Thursday, April 18, 2024

Vụ Mường Nhé, Ðiện Biên: Tám người Hmong bị án tù

 


Khoảng 300 người Hmong tị nạn ở Thái Lan


 


HÀ NỘI (NV) –Nhà cầm quyền Việt Nam đã bỏ tù 8 người sắc tộc Hmong với cáo buộc “phá rối an ninh” qua việc tụ tập để làm áp lực với nhà cầm quyền để thành lập một “vương quốc Hmong” mà không nguồn tin độc lập nào có thể kiểm chứng sự thật tại chỗ khi chuyện xảy ra.










Những người Hmong bị lôi ra tòa án tỉnh Ðiện Biên ngày 13 tháng 3, 2012. (Hình: TTXVN)


“Ngày 13 tháng 3, Tòa án Nhân dân tỉnh Ðiện Biên đã mở phiên tòa sơ thẩm, xét xử 8 bị cáo về tội phá rối an ninh trong vụ tụ tập đông người, gây sức ép với chính quyền, yêu sách đòi thành lập ‘Vương quốc Mông,’ gây mất ổn định về tình hình an ninh trật tự tại bản Huổi Khon, xã Nậm Kè (huyện Mường Nhé, tỉnh Ðiện Biên) vào cuối tháng 4 đến đầu tháng 5, 2011.”


Thông Tấn Xã Việt Nam (TTXVN) loan tin như vậy hôm Thứ Tư và nói những người bị đưa ra tòa không phải là những kẻ “chủ mưu” và phần lớn lại “không biết chữ.”


Hai trong số 8 người nói trên bị kết án 30 tháng tù, còn 6 người kia mỗi người 24 tháng tù và đều bị 2 năm quản chế.


Hồi đầu năm ngoái, tin tức quốc tế đã rất sôi nổi khi tin tức vụ hàng ngàn người sắc tộc Hmong khắp nơi, gồm cả từ Tây nguyên đã kéo về ấp Huổi Khon chờ đón một đấng cứu thế xuất hiện, một lý do hoàn toàn thuần túy tôn giáo. Những tin tức sơ khởi nói rằng họ bị cấm sinh hoạt nên đã bắt giữ một số viên chức nhà cầm quyền địa phương làm con tin, dẫn đến cuộc đàn áp.


Trên nguyên tắc, chế độ Hà Nội không dùng quân đội để đàn áp dân. Nhưng một số nguồn tin quốc tế nói “nhà cầm quyền Hà Nội đã đưa cả trung đoàn gồm cả trực thăng và chiến xa tới trấn áp. Một số người đã bị bắn chết, hàng trăm người đã bị thương hoặc bị bắt trong khi hàng trăm người khác đã chạy trốn vào rừng vì sợ bị giết. Nhà cầm quyền Hà Nội chỉ nhìn nhận có một trẻ em chết bệnh và không hề xác nhận có bắt ai.”


Hiện không ai biết đích xác số người Hmong còn đang bị giam giữ cũng như số người còn trốn trong rừng là bao nhiêu. Nhưng có một số những người Hmong tham gia vào cuộc tụ tập ở Mường Nhé đã chạy trốn được tới Thái Lan và đang xin đi tị nạn chính trị ở một nước thứ ba.


“Có 48 gia đình với khoảng giữa 250 tới 300 người Hmong gồm cả người lớn và trẻ em đã chạy từ Mường Nhé sang Thái Lan xin tị nạn chính trị và tôn giáo.”


Ông Nguyễn Ðình Thắng, Giám đốc Ðiều Hành của tổ chức BPSOS có trụ sở ở Mỹ đã từng tới Thái Lan gặp người Hmong ở Mường Nhá chạy sang đây tị nạn trả lời phỏng vấn của báo Người Việt qua điện thoại hôm Thứ Tư, 14 tháng 3, 2012.


“Lý do của sự tụ tập của hàng ngàn người Hmong ở Huổi Khon, huyện Mường Nhé là hoàn toàn tôn giáo. Nhà cầm quyền đã cấm đạo, giật sập nhà của cả làng người Hmong nên họ đã biểu tình phản đối chứ không có chuyện lập vương quốc Hmong như nhà nước tuyên truyền.” Ông Thắng kể lại lời của những người Hmong đang tị nạn ở Thái Lan. Theo ông, có 3 người Hmong tuyên truyền về sự xuất hiện của Ðấng Cứu Thế nhưng không phải là lý do chính của cuộc biểu tình.


