Thursday, March 28, 2024

Việt Nam tìm mua võ khí phương Tây


Ðông Nam Á đang thi đua võ trang

 

HÀ NỘI 10-2 (NV) – Sau nhiều thập niên nhận và mua vũ khí từ Liên Xô, rồi sau đó từ Nga, Hà Nội không còn muốn tùy thuộc vào một nguồn cung cấp duy nhất và đang đi tìm mua võ khí từ các nước phương Tây, theo một bản phân tích của hãng thông tấn Reuters hôm Thứ Sáu.

Hộ tống hạm lớp Sigma do Hòa Lan sản xuất. Tin tức hồi cuối năm ngoái nói rằng Việt Nam muốn điều đình mua 4 chiếc này. (Hình: Maritimephoto)

Nhu cầu canh tân quân đội với các trang bị tân tiến hiện đại để đối phó với một nước Trung Quốc vừa khổng lồ vừa hùng mạnh ở phương Bắc, kích thích bởi các tranh chấp chủ quyền biển đảo trên biển Ðông.

Không riêng gì Việt Nam, Mã Lai, Indonesia, Philippines đều cố gắng mua sắm đang là những dấu hiệu nổi bật của một cuộc chạy đua võ trang ở khu vực, theo một số chuyên gia về an ninh quốc phòng quốc tế.

Việt Nam đang cần mở rộng khả năng canh phòng đường biển, kích thích các sự cạnh tranh để chiếm mối bán hàng, ước tính trị giá lên nhiều trăm triệu đô la.

“Việt Nam đang hướng đến các nhà cung cấp Tây phương, vốn không hề được nghĩ đến ở hai hay ba năm trước.” Marie-Laure Bourgeois, phó chủ tịch đặc trách thị trường Nam và Ðông Nam Á của Thales phát biểu. Công ty Thales của nước Pháp là nhà cung cấp trang bị điện tử quốc phòng lớn nhất của Âu Châu.

“Có những căng thẳng lại dấy lên gần đây ở biển Ðông (theo cách gọi của Việt Nam với biển trên bản đồ thế giới là Nam Trung Quốc) mà từ đó gia tăng các nhu cầu phải có các hệ thống quan sát. Các nước trong khu vực muốn biết chắc rằng họ có đủ thông tin về những gì đang diễn ra trên biển hay ở trên trời.” Ông nói.

Bên cạnh tranh chấp quần đảo Hoàng Sa với Trung Quốc, Việt Nam còn tranh chấp quần đảo Trường Sa với nhiều nước trong khu vực gồm Trung Quốc, Ðài Loan, Phi Luật Tân, Malaysia, Brunei. Trùm lên bên trên các tranh chấp các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là sự tuyên bố của Trung Quốc đối với chủ quyền đến 80% biển Ðông.

Các sự tranh chấp càng căng thẳng hơn khi có những ước lượng nói một trữ lượng khổng lồ dầu khí nằm sâu dưới biển Ðông.

Năm ngoái, người ta đã thấy Việt Nam và Philippines phản đối Trung Quốc xâm phạm chủ quyền lãnh thổ của họ. Tàu Trung Quốc cắt cáp thăm dò dầu khí của tàu Việt Nam hồi cuối tháng 5 và đầu tháng 6 năm 2011. Người Việt Nam biểu tình phản đối suốt nhiều tuần lễ.

Bây giờ, vấn đề có vẻ hạ hỏa bề ngoài sau các chuyến thăm viếng qua lại của các lãnh tụ Hà Nội, Manila và Bắc Kinh nhưng những cuộc điều đình mua sắm từ radar đến tàu ngầm vẫn hối hả diễn ra.

“Các nước Ðông Nam Á đang tăng cường khả năng quân sự vì họ có khả năng mua sắm cũng như đó là chiến lược phòng vệ vừa để canh chừng Trung Quốc vừa để canh chừng lẫn nhau”, theo ý kiến của Nigel Inkster, cựu phụ tá tổng cục trưởng Tổng Cục Tình Báo Anh Quốc, thường biết dưới tên tắt là MI6.

“Tuy các nước Ðông Nam Á không muốn nghe thấy điều đó nhưng một cuộc chạy đua võ trang đang diễn ra tại khu vực.” Ông nói.

Inkster hiện đang đứng đầu bộ phận nghiên cứu về nguy cơ chính trị và đe dọa xuyên quốc gia tại Viện Khảo Cứu Chiến Lược Quốc Tế ở Luân Ðôn.

