Thursday, March 28, 2024

Việt Nam phản đối Trung Quốc xâm phạm chủ quyền Hoàng Sa


HÀ NỘI (NV) –
Bộ Ngoại Giao Việt Nam vừa lên tiếng phản đối Trung Quốc xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa qua rất nhiều hành động liên tiếp trong thời gian gần đây.










Ðảo Phú Lâm trong quần đảo Hoàng Sa được Trung Quốc xây dựng với phi trường và bến cảng. (Hình: China Defense Blog)


“Bộ Ngoại Giao Việt Nam khẳng định mọi hoạt động ở khu vực hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa mà không được sự đồng ý của Việt Nam là xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam.”


Ông Lương Thanh Nghị, phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Việt Nam nói như vậy trong cuộc họp báo ở Hà Nội hôm Thứ Năm, 23 tháng 2, 2012.


Ông Nghị lên tiếng phản ứng khi được báo chí hỏi về một số hoạt động của một số viên chức chính quyền cũng như các tổ chức và công ty Trung Quốc tại khu vực quần đảo Hoàng Sa.


TTTXVN thuật lại cuộc họp báo của ông Nghị kể lại rằng, “báo chí Trung Quốc đưa tin liên quan đến một số hoạt động của một số bộ ngành của Trung Quốc ở Biển Ðông từ đầu năm đến nay như: Bộ trưởng Giao Thông Trung Quốc ra đảo Hoàng Sa thị sát tàu Hải Tuần; Cục trưởng Cục Thể Thao TQ đến thăm đảo Phú Lâm, quần đảo Hoàng Sa khảo sát tình hình triển khai hoạt động thể dục thể thao, Viện Nghiên Cứu Môi Trường và Khảo Sát Công Trình Hải Dương “Nam Hải” thực hiện dự án đo đạc, giám sát, phân tích và đánh giá sự thay đổi của một số đảo điển hình ở quần đảo Hoàng Sa; Cục trưởng Cục Ngư Chính khu “Nam Hải” Trung Quốc cho biết Trung Quốc có kế hoạch về việc xây dựng căn cứ nghề cá ở đảo Phú Lâm, quần đảo Hoàng Sa và xây dựng cầu tàu và căn cứ dịch vụ nghề cá ở Trường Sa.”


Các hoạt động dồn dập của nhà cầm quyền Bắc Kinh cho thấy họ có những kế hoạch lớn tại khu vực quần đảo Hoàng Sa, coi quần đảo này hoàn toàn của họ sau khi đã cướp được từ Việt Nam Cộng Hòa năm 1974, không còn gì để bàn cãi với phía Việt Nam. Ðây là một trong những lý do chính cản trở các cuộc thương thuyết về vấn đề Biển Ðông giữa hai nước.


“Việt Nam có chủ quyền không tranh cãi đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Mọi hoạt động ở khu vực hai quần đảo này mà không được sự đồng ý của Việt Nam là xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, làm phức tạp và căng thẳng thêm tình hình trên Biển Ðông, trái với Thỏa thuận Các nguyên tắc Cơ bản Giải quyết Vấn đề trên biển đã ký giữa hai nước, không phù hợp với Tuyên bố Ứng xử của Các bên ở Biển Ðông (DOC), cũng như các cam kết duy trì ổn định, hòa bình trên biển,” Ông Nghị nói trong cuộc họp báo.


Dịp này, ông đòi hỏi “Trung Quốc dừng ngay các hành động, hủy bỏ các dự án xâm phạm chủ quyền của Việt Nam nêu trên, cùng các bên liên quan hợp tác giữ gìn hòa bình, ổn định ở Biển Ðông, thực hiện nghiêm túc DOC.”


Thông thường, Bắc Kinh không coi các lời phản đối của Việt Nam có tác dụng gì đối với họ nên những gì họ quyết định làm, vẫn tiến hành. Hàng năm, Bắc Kinh loan báo cấm đánh cá trên biển Ðông từ giữa tháng 6 đến đầu tháng 8 bất chấp sự phản đối của Việt Nam. Ngư dân Việt đánh cá gần quần đảo Hoàng Sa đều bị bắt giữ đòi tiền chuộc hoặc bị đâm chìm tàu.


Cuối tháng 5 sang đầu tháng 6, 2011, tàu Trung Quốc đã ngang nhiên cắt cáp các tàu thăm dò dầu khí của Việt Nam ngay trong vùng biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam theo Công ước Quốc tế về Luật Biển (UNCLOS) mà cả hai nước đều là thành viên.


Ðến tháng 10, 2011, Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng cầm đầu một phái đoàn đông đảo tới Bắc Kinh. Hai bên ra một bản thông cáo chung và ký một thỏa thuận nguyên tắc giải quyết các vấn đề trên biển. Những gì diễn ra tại khu vực quần đảo Hoàng Sa cho thấy Bắc Kinh bất chấp những gì họ đã thỏa thuận. (TN)

MỚI CẬP NHẬT