Thursday, March 28, 2024

Việt Nam ra lệnh ‘không đóng dấu lên hộ chiếu lưỡi bò’

Indonesia: In hình ‘lưỡi bò’ là phản tác dụng


 


HÀ NỘI (NV) – Hôm Thứ Năm, 29 tháng 11, 2012, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ CSVN Vũ Ðức Ðam nói trong cuộc họp báo ở Hà Nội rằng  “đã chỉ đạo không đóng bất kỳ dấu nào của Việt Nam lên mẫu hộ chiếu có ‘đường lưỡi bò.’”









Người dân Philippines biểu tình phản đối hộ chiếu lưỡi bò của Trung Quốc vào hôm 29 tháng 11, 2012 tại thủ đô Manila. (Hình: Dondi Tawatao/Getty Images)


Bấm vào đây xem diễn đàn về ‘hộ chiếu lưỡi bò’


Ông Ðam xác nhận nhà cầm quyền Việt Nam đã chỉ thị cho các viên chức di trú ở các cửa khẩu quốc tế là “người nhập cảnh sẽ được cấp một tờ rời” và “vẫn tạo điều kiện cho công dân Trung Quốc làm việc hoặc du lịch, giao lưu với người dân Việt Nam.”


Một người Trung Quốc nói trên một bản tin thông tấn quốc tế là họ đã phải trả 50,000 đồng lệ phí để được cấp tờ chiếu khán rời, thay vị được đóng dấu nhập cảnh trên quyển hộ chiếu.


Trung bình hàng tháng có khoảng 100 ngàn người Trung Quốc nhập cảnh Việt Nam để du lịch hoặc hoạt động kinh doanh xuyên qua cửa khẩu Nội Bài, theo tin VNExpress.


Ðẩy mạnh hơn nữa áp lực với Việt Nam, Bắc Kinh đã để cho tỉnh Hải Nam ra một quyết định sẽ khám xét và đuổi các tàu nước ngoài mà họ gọi là xâm phạm các vùng biển chủ quyền của họ.


Bản tin của Trung Quốc nhật báo hôm Thứ Tư, 28 tháng 11, 2012 không nói rõ rệt vùng biển “chủ quyền” là nằm trong cái “Lưỡi Bò” đang tranh chấp hay gì khác.


Trong khi ra quyết định gây thêm căng thẳng với các nước láng giềng, phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Bắc Kinh vẫn giả lả nói trong cuộc họp báo hôm Thứ Tư là không nên “diễn dịch quá đáng” cái bản đồ “Lưỡi Bò” trên hộ chiếu. Bắc Kinh luôn luôn sử dụng cái trò vừa đánh vừa vuốt rất nham hiểm.


 


‘Phản tác dụng’


 


Cũng vào hôm Thứ Năm, ngoại trưởng Indonesia nói việc Bắc Kinh in hình các vùng đang tranh chấp với các nước trên quyển hộ chiếu cấp cho công dân nước họ là “phản tác dụng.”


Tuy không phải là nước tranh chấp chủ quyền biển đảo với Trung Quốc trên Biển Ðông, những tháng gần đây, Indonesia muốn đóng vai trò tích cực hơn để dàn xếp các tranh chấp lãnh thổ giữa một số thành viên ASEAN với Trung Quốc.


Trong số 10 nước ASEAN thì Indonesia có dân số đông nhất với 238 triệu người và một nền kinh tế lớn nhất khu vực.


Hồi tháng 7 vừa qua, Ngoại Trưởng Marty Natalegawa của Indonesia đã ngược xuôi qua nhiều thủ đô để hàn gắn những bất đồng vì cuộc họp cấp ngoại trưởng ASEAN tại Cambodia không ra nổi một bản thông cáo chung chỉ vì vấn đề Biển Ðông.


Nay Bắc Kinh nâng sự căng thẳng lên thêm mức nguy hiểm hơn nữa khi in hình “Lưỡi Bò,” đảo Ðài Loan, và hai vùng tranh chấp với Ấn Ðộ lên hộ chiếu.


“Những hành động này (của Bắc Kinh) là phản tác dụng và không giúp dàn xếp các tranh chấp.” Ông Natalegawa nói với báo Jakarta Post hôm Thứ Năm.


“Chúng tôi nhận thấy hành động của người Trung Quốc làm ra vẻ thiếu hiểu biết, như là muốn thử xem các nước láng giềng phản ứng ra sao.”


Ông cho rằng ASEAN nên tập trung nỗ lực vào việc hoàn thiện một Bộ Quy Tắc Ứng Xử như bước đầu tiên để tránh xung đột. Ðây là điều, được nhiều nhà bình luận nói, rất khó đạt đến trong một thời gian gần khi tham vọng bành trướng lãnh thổ của Bắc Kinh vẫn rất cao. (TN)

MỚI CẬP NHẬT