Wednesday, April 17, 2024

Việt Nam sắp giảm lãi suất căn bản


HÀ NỘI 14-12 (NV) –
Việt Nam ra dấu hiệu cho biết họ sắp cắt giảm lãi suất căn bản tới một mức độ gọi là “hợp lý phù hợp”, có thể từ sau quý I khi đồng bạc yếu hơn trong năm nay và lạm phát giảm bớt.

Người bán hàng rong đi qua chi nhánh một ngân hàng thương mại ở Hà Nội. Ngân Hàng Nhà Nước CSVN bắn tín hiệu có thể sắp giảm lãi suất căn bản. (Hình: AFP/Getty Images)

“Bước sang năm 2012, căn cứ vào tình hình thực tế trong nước và thế giới, cũng như bám sát các mục tiêu, nhiệm vụ do Quốc Hội và chính phủ đề ra, NHNN tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chặt chẽ và linh hoạt để ưu tiên kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế ở mức phù hợp”, Thống Ðốc Ngân Hàng Nhà Nước Nguyễn Văn Bình nói trong cuộc họp báo ngày 11 tháng 1 ở Hà Nội.

Suốt năm qua, Việt Nam đối diện với thâm thủng mậu dịch, hệ thống ngân hàng thương mại đầy ngập nợ xấu trong khi nền kinh tế tăng trưởng chậm lại, hậu quả một nền kinh hướng về xuất khẩu trong khi kinh tế cả thế giới cũng vẫn chưa hồi phục nổi, nhập cảng ít đi.

Trong khi đó, Thái Lan và Indonesia đã cắt giảm lãi suất thời gian gần đây để yểm tợ cho nền kinh tế phát triển. Mới tháng trước, Ngân Hàng Thế Giới (WB) và Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế (IMF) vẫn còn khuyến cáo Hà Nội rằng không nên nới lỏng chính sách tiền tệ quá sớm khi lạm phát vẫn còn rất cao, nền kinh tế còn quá yếu ớt.

“Dựa vào những lời tuyên bố về chính sách tiền tệ gần đây của Việt Nam, cũng như căn cứ vào chiều hướng lạm phát giảm dần trong khi tăng trưởng chậm lại, đồng thời nhà cầm quyền cũng bị các áp lực (nội tại), tôi tin đến 99% là ông (Bình) muốn nói là kỳ điều chỉnh lãi suất sắp đến sẽ là giảm xuống.” Gareth Leather, một kinh tế gia của công ty Capital Economics ở Luân Ðôn nói với báo tài chính Bloomberg.

Bà Victoria Kwakwa, giám đốc văn phòng WB ở Việt Nam phát biểu trong một cuộc phỏng vấn hồi tuần qua rằng Việt Nam cần chứng minh cho thấy họ đáng tin cậy trong các hứa hẹn ổn định một cách bền vững cho nền kinh tế.

Nhiều kinh tế gia từng chê trách rằng Việt Nam có thói quen nói một đàng làm một nẻo.

“Họ có cơ hội chứng tỏ họ đoạn tuyệt với quá khứ.” Bà Kwakwa nói. “Việt Nam bây giờ cần phải duy trì ổn định nền kinh tế vĩ mô khi nó cần thiết và không được ném nó ra gió bão khi người ta vừa mới cứu nó từ mỏm đá”.

Bà ám chỉ tới chính sách bơm tiền vô tội vạ cho đám kinh tài quốc doanh, đảng đoàn, kích thích tăng trưởng bất chấp lạm phát, làm cho đại đa số quần chúng khốn đốn.

Theo ước tính của ông Thống Ðốc Nguyễn Văn Bình, lạm phát cả năm 2012 sẽ bên dưới 12% và có thể chỉ có từ 8% đến 9% nếu diễn ra trong “kịch bản” tốt. Ông Bình tiên đoán như thế trong một cuộc hội thảo về kinh tế hôm Thứ Tư. Tháng 12 năm 2011, lạm phát là 18.13%. Tháng lạm phát tệ hại nhất của năm vừa qua là 23.10% của tháng 8.

Trong năm 2011, đồng nội tệ của Việt Nam đã mất giá 7.4% so với đồng đô la Mỹ, gồm trong đó là lần phá giá đồng bạc 7% hồi tháng 2.

“Tôi tin rằng năm 2012 sẽ là năm khó khăn và thử thách cho nền kinh tế Việt Nam.” Ông Bình nói. “Lạm phát chậm lai là tiền đề để hạ lãi suất nhưng nó không luôn luôn diễn ra như thế.”

Những kẻ giầu có ở Việt Nam đổ tiền ra mua vàng và đô la tích trữ nên đồng nội tệ bị áp lực mạnh hơn. Ông Bình cho hay đồng bạc của Việt Nam sẽ mất giá từ 2% đến 3% trong năm nay.

Trong khi đó, lãnh vực ngân hàng của Việt Nam có những dấu hiệu khó khăn và nhiều nợ xấu hiện vẫn là những mối quan tâm, theo một bản tuyên bố của WB gần đây. Những năm qua, mức tăng trướng tín dụng cao bất thường của hệ thống ngân hàng khi nhà nước bơm tiền cho các doanh nghiệp nhà nước đầu tư bừa bãi, bị các định chế tài tợ quốc tế khuyến cáo rất nhiều lần.

Năm ngoái, Ngân Hàng Nhà Nước đưa ra kế hoạch cải tổ các ngân hàng thương mại, tập trung vốn cho vay chính yếu tại 15 ngân hàng. Tăng trưởng tín dụng tại Việt Nam tăng 13% trong năm 2011, theo lời ông Bình. Ông nói rằng nếu lạm phát giảm xuống tới mức 9%, mức độ ký thác sẽ giảm xuống chỉ còn từ 10% đến 11%. Lãi suất sẽ ổn định trong 3 tháng cho tới tháng 3, theo lời ông.

MỚI CẬP NHẬT