Friday, March 29, 2024

Việt Nam từ bỏ giấc mộng ‘cường quốc đóng tàu?’


VIỆT NAM (NV) –
Sau vụ bê bối tham nhũng và thất thoát của tập đoàn đóng tàu Vinashin, hôm 21 tháng 11, một số chuyên viên kinh tế hô hào nhà nước Việt Nam “chớ theo đuổi mộng làm cường quốc đóng tàu.”










Tài nguyên dành cho Vinashin lần hồi cũng cạn vì nạn tham nhũng. (Hình: báo Thanh Niên)


Báo Thanh Niên dẫn phúc trình của ông Vũ Thành Tự Anh, giám đốc nghiên cứu chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright ở Sài Gòn nói rằng Việt Nam hầu như “trắng tay” trước một Nhật Bản, Nam Hàn và Trung Quốc.


Theo ông Tự Anh, Việt Nam không có ưu thế như Trung Quốc gồm một thị trường nội địa rộng lớn; nhân công và vật liệu rẻ. Còn đối với Nhật Bản và Nam Hàn, Việt Nam thiếu sự ủng hộ của Hoa Kỳ trong khi trình độ kỹ thuật của kỹ sư Việt Nam còn một khoảng cách rất dài so với hai quốc gia trên.


Trong khi đó, theo ông chuyên viên hàng hải Ðỗ Thanh Bình, giấc mơ đứng hàng thứ tư ngành kỹ nghệ đóng tàu thế giới, sau Nhật Bản, Nam Hàn và Trung Quốc của Việt Nam là sự “sai lầm về chiến lược.”


Ông này cũng cho rằng đó là “duy ý chí,” từ ngữ phê phán mong muốn của những người lãnh đạo Việt Nam bất chấp thực tế yếu kém của mình. Ông Bình nhận định trong phúc trình của mình, rằng “Việt Nam đừng hy vọng trở thành cường quốc đóng tàu vận tải cỡ lớn như Vinashin từng tham vọng.”


Cũng theo báo Thanh Niên, một cán bộ lãnh đạo nhà máy cán thép Cái Lân thú nhận: “Giá thành thép tấm của Việt Nam không cạnh tranh nổi với Trung Quốc, vì Việt Nam còn phải nhập cảng phôi khổ lớn của họ. Nếu cố hạ giá thép để giúp hãng đóng tàu có đơn đặt hàng thì hãng đóng tàu lại… lỗ và nhà nước không thể bù lỗ mãi được.”


Ông Ðỗ Thái Bình còn tiết lộ tin có cán bộ lãnh đạo nhà nước Việt Nam đòi giao cho Vinashin đóng tàu cá nhằm mục đích “vực dậy” thi thể thối tha của “tập đoàn” này. Theo ông, nếu giao cho Vinashin sản xuất hàng loạt tàu cá thì “Việt Nam sẽ phải trả giá cho một sai lầm thứ hai.”


Mặt khác, cũng theo báo Lao Ðộng, nhiều chuyên viên kinh tế Việt Nam cho rằng nhà nước Cộng Sản Việt Nam nên để Vinashin bán 20 ha đất của nhà máy đóng tàu Bạch Ðằng ở Hải Phòng để “thu hồi vốn,” đầu tư vào các nhà máy khác.


Mọi người vẫn chưa quên vụ tham nhũng bùng nổ tại Vinashin được mổ xẻ tại phiên tòa ở Hải Phòng.


Cựu Chủ tịch Hội Ðồng Quản Trị kiêm tổng giám đốc Vinashin Phạm Thanh Bình lãnh 20 năm tù giam. Bảy bị cáo còn lại lãnh án từ 10 năm cho đến 19 năm tù giam vì tội “làm trái quy định của nhà nước, gây hậu quả nghiêm trọng.” (PL)

MỚI CẬP NHẬT