Thursday, March 28, 2024

Vỡ đập thủy điện Dak Mek: Tin tức tù mù bất nhất



KONTUM (NV) –Ðập thủy điện Dak Mek xây dựng dưới chân núi Ngọc Linh thuộc xã Dak Choong, huyện Dak Lei tỉnh Kontum đổ sập hôm Thứ Năm tuần trước dù mới đang xây dựng dở dang và chưa tích nước.










Bờ tường tràn xả lũ cũng đã bị rạn nứt. (Hình: VietnamNet)


Hiện các tin tức về “sự cố” vẫn rất tù mù với lời giải thích trước sau không ăn khớp với nhau của “chủ đầu tư” (công ty cổ phần thủy điện Hồng Phát Dak Mek) và sự điều tra lề mề, tránh né cung cấp thông tin cho báo chí của các cấp có trách nhiệm trong chính quyền địa phương.


Hôm Thứ Hai, 26 tháng 11, báo Tuổi Trẻ cho hay đập Dak Mek đổ sập chiều ngày Thứ Năm, 22 tháng 11, 2012.


Thân đập thượng nguồn dài hơn 80 mét, cao 20 mét, dầy từ 1.6m đến 1.8 mét đổ và vỡ nát nằm lỏng chỏng từng mảng, lòi ra một ít cây sắt trông rất nhỏ bé và ít ỏi so với bề dày của bê tông.


Ông Lê Bá Thanh, tổng giám đốc công ty Hồng Phát Dak Mek, trong bản tin báo ngày Thứ Hai của tờ Tuổi Trẻ, nói lý do dẫn đến “sự cố” là “do một chiếc xe ben khi chở đá đã va vào thân đập khiến đập vỡ dây chuyền.”


Người ta có cảm tưởng cái bức tường bê tông cốt thép dày từ 1.6m đến 1.8m mà lại giòn như bánh tráng nên xe ben dù là xe tải 60 tấn có thể húc đổ.


Dịp này ông còn cả quyết, “Chúng tôi khẳng định đập được thi công đảm bảo chất lượng và đúng thiết kế. Công trình thi công theo kiểu đập chịu lực (phía thượng và hạ lưu là bê tông, ở giữa là đá). Ðơn vị thi công là một công ty con của chúng tôi.”


Tuy nhiên báo Tuổi Trẻ nói, “Theo ghi nhận của PV Tuổi Trẻ, thành bê tông thân đập phía thượng lưu dày 1.6m, hạ lưu dày 1m, phần ở giữa thân đập được chèn một ít đá tròn, số còn lại là đất cát.”


Ðến ngày Thứ Tư, trong bản tin của VNExpress, ông Lê Bá Thanh lại phủ nhận “không có chuyện xe tải va vào bờ đập làm cho bờ tường phía thượng lưu đổ sập như thông tin các báo đã nêu.”


Không những vậy, VNExpress cho biết, “Có mặt tại hiện trường bờ đập, chúng tôi ghi nhận, không những bờ tường phía thượng lưu bị đổ sập mà bờ tường phía hạ lưu, bờ tường cửa tràn xả lũ cũng có dấu hiệu bị rạn nứt.”


Nói khác, phẩm chất của cái đập thủy điện này có vấn đề rất nghiêm trọng. Nếu nó không đổ bây giờ, tới khi tích nước mới vỡ đập thì hậu quả sẽ đến đâu về nhân mạng và tài sản dân chúng dưới hạ lưu.


Hiện công an, đã có mặt để điều tra và “Ðoàn kiểm tra liên ngành do Sở Công Thương tỉnh Kon Tum chủ trì đã đến hiện trường kiểm tra vụ vỡ đập làm chết một công nhân” theo “sự chỉ đạo của UBND tỉnh.”


Cho đến ngày Thứ Ba, 27 tháng 11, VNExpress nói nhà cầm quyền tỉnh qua lời Bùi Văn Cư, phó giám đốc Sở Công Thương Kontum nói, “Chúng tôi vẫn chưa nhận được báo cáo nào của chủ đầu tư.”


Khởi công xây dựng từ năm 2009, đập thủy điện Dak Mek chỉ là một đập nhỏ công suất 7.5MW, vốn đầu tư 200 tỉ đồng. Với những công trình nhỏ như thế này hoàn toàn do nhà cầm quyền tỉnh quyết định về đầu tư và thi công. Dự trù sẽ lắp máy và phát điện vào năm tới.









Ðập phía thượng lưu thủy điện Ðăk Mek 3 gần như vỡ vụn. Ðây là vụ sập bờ đập thủy điện đầu tiên tại Việt Nam dù đập thủy điện chưa tích nước. (Hình: Tuổi Trẻ)


Ngày 7 tháng 10, 2012, đập thủy điện Dakrong 3 ở tỉnh Quảng Trị cũng đã sập một phần. Ngoài Dak Mek 3 đổ sập, còn có hai dự án thủy điện Dak Mek 1 và Dak Mek 2 cũng nhỏ bé tương tự nhưng đã bị loại bỏ hồi năm ngoái.


Nhà thầu tại Việt Nam thường phải “lại quả” có khi tới một nửa trị giá gói thầu cho quan chức các cấp nên họ phải ăn bớt vật liệu, “khai khống” nhiều thứ không làm để có tiền đút lót. (TN)

MỚI CẬP NHẬT