Thursday, March 28, 2024

Việt – Nga hợp tác sản xuất hỏa tiễn chống chiến hạm


‘Hiện đại hóa toàn diện hải quân’


 


MOSCOW (NV) –Việt Nam và Nga đang lập kế hoạch bắt đầu liên doanh sản xuất từ năm 2012 một phiên bản hỏa tiễn chống tàu chiến.










Hỏa tiễn chống tàu chiến Uran hay KH-35 của Nga sẽ được sản xuất tại Việt Nam. (Hình: Wikipedia)


Hãng tin Ria Novosti hôm 15 tháng 2, 2012 thuật lời ông Mikhail Dmitriyev, giám đốc Hợp Tác Kỹ Thuật-Quân Sự Liên Bang Nga, cho biết như vậy.


“Chúng tôi đang lập kế hoạch xây dựng cơ sở tại Việt Nam để sản xuất một phiên bản của hỏa tiễn Uran (SS-N-25 Swichblade) trong một dự án tương tự như liên doanh Nga-Ấn Ðộ sản xuất hỏa tiễn Brahmos,” ông Dmitriyev nói.


Hỏa tiễn Uran là loại võ khí có vận tốc gần với tốc độ âm thanh trong khi Brahmos có tốc độ siêu thanh.


Không thấy bản tin của Ria Novosti nói sự liên doanh giữa Nga và Việt Nam sẽ sản xuất một hay nhiều phiên bản khác nhau cho Uran. Cũng như không nêu ra số tiền đầu tư của liên doanh tại Việt Nam trị giá bao nhiêu và kéo dài bao lâu.


Với vận tốc gần với tốc độ âm thanh và nhỏ hơn, hỏa tiễn Uran có giá thành rẻ hơn Brahmos siêu thanh nên phí tổn sản xuất cũng thấp hơn nhiều. Ðây có thể là lựa chọn của Việt Nam.


Uran có ba phiên bản chính với kỹ thuật khác nhau để trang bị cho tàu chiến, máy bay trực thăng hoặc từ các giàn phóng trên bờ để tiêu diệt tàu chiến địch. Tầm hữu hiệu phỏng định 250 km (135 hải lý). Với đầu đạn 145 kg nó có khả năng tiêu diệt tàu chiến lên đến 5,000 tấn.


Theo ông Dmitriyev, Nga và Việt Nam đang đàm phán về một hợp đồng quân sự khác liên quan đến giàn hỏa tiễn Bastion chống tàu. Không thấy nói rõ là Việt Nam mua thêm loại hỏa tiễn này để phòng thủ bờ biển hay cho một dự án liên doanh sản xuất.


Việt Nam đã được Nga cung cấp hai hệ thống hỏa tiễn phòng thủ bờ biển Bastion đầu tiên trong năm 2011.


Liên doanh Nga-Ấn sản xuất hỏa tiễn Brahmos đã được thành lập từ năm 1998 và các tin gần đây nói Việt Nam muốn mua loại hỏa tiễn này để trang bị cho các chiến đấu cơ Sukhoi SU-30MK2.


Hồi năm ngoái, Việt Nam nhận từ Nga 2 hộ tống hạm hạng Gepard-3.9 (đặt tên là Ðinh Tiên Hoàng và Lý Thái Tổ). Các chiến hạm này trang bị với hỏa tiễn KH-35 tức phiên bản Uran cho tàu chiến.


Theo hãng tin Interfax của Nga ngày 8 tháng 12, 2011, hãng xuất cảng võ khí Rosoboronexport đã ký hợp đồng sản xuất thêm cho Việt Nam 2 chiếc Gepard-3.9 nữa. Hai chiếc này sẽ được sản xuất với định hướng chống tàu ngầm, khác với hai tàu đã chuyển giao.


Những tin tức sơ khởi nói Việt Nam mua kỹ thuật của Nga để sản xuất hai tàu này tại Việt Nam. Tuy nhiên, sau đó, một viên chức của nhà máy đóng tàu nói những tàu này được đóng tại Nga.


