Friday, March 29, 2024

Xe cộ sợ tốn tiền, né đường cao tốc

 


VIỆT NAM (NV) Sau ngày đầu tiên áp dụng lệnh thu lệ phí qua đường cao tốc Sài Gòn-Trung Lương, 27 tháng 2, số xe cộ qua lại giảm gần 1/4, đặc biệt là xe vận tải.


Theo báo Thanh Niên, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Cửu Long Nguyễn Văn Phòng cho rằng xe cộ “né” đường cao tốc vì chê “lộ phí” qua lại quá cao. Ðây là đơn vị được Bộ Giao Thông Vận Tải Việt Nam giao phận sự thu lệ phí lệ phí xe cộ qua lại đường cao tốc Sài Gòn-Trung Lương kể từ ngày 25 tháng 2, trung bình khoảng 25,000 đồng mỗi chiếc xe, tương đương 1.2 đô la.








Trạm thu phí đường cao tốc Sài Gòn-Trung Lương vắng tanh ngày đầu tiên thu phí. (Hình: Báo Thanh Niên)


Trước đó, để thi hành lệnh thu lệ phí đường cao tốc Sài Gòn-Trung Lương, Bộ Giao Thông-Vận Tải Việt Nam đã cho phép xây 4 trạm thu tiền lần lượt tại Chợ Ðệm, Sài Gòn; Tiền Giang; Bến Lức và Tân An thuộc tỉnh Long An.


Cũng theo báo Thanh Niên, Tổng công ty Cửu Long được giao thu lệ phí đường cao tốc Sài Gòn-Trung Lương trong 25 năm và phải thu được 300 tỉ đồng, tương đương 15 triệu đô trong 10 tháng đầu tiên.


Tuy nhiên, cũng theo báo Thanh Niên, số lượng xe cộ qua lại đường cao tốc Sài Gòn-Trung Lương trong những ngày đầu tiên thu lệ phí giảm đến 1/4 so với bình thường. Tình hình thực tế này cho thấy “chỉ tiêu” của Bộ Giao Thông-Vận Tải giao cho tổng công ty Cửu Long khó có thể thực hiện được.


Ngay trong ngày 27 tháng 2, Tổng công ty Cửu Long lập tức tung đề nghị lập trạm thu lệ phí tại quốc lộ 1A là con đường song song với đường cao tốc Sài Gòn-Trung Lương để “móc túi” cho được xe cộ từ Sài Gòn đi về miền Tây. Ðể thực hiện kế hoạch đối phó với việc xe cộ “né” đường cao tốc vì không muốn bị mất tiền, ông Phòng nói rằng nhà nước Việt Nam có thể bỏ ra 80 tỉ đồng, tương đương 4 triệu đô để xây trạm thu phí trên quốc lộ 1A. Nếu kế hoạch này được thực hiện thì xe cộ về miền Tây phải trả tiền lộ phí chứ không còn đường nào để “né.”








Xe cộ đổ dồn về quốc lộ 1A để “né” thu phí. (Hình: Báo Thanh Niên)


Ông Phòng còn cho rằng đường cao tốc Sài Gòn-Trung Lương và quốc lộ 1A là hai con đường huyết mạch từ Sài Gòn về miền Tây mà chỉ thu phí ở một con đường là “không công bằng.”


Trong khi đó, theo giới tài xế xe vận tải, việc phải “è” cổ ra đóng một khoản lệ phí không nhỏ khi qua lại trên đường cao tốc, nếu không nói là quá cao, khiến gánh nặng chi phí vận chuyển và lưu thông của đoàn xe của họ tăng vọt.


Ông Nguyễn Minh, tài xế xe chở khách Sài Gòn-Trà Vinh nói rằng lệ phí quá cao buộc họ phải né đường cao tốc Sài Gòn-Trung Lương mặc dù ai cũng biết rằng xe đi đường cao tốc giúp họ tiết kiệm được thời gian rất nhiều.


Cũng theo dư luận, nhà nước Việt Nam nghĩ ra nhiều biện pháp “móc túi” dân không ngừng từ việc lập trạm thu phí khắp các nẻo đường Việt Nam để thu tiền, đồng thời với việc để cho các đội quân cảnh sát giao thông chặn đường chặn nẻo phạt vạ giới tài xế một cách vô tội vạ.


Chưa hết, trên đoạn đường ngắn từ chân cầu Cần Thơ đi vào nội thị, cảnh sát giao thông “phục kích” xe cộ qua lại để bấm tốc độ và phạt nặng những xe chạy quá tốc độ. Không ai ngờ được rằng trên một đoạn đường khá dài từ chân cầu Cần Thơ trở đi, xe cộ phải chạy với tốc độ… 20km/giờ. Sau đó là một đoạn đường không hề cắm bảng ấn định tốc độ nhưng được coi là mặc nhiên phải chạy với tốc độ 40km/giờ. Nhiều tài xế tưởng đó là đường giao thông nội thị nên tăng tốc với tốc độ 50km/giờ vô tình rơi vào bẫy của cảnh sát giao thông tỉnh Cần Thơ.


Một tài xế xe chở khách Sài Gòn-Cà Mau tâm sự: “Thật khủng khiếp và chán ngán mọi thủ thuật móc túi của cảnh sát giao thông và nhà nước Việt Nam.” (PL)


 

MỚI CẬP NHẬT