Thursday, March 28, 2024

Việt Nam tiếp tục bội chi ngân sách hàng chục tỉ đồng

HÀ NỘI (NV) .- Bội chi ngân sách nhà nước CSVN chỉ riêng hai tháng đầu năm 2014 đã lên khoảng 20,200 tỉ đồng. Đây là vấn nạn kinh niên của ngân sách chế độ luôn luôn “bóc ngắn cắn dài.”









Bội chi ngân sách CSVN để chi tiêu cho bộ máy quản lý hành chính, chi thường xuyên…của chế độ đã trở thành bệnh kinh niên. (Hình: Thanh Niên)


Theo một bản tin trên tờ Pháp Luật ở Sài Gòn hôm 13/3/2014 dựa trên các con số của Bộ Tài Chính Hà nội, tổng thu ngân sách nhà nước (NSNN) tháng 2 đầu năm nay “ước đạt 49,600 tỉ đồng, lũy kế hai tháng đầu năm 2014 ước 129,870 tỉ đồng, bằng 16.6% dự toán, tăng 12.9% so với cùng kỳ của năm 2013”.


Trong khi đó, tổng chi ngân sách nhà nước CSVN tháng 2 ước 65,710 tỉ đồng, lũy kế chi hai tháng ước 150,070 tỉ đồng, bằng 14.9% dự toán, tăng 4.3% so với cùng kỳ năm 2013. Như vậy, bội chi ngân sách nhà nước tháng 2 ước 16,110 tỉ đồng, lũy kế hai tháng ước 20,200 tỉ đồng, hay cộng lại bằng 9% dự toán năm.


Để bù vào thâm thủng ngân sách, Bộ Tài chính nói rằng họ, tính đến ngày 26-2-2014 “đã thực hiện phát hành được 51,889 tỉ đồng trái phiếu chính phủ để bù đắp bội chi ngân sách nhà nước và cho đầu tư phát triển, bằng 17.5% nhiệm vụ huy động vốn trong nước năm 2014”.


Các bộ ngành cũng như các tỉnh thị địa phương vốn coi ngân sách nhà nước là “cái bánh” chung nên tìm mọi cách moi móc chi tiêu vô tội vạ và tìm cách bỏ túi riêng bằng cách đẻ ra các chương trình, các dự án đầu tư, phát triển. Tham nhũng, xà xẻo các dự án đầu tư công vô cùng phổ biến tại Việt Nam. Bởi vậy, cầu đường chưa khánh thành đã hỏng và được nhìn nhận tốn phí đắt gấp ba, gấp bốn lần ở Hoa Kỳ.


Trước vấn nạn bội chi ngân sách cứu tăng mãi, giữa tháng 12-2013, Bộ Tài Chính loan tin cố gắng cân bằng các khoản thâm thủng ngân sách bằch cách đi vay từ nhiều nguồn khác nhau. Hiện hệ thống ngân hàng thương mại tại Việt Nam ôm những khoản tiền rất lớn chờ các xí nghiệp công ty tới vay nhưng kinh tế lụn bại, không ai muốn vay hoặc không vay nổi. Họ chỉ còn cách mua công trái hầu giải quyết phần nào tình trạng ôm tiền ngồi không.


Năm nào cũng vậy, người ta thấy các bản phúc trình của Kiểm Toán Nhà Nước kêu ca “nhiều sai phạm trong chi tiêu ngân sách”. Khi báo cáo Quốc hội trong phiên họp ngày 10/4/2013, Kiểm Toán Nhà Nước báo cáo được tờ Thanh Niên thuật lại rằng “có 23/28 địa phương chi vượt ngân sách. Các chương trình mục tiêu quốc gia đầu tư bị dàn trải, phân tán trong khi một số địa bàn lại tập trung quá nhiều dự án dẫn tới hỗ trợ không đúng đối tượng, định mức, không hiệu quả.”


Ngày 29/10/2012, báo Thanh Niên thuật tin từ Ủy ban Ngân Sách Quốc hội CSVN nói rằng hình kinh kinh tế khó khăn, nhưng “Trong khi nguồn thu ngày càng eo hẹp, sụt giảm, “vung tay” chi lễ hội, chi khánh tiết, mua sắm tài sản, quản lý hành chính bộ máy cồng kềnh… là nguyên nhân chính khiến ngân sách thâm hụt”.


Theo bản tin vừa kể, người ta thấy có tới 39,800 khoản chi lấy tiền từ ngân sách là “khoản chi sai”. Không phải tới năm sau nghe ông phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phàn nàn có khoảng 30% cán bộ công chức hay khoảng 840,000 ông bà ăn lương nhà nước là “ăn bám” vì “có cũng được, không có cũng được. Ông Trần Du Lịch, đại biểu quốc hội đơn vị Sài Gòn, được tờ Thanh Niên thuật lời kêu ca là “Chính phủ nói nhiều lần tinh giản nhưng bộ máy cứ ngày càng phình ra từ trên xuống dưới. Chúng ta phải cắt giảm chi thường xuyên như hội họp, đi nước ngoài; chỉ nên giữ lương và trợ cấp xã hội. Các khoản chi khác phải cắt ít nhất 10% so với thực chi 2012, vì hiện còn quá nhiều khoản chi “vô tội vạ”.


Tuy các cơ quan, địa phương của chế độ ngang nhiên làm bậy gây thiệt hại cho ngân sách nhưng không thấy có quan chức lớn nhỏ nào bị cách chức hay truy tố ra tòa. (TN)

MỚI CẬP NHẬT