật – Việt được thắt chặt do tình hình trong khu vực và trên thế giới thay đổi nhanh chóng về kinh tế, an ninh.


Do Việt Nam có vị trí chiến lược quan trọng về dân số, nông nghiệp, tiềm năng nguồn nhân lực ở Đông Nam Á, sự phát triển tại Việt Nam ảnh hưởng đến vùng phụ cận nên Nhật dành cho Việt Nam những khoản ODA lớn để phát triển hệ thống giao thông, cảng biển và nguồn nhân lực.


Tuy đầu tư trực tiếp của các doanh nghiệp Nhật vào Việt Nam rất lớn và Nhật mong muốn các công ty Nhật hợp tác chặt chẽ với các công ty Việt Nam nhưng theo ông Hideo, giới đầu tư Nhật vẫn gặp nhiều khó khăn tại Việt Nam. Đó là sự phức tạp của hệ thống luật pháp, là thủ tục hành chính rườm rà, cản trở việc thực hiện các dự án đầu tư. Chưa kể đến những khó khăn do chính quyền trung ương và chính quyền địa phương thiếu phối hợp chặt chẽ.


Ông Hideo khuyến cáo, các qui định về môi trường, sự dụng đất, sự tham gia của phía nước ngoài trong các công ty liên doanh của Việt Nam nên theo “chuẩn quốc tế”. Điều đó sẽ có có lợi cho cả chính quyền lẫn dân chúng Việt Nam.


Phó đại sứ Nhật nói thêm rằng, 11 năm trước, Nhật – Việt tạo ra “Sáng kiến chung Nhật – Việt” để đại diện chính quyền và doanh giới ngồi bên có thể cùng bàn bạc, giải quyết khó khăn. Nay, khi “Sáng kiến chung Nhật – Việt” đã đến giai đoạn thứ 5, “vẫn còn rất nhiều chủ đề cần phải bàn thảo” và ông “hy vọng sẽ đạt được tiến bộ”.


Ông Hideo tâm sự ông thấy “buồn cười” khi qua sinh hoạt tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam, Phòng Thương mại Hoa Kỳ, Phòng Thương mại Châu Âu, Nam Hàn, Ấn Độ… đều nêu, bàn những chủ đề giống nhau. Điều đó có nghĩa là doanh giới của các nước đều gặp khó khăn như nhau tại Việt Nam.


Tại sao chính phủ và giới đầu tư nước ngoài không “gây sức ép” để yêu cầu Việt Nam dọn dẹp những rào cản cho môi trường đầu tư, kinh doanh? Ông Hideo nhận định, những giới này không muốn áp đặt mà chỉ cố gắng đưa ra ý tưởng, rằng làm sao thì hoạt động kinh doanh ở Việt Nam sẽ sầm uất hơn, người lao động Việt Nam sẽ có nhiều việc làm hơn, kinh tế tại các tỉnh năng động hơn. Song chính Việt Nam phải quyết định xem họ muốn làm gì với nền kinh tế của họ. (G.Đ)



 

MỚI CẬP NHẬT