Friday, March 29, 2024

Việt Nam nhận của Nga chiếc tàu ngầm thứ hai

CAM RANH, Việt Nam (NV) – Chiếc tàu ngầm thứ hai trong lô sáu tàu ngầm loại Varshavyanka, lớp Kilo, mà Nga đóng cho Việt Nam vừa cập cảng Cam Ranh. Chiếc đầu tiên được Nga giao cho Việt Nam hồi đầu năm.

Theo dự kiến, chiếc thứ ba sẽ được bàn giao vào Tháng Mười Một. Ba chiếc tàu ngầm còn lại của lô hàng trị giá $2 tỉ sẽ được bàn giao trong hai năm 2015 và 2016.

Tàu ngầm loại Varshavyanka, lớp Kilo, có lượng giãn nước từ 3.000 đến 3.950 tấn, mang theo 52 người, có thể hoạt động ở độ sâu trung bình là 240 mét và có thể lặn sâu tối đa 300 mét. Tầm hoạt động từ 6.000 đến 7.500 hải lý. Thời gian hoạt động độc lập 45 ngày.

Tàu ngầm đầu tiên của Việt Nam, tên Hà Nội, được hạ thủy tại cảng Cam Ranh hôm 3 tháng 1. (Hình: Vietnam News Agency/AFP/Getty Images)

Ngoài việc cung cấp tàu ngầm, Nga còn nhận đào tạo đội ngũ sử dụng tàu ngầm Kilo cho Hải Quân Việt Nam. Hai bên đã cùng xây dựng “trung tâm đào tạo nhân lực điều khiển tàu ngầm Kilo” tại Cam Ranh. Cuối năm ngoái, “trung tâm đào tạo nhân lực điều khiển tàu ngầm Kilo” đã bắt đầu huấn luyện 40 người để sử dụng những tàu ngầm Kilo đặt mua của Nga.

Ðầu năm nay, các chuyên gia Nga cho biết, dù có tàu ngầm nhưng hai năm nữa hải quân Việt Nam mới có thể sử dụng thành thạo loại tàu ngầm lớp Kilo.

Từ khi Trung Quốc gia tăng các hoạt động nhằm khẳng định yêu sách của họ về chủ quyền trên biển Ðông, Nga là một trong những quốc gia mà Việt Nam mong muốn “thắt chặt quan hệ.” Năm 2012, quan hệ Nga-Việt đã được nâng lên thành “đối tác chiến lược toàn diện.”

Giữa Tháng Mười năm ngoái, Nga và Việt Nam đạt thêm được một thỏa thuận, theo đó, hai bên sẽ cùng tăng việc hợp tác kỹ thuật quân sự như một giải pháp thắt chặt hơn nữa quan hệ song phương. Ðẩy mạnh hợp tác kỹ thuật quân sự được hai bên xác định là một phần quan trọng trong việc phát triển quan hệ đối tác chiến lược.

Trong quan hệ với Nga, những thỏa thuận hợp tác về quân sự, nhằm tăng cường khả năng quốc phòng của Việt Nam đã đạt một số kết quả cụ thể.

Chẳng hạn, nhờ quan hệ này, Việt Nam sẽ có một công xưởng hải quân ở Cam Ranh vào năm 2015 để sửa chữa và bảo dưỡng toàn bộ các chiến hạm mà Liên Xô (trước đây) và Nga (hiện nay) cung cấp cho Việt Nam. Bên cạnh các chiến hạm mới mua từ Nga, đến nay, Hải Quân Việt Nam vẫn còn sử dụng các chiến hạm loại Svetlyak, Molniya mua từ Nga hồi thập niên 1990.

Trong thập niên vừa qua, ngoài việc đặt mua của Nga sáu tàu ngầm lớp Kilo, Việt Nam còn mua thêm bốn chiến hạm phóng hỏa tiễn Gepard cho hải quân, 20 chiến đấu cơ Su-30MK2 cho không quân, hệ thống hỏa tiễn địa – không S-300, hệ thống hỏa tiễn hải – không Bastion và hỏa tiễn địa – không Igla để trang bị cho quân chủng phòng không – không quân…

Nếu tính riêng giai đoạn từ 2013 đến 2016, Việt Nam là khách hàng lớn thứ ba trong các giao dịch vũ khí giữa Nga với những quốc gia khác. Trước đó, ở giai đoạn từ 2005-2012, số tiền Việt Nam mua vũ khí của Nga chỉ chiếm chừng 5% tổng doanh thu xuất cảng vũ khí của Nga và mới là khách hàng lớn thứ năm.

