Tuesday, April 16, 2024

Việt Nam nhận ngoại tệ nhiều thứ 9 thế giới


WASHINGTON, DC (NV) – Việt Nam có thể nhận tới $11 tỉ ngoại tệ trong năm nay, đứng hàng thứ 9 trong số 10 quốc gia hàng đầu thế giới, theo báo cáo của Ngân Hàng Thế Giới (WB), có trụ sở tại Washington, DC.

Trong khu vực Ðông Nam Á, Việt Nam chỉ đứng sau Philippines, ước tính nhận được $26 tỉ do công dân của họ ở nước ngoài gởi về.









(Hình ngoại tệ: TANG CHHIN SOTHY/AFP/Getty Images)


Năm 2010, Việt Nam nhận được khoảng $8 tỉ, năm 2011 được $9 tỉ, và năm 2012 khoảng $10 tỉ.
Ngoại tệ gởi về Việt Nam năm 2009 lần đầu tiên bị giảm, chỉ còn hơn $6 tỉ, so với $7.2 tỉ của năm 2008, vì suy thoái kinh tế thế giới.

Hai địa phương luôn nhận ngoại tệ nhiều nhất là Sài Gòn và Hà Nội.

Cũng theo WB, tổng số ngoại tệ các quốc gia trên thế giới nhận được trong năm 2013 là $414 tỉ, tăng 6.3% so với năm 2012, và con số này dự trù sẽ tăng lên $540 tỉ vào năm 2016.

Mười quốc gia đứng đầu trong nhóm các quốc gia nhận ngoại tệ nhiều nhất trong năm 2013 là Ấn Ðộ ($71 tỉ), Trung Quốc ($60 tỉ), Philippines ($26 tỉ), Mexico ($22 tỉ), Nigeria ($21 tỉ), Ai Cập ($20 tỉ), Pakistan ($15 tỉ), Bangladesh ($15 tỉ), Việt Nam ($11 tỉ), và Ukraine ($9 tỉ).

Ngoài ra, báo cáo của WB cũng cho thấy, nếu tính theo tỉ lệ ngoại tệ so với tổng sản lượng quốc dân (GDP) trong năm 2012, 10 quốc gia nêu trên không nằm trong “Top Ten.”

“Top Ten” trong nhóm này là Tajikistan (48%), Kyrgyzstan (31%), Lesotho (25%), Nepal (25%), Moldova (24%), Armenia (21%), Haiti ($21%), Samoa (21%), Liberia (20%), và Lebanon (17%).

Số lượng ngoại tệ gởi về đều tăng ở tất cả các khu vực trên thế giới, ngoại trừ Nam Mỹ và vùng biển Caribbean, vì khủng hoảng kinh tế tại Hoa Kỳ.

Theo ước tính của WB, GDP của Việt Nam năm 2012 đạt gần $140 tỉ. Như vậy, tỉ lệ ngoại tệ với GDP của Việt Nam chỉ đạt 7.5%.

Theo nhiều thống kê không chính thức, hiện có khoảng 4.5 triệu người Việt Nam định cư và làm việc tại hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, trong đó, khoảng 80% đang sống ở các quốc gia giàu có. (Ð.D.)

MỚI CẬP NHẬT