Thursday, April 18, 2024

Vụ công an đánh chết người: Gia đình ông Trịnh Xuân Tùng kháng cáo

 

HÀ NỘI (NV) Bốn người phụ nữ thân nhân của ông Trịnh Xuân Tùng vừa nộp đơn kháng cáo bản án 4 năm tù đối với Nguyễn Văn Ninh, trung tá công an đánh chết ông Tùng hồi năm ngoái.

“Ngày hôm nay, 20 tháng 1, 2012, bốn người trong gia đình chúng tôi đã đồng thời gửi đơn kháng cáo đến Tòa án Nhân dân Thành phố Hà Nội. Ðơn này kháng cáo toàn bộ bản án hình sự sơ thẩm ngày 13 tháng 1, 2012 của Tòa án Nhân dân Thành phố Hà Nội xét xử bị cáo Nguyễn Văn Ninh, nguyên phó công an phường Thịnh Liệt về tội làm chết người trong khi thi hành công vụ theo Khoản 1, Ðiều 97 Bộ Luật Hình Sự.”

Cô Trịnh Kim Tiến, con gái ông Tùng viết trên Facebook như vậy và cho hay tiếp rằng gia đình cô “Ðề nghị xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự đối với dân phòng và các cán bộ trực ban công an phường Thịnh Liệt trong ca trực ngày 28 tháng 2, 2011.”

Bốn người gồm bà cụ Nguyễn Thị Cúc (mẹ ông Tùng), Nguyễn Thị Miền (vợ), Trịnh Kim Tiến (con gái) và Trịnh Cẩm Tú (con gái).

Ông Trịnh Xuân Tùng vì cự cãi số tiền phạt không đội “mũ bảo hiểm” ngày 28 tháng 2, 2011 ở bến xe Giáp Bát, Hà Nội, mà bị Trung tá Công an Nguyễn văn Ninh dùng dùi cui đánh gẫy cổ. Ðánh ông Tùng gục xuống không thể nhúc nhích được rồi nhưng còn còng tay lôi về trụ sở công an phường còng tiếp. Gia đình ông Tùng nghe tin chạy tới xin đưa ông đi cấp cứu bị từ chối. Thân nhân mua phở cho ông ăn cũng không được phép cho ăn. Thậm chí cho ông uống nước còn bị chửi bới. Khi đám công an trực chịu cho đưa ông đi bệnh viện cấp cứu thì đã quá trễ. Ông Tùng chết ngày 8 tháng 3, 2011. Tham gia vào vụ hành hung này ở bến xe Giáp Bát còn có một số dân phòng xông vào đấm đá.

Vụ việc gây sôi nổi dư luận vì xảy ra giữa ban ngày và trước sự chứng kiến của nhiều người ở nơi công cộng. Một số vụ công an CSVN tra tấn đánh chết người ở trụ sở đã được che đậy bằng nhiều hình thức từ vu cho người dân tự tử đến “chạy lung tung, đập đầu vào tường” dù khi làm xét nghiệm tử thi thấy các dấu hiệu của những hành vi bạo lực tác động dẫn đến cái chết.

Phiên tòa sơ thẩm ngày 13 tháng 1, 2012 ở Hà Nội chỉ phạt Nguyễn văn Ninh 4 năm tù trong khi các dân phòng cũng tham gia vào vụ hành hung này thì được coi như những kẻ vô can. Các nhân chứng mà gia đình ông Tùng đưa ra, tức những người có mặt khi vụ đánh ông Tùng xảy ra, thì không được tòa án mời tới dù luật sư và gia đình ông đều yêu cầu. Họ đứng ngay bên ngoài tòa cũng không được cho vào.

Phát biểu ngay sau phiên xử, cô Trịnh Kim Tiến cho hay cô có cung cấp cho tòa án băng ghi âm lời kể của các nhân chứng về vụ đánh ông Tùng, nhưng cũng không được cứu xét.

“Giết chết một mạng người không thể bị xử lý với mức án nhẹ như trộm cắp, như các tội danh thường khác được.” Cô Tiến nói. “Nếu sinh mạng con người rẻ rúng như thế thì làm sao có thể tin tưởng và sự công bằng của luật pháp.”

Tờ Người Lao Ðộng khi tường thuật phiên xử Nguyễn văn Ninh nói rằng ông Ninh “chỉ nắm tóc, ấn đầu” ông Tùng xuống. Nếu chỉ có vậy mà ông Tùng lại có thể gẫy xương cổ, dập nội tạng, tay chân và đầu đầy thương tích.

Cũng trong phiên tòa, Nguyễn Văn Ninh nói cái chết của ông Tùng “chỉ là tai nạn nghề nghiệp” chứ không hề hối tiếc gì với việc đã hung bạo đánh dân đến chết.

 

MỚI CẬP NHẬT