Những người Hmong chạy sang Thái Lan xin tị nạn vì làng của họ đã bị nhà cầm quyền phá hủy, không còn đất sống nên họ phải đi, ông Thắng cho hay. Nói họ kêu gọi thành lập vương quốc Hmong tự trị là “vu cáo, đánh lạc hướng,” theo ông Nguyễn Ðình Thắng.


TTXVN gọi cuộc tụ tập của người Hmong ở bản Huổi Khon là “nghe theo kẻ xấu, đến tụ tập dựng lán trại để cầu nguyện, đón vua Mông với mục đích thành lập vương quốc Mông.”


Bản tin này cáo buộc các người cầm đầu là Vàng A Ía và Thào A Lù nhưng không biết hai người này đã bị bắt hay chưa, hoặc đang ở đâu.


TTXVN nói hai người này “đã tuyên truyền kêu gọi mọi người dân tộc Mông phải đoàn kết, sẽ có vua Mông trong thời gian tháng 5, 2011, nên nhiều người bán hết tài sản đi tập trung cầu nguyện, góp tiền cho tổ chức, mục đích tập trung đông người gây sức ép với chính quyền nhân dân, đòi yêu sách cấp đất riêng để thành lập vương quốc Mông.”


Sau khi đã dẹp hoàn toàn được sự tụ tập của người Hmong, Hà Nội tổ chức một phái đoàn báo chí quốc tế chỉ đứng xa xa nhìn một khu vực hoang vu và gặp một số viên chức tỉnh Ðiện Biên để nghe tuyên truyền chứ không hề được gặp những người mà người ta muốn nghe kể sự thật.


Nhà cầm quyền Việt Nam “liên tục cấm các người kiểm chứng để xem sự thật đã diễn ra và họ chỉ cung cấp tin tức một chiều về diễn tiến vụ việc.” Phil Robertson, phó giám đốc Á Châu Vụ của Tổ chức Theo Dõi Nhân Quyền (Human Rights Watch) phát biểu: “Những vụ loan báo gần đây về những người tổ chức biểu tình đã gây xáo trộn an ninh trật tự đẻ ra rất nhiều câu hỏi, chẳng hạn như những người đó đã thật sự làm gì để đến nỗi phải bỏ tù.”


Vụ Mường Nhé là vụ nổi bật hồi năm ngoái với trên dưới 5 ngàn người Hmong tụ tập liên quan đến các sắc dân thiểu số.


Hồi năm 2001, hàng chục ngàn người Thượng ở Tây nguyên đã đồng loạt biểu tình để đòi tự do tôn giáo và đòi đất canh tác truyền thống đã bị nhà cầm quyền cướp đoạt mà không hề đền bù. Họ đã bị đàn áp khốc liệt nên hàng ngàn người đã chạy trốn vào rừng hoặc vượt biên sang Cambodia xin tị nạn chính trị. Nhà nguyện tư gia của người Thượng bị đốt cháy hay giật sập. Hàng chục người đã bị án tù nặng nề. Nhiều người còn cho biết họ bị ép buộc ký các tờ giấy bỏ đạo nếu không sẽ bị khủng bố tiếp tục.


Ngày Thứ Tư tuần trước, đã bỏ tù hai giáo dân Công Giáo trong một phiên xử ở Nghệ An chỉ vì những người này tích cục tham dự vào việc đấu tranh đòi tài sản cho giáo hội Công Giáo ở Quảng Bình. Bà Võ Thị Thu Thủy, 50 tuổi bị kết án 5 năm tù trong khi anh Nguyễn Văn Thanh, 28 tuổi bị kết án 3 năm.


Hồi tuần trước Ủy Ban Ngoại Giao Hạ Viện Hoa Kỳ đã thông qua dự luật Nhân Quyền Việt Nam, một bước cần thiết để đưa dự luật ra biểu quyết tại một phiên họp khoáng đại trước khi chuyển lên Thượng Viện. Ðạo luật nếu được ban hành cấm Hoa Kỳ viện trợ những khoản “không thuộc lãnh vực nhân đạo” cho Việt Nam cho tới khi nước này cải thiện nhân quyền. (TN)

MỚI CẬP NHẬT