Phân nửa các tàu chở dầu trên thế giới đi qua khu vực tranh chấp, làm nổi bật nhu cầu phải có các hệ thống cảnh báo mà người ta dự trù sẽ triển lãm tại cuộc triển lãm hàng không ở Singapore vào tuần tới.

Việt Nam là khách hàng truyền thống của Liên Bang Nga từ máy bay đến tàu chiến, gần đây là 6 tàu ngầm lớp Kilo. Nhưng nước này đang hiện ra như một khách hàng có tiềm năng cho nhiều nhà sản xuất trang bị quốc phòng Tây phương về nhiều loại trang bị khác như là những trang bị “bảo hiểm” để đối phó với Trung Quốc, theo ý kiến của James Hardy, chủ biên về khu vực Á Châu-Thái Bình Dương của tạp chí quốc phòng nổi tiếng Jane.

Do Thái có vẻ như dẫn đầu trong cuộc chạy đua bán hàng cho Việt Nam trong đó công ty Thales cũng muốn thầu cung cấp. Dù vậy, vẫn còn cơ hội bán những thứ khác trong tương lai.

“Hiện đang có những cuộc đàm phán với Việt Nam không phải chỉ là mua sắm trang bị của Nga. Chúng tôi đang tham dự trong các cuộc đàm phán về Radar và một số thứ khác đang thảo luận.” Ông Buorgeois nói hôm khai mạc chuẩn bị cuộc triển lãm hàng không dự trù diễn ra các ngày từ 14 đến 19 tháng 2, 2012.

Việt Nam và Do Thái gia tăng các cuộc tiếp xúc thời gian gần đây nhưng các hợp đồng có thể phải nhiều tháng mới ngã ngũ, một nguồn tin từ Kỹ Nghệ Hàng Không Không Gian của Do Thái nói với thông tấn Reuters như vậy khi được yêu cầu bình luận.

Ngày Thứ Năm 10 tháng 2 năm 2012, Do Thái Loan báo bán cho một nước Á Châu không nêu rõ nước nào một hợp đồng Radar trị giá $150 triệu USD.

Phụ tá ngoại trưởng Mỹ đặc trách Ðông Nam Á, Kurt Campbell, hồi tuần trước họp báo ở Hà Nội nói rằng Việt Nam cần cải thiện nhân quyền để hai nước có thể gia tăng các hợp tác quân sự. Những ngày cuối tháng 1, phái đoàn 4 nghị sĩ Mỹ, gồm cả Nghị Sĩ John McCain đến Hà Nội. Ông cho hay Hà Nội có một danh sách dài các trang bị từ Radar, bộ phận thay thế cho trực thăng, hỏa tiễn phòng thủ muốn mua hay được Mỹ cung cấp, nhưng cũng được cho biết là cần phải cải thiện nhân quyền.

“Gia tăng căng thẳng cộng với sự khá giả của khu vực Ðông Nam Á làm cho khu vực này trở thành thị trường hấp dẫn đối với các công ty chế tạo trang bị quốc phòng, mà Mỹ lại tự tránh ra”, theo ý kiến của chuyên viên tư vấn quốc phòng Alexandra Ashbourne-Walmsley.

Cuối tháng 12 vừa qua, phó chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình (dự trù lên ghế chủ tịch từ cuối năm nay) kêu gọi Hà Nội và Bắc Kinh cải thiện bang giao giữa hai nước. Ông nói hai nước nên giải quyết các tranh chấp một cách hợp lý và cần phải làm nhiều hơn để tạo niềm tin lẫn nhau hơn nữa. Tuy vậy, những tin tức gần đây tiết lộ ông cũng đã cảnh cáo Hà Nội không nên dựa vào Mỹ để chống lại Trung Quốc.

Trong khi đó, theo các nhà ngoại giao Tây phương và viên chức các nhà sản xuất quốc phòng trước khi diễn ra cuộc triển lãm ở Singapore, những bất định và các lời tuyên bố chủ quyền chồng lấn lên nhau đã thúc đẩy các nước tăng ngân sách quốc phòng. Nhu cầu mua sắm trang bị nhờ đó trở thành nhộn nhịp.

“Việt Nam muốn cải thiện mối quan hệ với Mỹ và các cường quốc Tây phương và đầu tư khá nhiều cho sự phát triển các tiềm lực ngoại giao phẩm chất cao”, ông Inkster phát biểu. “Tình hình ở khu vực Ðông Nam Á có trở thành một cuộc chiến tranh lạnh mới hay không, cũng không thấy rõ ràng, nhưng có nhiều căng thẳng thì có lúc cũng bùng nổ”.

MỚI CẬP NHẬT