 


‘Hiện đại hóa toàn diện’


 


Hôm 14 tháng 2, trong một bài trả lời phỏng vấn của báo Tiền Phong, phó tham mưu trưởng quân chủng Hải Quân Việt Nam, Ðại Tá Ðỗ Minh Thái cho biết, “để đối phó với những thách thức mới từ phía biển, hải quân đang được hiện đại hóa toàn diện.”


Vẫn theo lời Ðại Tá Ðỗ Minh Thái, “Không chỉ tàu chiến, máy bay, quân chủng Hải Quân đã có đầy đủ 5 binh lực chính là tàu mặt nước, tàu ngầm, không quân hải quân, pháo binh, tên lửa bờ, bộ binh hải quân, cho phép hoạt động và thực hành tác chiến trong không gian đa chiều trên môi trường biển đảo cũng như phối hợp tốt hơn với các lực lượng khác.”


Những năm gần đây, Việt Nam liên tiếp mua tàu chiến, tàu ngầm để canh tân lực lượng hải quân quá yếu kém và cổ lỗ.


Năm 2009, Việt Nam đã ký hợp đồng mua của Nga 6 tàu ngầm hạng Kilo. Chiếc đầu tiên dự trù trao cho Việt Nam năm 2014, sau đó mỗi năm nhận một chiếc. Hiện sĩ quan và thủy thủy tàu ngầm của Việt Nam đang được huấn luyện ở Nga.


Theo báo NavalToday.com ngày 27 tháng 10, 2011, Việt Nam đang tự sản xuất 4 tàu tuần hạng Molniya võ trang hỏa tiễn theo sự hướng dẫn kỹ thuật nhà vẽ kiểu Almaz Design Bureau và nhà chế tạo JSC Vympel Shipbuilding Plant. Hai chiếc đã hoàn tất phần vỏ đã chuyển cho các bộ phận ráp nối bên trong. Hai chiếc mới dựng khung. Ðây là dự án Việt Nam mua kỹ thuật đóng 6 chiếc Molniya đã bắt đầu từ năm 2010 trị giá hợp đồng gần $30 triệu USD kéo dài đến năm 2016. Hợp đồng còn có thể đóng tiếp 4 chiếc nữa.


Molniya là tàu tuần cao tốc, trọng tải 550 tấn, dài 59.9 mét. Tốc độ tối đa 37 hải lý, tầm hoạt động 2,400 dặm. Trang bị 2 ống phóng kép hỏa tiễn Moskit siêu thanh chống tàu chiến và một đại bác 76.2mm, 12 hỏa tiễn phòng không.


Ðồng thời với dựa án vừa nói, NavalToday.com cho hay nhà máy Almaz Shipbuilding dự trù trao cho Việt Nam hai tàu tuần hạng Svetlyak trong năm nay. Chúng được dự trù giao từ năm ngoái nhưng do trở ngại về trang bị và võ khí chậm trễ. So với những chiếc tàu cùng loại, tàu tuần bán cho Việt Nam không được trang bị các loại võ khí chống tàu ngầm nên chỉ được xếp loại là tàu tuần.


Tàu tuần duyên Svetlyak trọng tải 375 tấn, chiều dài 49.5 mét, vận tốc tối đa 30 hải lý có tầm hoạt động 2,200 dặm với thời gian trên biển 10 ngày. Thủy thủ đoàn 28 người, trang bị đại bác 76mm, 1 súng 30mm. Nếu chống ngầm, trang bị thêm 2 ống phóng thủy lôi.


Phần lớn các chiến hạm chính yếu của Việt Nam sử dụng hỏa tiễn Uran làm võ khí tấn công. Nếu liên doanh Nga-Việt Nam ra đời, đây là lần đầu tiên Việt Nam khởi sự tự sản xuất lấy hỏa tiễn cho các chiến hạm Gepard, Molniya. (TN)

MỚI CẬP NHẬT