Thursday, March 28, 2024

Xe ben húc sập đập thủy điện, gió thổi sập cầu đang xây


Chuyện Vỉa Hè


 


 Tư Ngộ/Người Việt


 


VIỆT NAM – Ngày Thứ Năm, 29 tháng 11, 2012, UBND tỉnh Kon Tum mở cuộc họp báo về vụ đổ sập đập thủy điện Ðăk Mek 3 (xã Ðăk Choong, huyện Ðăk Glei, tỉnh Kon Tum).









Một đoạn thân đập thủy điện Ðăk Mek 3 sập xuống sông, trơ bê tông không có cốt sắt. (Hình: Dân Trí)


Quan chức tỉnh nói cho báo chí biết tại cuộc họp là “sự cố” xảy ra “khi lái xe Nguyễn Viết Hùng (28 tuổi, quê ở Ðại Hồng, Ðại Lộc, Quảng Nam) điều khiển xe tải chở đá lên công trình đắp đập đã va vào thành tường bê tông thượng lưu đập tràn, làm đập bị vỡ và cuốn theo lái xe xuống vực,” báo Tuổi Trẻ tường thuật.


Trong bản tin Tuổi Trẻ ngày 25 tháng 11, 2012, ông Lê Bá Thanh, tổng giám đốc công ty cổ phần thủy điện Hồng Phát Ðăk Mek, nhà thầu xây dựng, cả quyết “công trình bảo đảm chất lượng, việc vỡ đập do tài xế xe ben Dongfeng của Trung Quốc chở 60 tấn, quá tải va vào.” Tuy nhiên, ngày hôm sau, ông lại phủ nhận chuyện xe ben đụng sập nổi cả một cái đập thủy điện bê tông cốt thép dài cả trăm mét và bề dầy gần 2 mét.


Nhìn các tấm hình trên báo Tuổi Trẻ, thân đập dầy từ 1.6m đến 1.8m đổ ngang xuống nhưng thân đập (cách nhau hàng chục mét) mới thấy lòi ra một cây cốt sắt nhỏ bé.


Ðạp thủy điện Ðăk Mek 3 là dự án nhỏ, công suất chỉ có 7.5MW tốn phí dự trù có 200 tỉ đồng, không phải là dự án quốc gia. Nhà cầm quyền tỉnh quyết định đầu tư, chọn nhà thầu, tức quyết định tất cả mọi chuyện từ đầu tới cuối.


Vụ đổ sập đập thủy điện Ðăk Mek xảy ra hôm Thứ Năm, 22 tháng 11, 2012. Người ta tin rằng nhà cầm quyền từ huyện tới tỉnh đều biết nhưng “lãnh đạo huyện Ðăk Glei khẳng định đến ngày 26 tháng 11 mới biết,” theo báo Thanh Niên trong khi ông Lê Bá Thanh cho biết đã trình báo trước đó.


Nói với báo Thanh Niên ngày 27 tháng 11, ông Lê Bá Thanh cho hay, “Do khối lượng đá đổ phía trên đập lớn, xe đổ đất đá dồn dập và trong đợt cao điểm thi công, đập không chịu nổi nên bị sập đổ.”


Nhưng trong cuộc họp báo của quan chức tỉnh Kon Tum ngày 29 tháng 11 thì vẫn đổ tội cho cái xe ben đụng sập.


Trong cuộc họp báo, Bùi Văn Cư, phó giám đốc Sở Công Thương Kontum cáo buộc, “Bước đầu có thể xác định chủ đầu tư đã thi công sai so với hồ sơ thiết kế. Theo thiết kế, thân đập thủy điện được đổ bằng bê tông mác 150. Tuy nhiên, khi kiểm tra hiện trường thì thân đập ở giữa toàn cát, đá.” Báo Tuổi Trẻ kể và viết tiếp là “ngoài ra, thiết kế chiều dài toàn thân đập là 165m, qua kiểm tra đã phát hiện hơn 109m thân đập bị vỡ nát, khác xa so với thông tin báo cáo ban đầu của chủ đầu tư” nói đoạn đập đổ sập là 60m.


Ông này cho biết, “Ðể chuẩn bị công tác giám định, UBND tỉnh Kon Tum đã chỉ đạo đình chỉ toàn bộ việc thi công của công trình thủy điện Ðăk Mek 3.”


Sau khi vụ vỡ đập xảy ra, quan chức tỉnh vội vã tách mình ra khỏi vụ xây dựng đập Ðăk Mek. Báo Thanh Niên nói, “UBND tỉnh Kon Tum cũng chỉ đạo Sở Xây Dựng chọn đơn vị tư vấn xây dựng có đầy đủ điều kiện năng lực, kinh nghiệm để thực hiện khảo sát, đánh giá độc lập và xác định nguyên nhân sự cố, làm rõ trách nhiệm của người gây ra sự cố, báo cáo UBND tỉnh kết quả để có chỉ đạo xử lý theo pháp luật.”


Như bất cứ một dự án xây dựng nào khác, quan chức các cấp từ trên xuống dưới đều phải được “phong bì” đầy đủ và xứng đáng đối với chức vụ. Nếu không được đấm miệng, liệu các quan có quay mặt đi cho mà làm ăn giả dối?


Một chiếc xe ben dù quá tải cũng chỉ có thể đụng lún một lỗ nhỏ chứ đừng nói sập một bức tường bê tông cốt thép dày 1.6m đến 1.8 mét và dài hơn 100 mét nếu nó được xây dựng đúng tiêu chuẩn kỹ thuật.


Chuyện sập đập thủy điện Ðăk Mek 3 làm nhớ lại cầu Chợ Ðệm trên tuyến đường cao tốc Sài Gòn-Trung Lương ở miền Tây ngày 10 tháng 3, 2009. Cầu này cũng đang xây dựng thì hai trong số 150 dầm cầu đang thi công đổ sập xuống sông kéo theo một số công nhân. Nhà thầu là công ty quốc doanh “Công ty cổ phần cầu 11 Thăng Long” đổ lỗi cho “gió mạnh gây ra.”


Không thấy tin tức khí tượng nào nói cho biết thời gian đó ở khu vực cầu Chợ Ðệm là có thể có “gió mạnh” cả. Cuộc điều tra sơ khởi cho thấy các quan đã ăn cắp sắt thép, “rút ruột công trình” rồi đổ tội cho gió.


Những năm gần đây, các vụ sập cầu đang xây dựng hoặc vừa xây dựng xong, xảy ra khá nhiều từ Bắc Giang, Quảng Trị, Quảng Nam, Ðà Nẵng, Bình Dương và nhiều nơi khác. Tất cả đều được cho chìm xuồng vì bới ra thì ai cũng có tội cả.


Tai tiếng làm cầu đường với bê tông “cốt tre” ở Quảng Trị hoặc Kon Tum.


Khi vỡ đập thủy điện Ðak Rông ở tỉnh Quảng Trị hồi giữa tháng trước, người ta mới thấy lòi ra bê tông trộn đất và gỗ mục. Rồi mọi chuyện cũng êm xuôi. Mùa màng nương rẫy của dân bị cuốn trôi không thấy ai áy náy.

MỚI CẬP NHẬT