Friday, March 29, 2024

Việt Nam vẫn là ‘kẻ thù của Internet’


PARIS (NV) –
Tổ chức Phóng Viên Không Biên Giới, trụ sở chính ở Paris, năm nay vẫn giữ tên nước Việt Nam là một trong những nước “kẻ thù của Internet” như những năm trước dù có nước được đưa ra khỏi danh sách hoạc có nước được thêm vào.



Một tiệm dịch vụ Internet ở Hà Nội. (Hình: Hoang Dinh Nam/AFP/Getty Images)


Nhân ngày thế giới chống kiểm duyệt Internet 12 tháng 3, 2012, Phóng Viên Không Biên Giới (Reporters Sans Frontieres) được biết rộng rãi dưới tên tắt RSF liệt kê danh sách 12 nước là “Kẻ Thù Internet” vì nhà cầm quyền các nước này, kiểm duyệt Internet và khủng bố, bắt giữ những người dân của họ nếu đi ra ngoài những gì nhà cầm quyền muốn.


Các nước nằm trong danh sách “kẻ thù Internet” năm nay là: Ả Rập Xê Út, Bahrain, Belarus, Miến Ðiện, Trung Quốc, Bắc Triều Tiên, Cuba, Iran, Uzbekistan, Syria, Turkmenistan và Việt Nam.


Riêng về Việt Nam, RSF cho rằng nhà cầm quyền Hà Nội sợ dân chúng bị kích thích bởi các cuộc lật đổ các chế độ độc tài cuồng bạo ở Tây Phi và đang diễn ra ở Trung Ðông có thể lan đến Việt Nam. Vì vậy, họ đã gia tăng kiểm soát Internet và bắt giữ, bỏ tù một số người mà họ thấy nguy hiểm.


Theo RSF, nhiều người ở Việt Nam đã viết blogs và sử dụng những hệ thống mạng xã hội khác như facebook, twitter để thông tin thời sự, trình bày ý kiến cá nhân.


Hệ thống truyền thông chính thống ở Việt Nam hoàn toàn nằm trong sự khống chế của nhà cầm quyền. Bài viết, tin tức, bình luận đều phản ảnh cái nhìn một chiều của nhà cầm quyền, thậm chí tuyên truyền ngược sự thật. Ði quá đà hay đi lệch ra ngoài, dù là đảng viên của chế độ vẫn bị tù tội, đàn áp.


Nguyễn Việt Chiến của tờ Thanh Niên và Nguyễn Văn Hải của báo Tuổi Trẻ trong vụ viết tường thuật vụ án chống tham nhũng ở Bộ Giao Thông Vận Tải, bị kết án năm 2008 và mới đầu năm 2012, Hoàng Khương, một ký giả khác của tờ Tuổi Trẻ đang bị giam cũng chỉ vì quá hăng hái vạch trò ăn hối lộ của công an Sài Gòn là những thí dụ điển hình.


Một số giáo dân Công Giáo bị bắt năm ngoái như Tạ Phong Tần, Paulus Lê Sơn cũng đều là những bloggers nổi tiếng.


Nhà báo tự do Nguyễn Văn Hải viết Blog Ðiếu Cày, một trong những người yêu nước nhiệt thành, hăng hái chống Trung Quốc bá quyền, hết hạn tù từ ngày 20 tháng 10, 2010 nhưng đến nay gần một năm rưỡi vẫn không được thả. Vợ con ông không được gặp mặt và cũng không được cho biết tình trạng sức khỏe, bị giam ở đâu hoặc còn sống hay đã chết.


Khi Nông Ðức Mạnh còn làm tổng bí thư đảng CSVN, RSF từng gọi ông này là “kẻ sát hại báo chí.”


Chế độ Hà Nội kiểm soát Internet bằng nhiều biện pháp từ pháp lý đến khủng bố người dân.


Ngày 5 tháng 3 năm 1997 chế độ Hà Nội ra nghị định 21-CP đòi hỏi “mọi thông tin đưa vào, truyền đi và nhận đến mạng Internet qua cửa đi quốc tế tại Việt Nam phải tuân thủ các quy định tại Ðiều 10 Luật Báo Chí và Ðiều 22 Luật Xuất Bản.”


Theo đó, “không được kích động chống Nhà nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam, phá hoại khối đoàn kết toàn dân. Không được kích động bạo lực, tuyên truyền chiến tranh xâm lược, gây hận thù giữa các dân tộc và nhân dân các nước, truyền bá tư tưởng, văn hóa phản động, lối sống dâm ô, trụy lạc, các hành vi tội ác, tệ nạn xã hội, mê tín dị đoan, phá hoại thuần phong mỹ tục; không được tiết lộ bí mật của Ðảng, Nhà nước, bí mật quân sự, an ninh, kinh tế, đối ngoại, bí mật đời tư của công dân và bí mật khác do pháp luật quy định; không được thông tin sai sự thật, xuyên tạc lịch sử, phủ nhận thành tựu cách mạng, xúc phạm vĩ nhân, anh hùng dân tộc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự và nhân phẩm của công dân.”


Không bao lâu sau đó, ngày 23 tháng 10, 1997 thì Bộ Nội Vụ (nay là Bộ Công An) ra quy định buộc các nhà cung cấp dịch vụ Internet có nhiệm vụ “phát hiện, ngăn chặn, thông báo cho Bộ Nội Vụ về các tổ chức, cá nhân đã hoặc đang có ý đồ, hành vi phổ biến trên mạng Internet những thông tin vi phạm Ðiều 3 ‘Quy chế tạm thời của Chính phủ’ về Internet ở Việt Nam”, biến các cơ sở kinh doanh dịch vụ Internet tư nhân thành tai mắt của công an.


Nhiều người dùng Internet thông tin, viết blogs đã bị truy tố theo điều 88 của Bộ Luật Hình Sự “tuyên truyền chống nhà nước” CSVN. Một điều luật bị các chính phủ Tây phương, các tổ chức bảo vệ nhân quyền tố cáo là mơ hồ, trái với công ước quốc tế về Quyền Dân Sự và Chính Trị mà Hà Nội đã ký cam kết tôn trọng. (TN)

MỚI CẬP NHẬT