Mặc dù các chuyên gia nhận định, lý do Việt Nam tăng chi tiêu trong mua sắm vũ khí, đặc biệt là vũ khí của Nga vì thái độ hung hăng của Trung Quốc, điều đó chưa hẳn đã đúng.

Người ta ước đoán, trong thập niên vừa qua, quân đội và công an Việt Nam đã chi cả trăm tỉ đô la cho việc mua sắm vũ khí, phương tiện phục vụ quốc phòng, an ninh của nhiều quốc gia nhưng giống như cách nay hai thập niên, ngư dân Việt Nam vẫn là “lực lượng chính để khẳng định chủ quyền trên biển Ðông.” “Lực lượng” này vẫn thường xuyên bị tàu Trung Quốc rượt đuổi, bắt giữ, đập phá, tịch thu ngư cụ,… khi gặp nạn vẫn phải tự cứu lẫn nhau chứ không hề được hải quân, cảnh sát biển hỗ trợ.

Một số người trong giới quan sát các diễn biến thời sự tại Việt Nam từng nêu thắc mắc về chuyện tại sao Việt Nam ồ ạt mua sắm vũ khí, phương tiện quốc phòng, an ninh từ quá nhiều nguồn (Nga, Pháp, Canada,…), bởi vì đó vốn là điều tối kỵ cho công tác hậu cần do cung cấp phụ tùng, nguyên liệu, bảo trì, sửa chữa,… sẽ hết sức khó khăn, tốn kém.

Trong quá khứ, mua bán vũ khí, phương tiện quốc phòng, an ninh từng tạo ra một số vụ tai tiếng và bị chính quyền Việt Nam dập ngay sau đó, với lý do “an ninh quốc gia.” Hồi thập niên 1990, tờ Tuổi Trẻ từng đề cập đến những thương vụ bán các loại vũ khí, phương tiện của Hoa Kỳ mà chính quyền Việt Nam thu được sau ngày 30 Tháng Tư, 1975 với giá bán ve chai, sau đó, loạt bài này trên tờ Tuổi Trẻ bị chặn lại. Cũng thời điểm vừa kể, tổng biên tập tờ Doanh Nghiệp bị bắt khẩn cấp và bị giam một năm do “tiết lộ bí mật quốc gia” sau khi công bố loạt bài điều tra liên quan đến vụ mua một lô tàu cao tốc không còn giá trị sử dụng với giá trên trời.

Không phải ngẫu nhiên mà nhiều viên chức chính quyền lẫn nhà báo Việt Nam vẫn thường khẳng định với thân hữu rằng, mua bán vũ khí, phương tiện quốc phòng, an ninh của quân đội, công an là lĩnh vực do mafia điều hành.

Hồi đầu năm nay, lần đầu tiên một số đại biểu của Quốc Hội Việt Nam công khai đòi giám sát các thương vụ mua bán vũ khí và những phương tiện phục vụ quốc phòng và an ninh của quân đội, công an, lĩnh vực mà trước nay vẫn để giới lãnh đạo quân đội, công an tự quyết định, không cần báo cáo và cũng chẳng có ai giám sát.

Một đại biểu Quốc Hội Việt Nam tên là Nguyễn Hòa Bình, hiện đang đảm nhiệm vai trò viện trưởng Viện Kiểm Sát Tối Cao, bảo rằng những thương vụ liên quan đến mua sắm vũ khí, phương tiện phục vụ quốc phòng, an ninh “không thể chỉ là đặc quyền của quân đội và công an.”

Nhân vật này khẳng định, nếu cần thì cứ việc mua hỏa tiễn, tàu ngầm nhưng nhấn mạnh “Quốc Hội phải kiểm soát được.” Ông đề nghị Quốc Hội Việt Nam nên thành lập một hội đồng thẩm định những nhu cầu và mua sắm vũ khí, thiết bị cho quân đội, công an. (G.Ð.)

MỚI CẬP NHẬT