Thursday, April 18, 2024

Người dàn xếp điện đàm Trump-Phúc nhắm mở sòng bài ở Việt Nam

WASHINGTON, DC (NV) – Tổ chức truyền thông ProPublica vừa đăng một phóng sự điều tra liên quan đến việc ai vận động cho cuộc điện đàm giữa ông Trump, lúc vừa đắc cử tổng thống Mỹ, và Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc của Việt Nam, và vận động để dân Việt Nam được cờ bạc, qua bài viết “The Hidden Hand of a Casino Company in Trump’s Contact with Vietnam – ‘Trump, Inc,’” đăng ngày 25 Tháng Tư.

Cú điện thoại “qua mặt” Bộ Ngoại Giao Mỹ

Theo ProPublica, vào ngày 14 Tháng Mười Hai, 2016, khoảng một tháng sau khi thắng cử, ông Donald Trump có một cuộc điện đàm với ông Phúc. Đây là lúc nhiều chính quyền nước ngoài tìm cách liên lạc với ông Trump, và cuộc nói chuyện với ông Phúc được coi là một thắng lợi ngoại giao cho Việt Nam.

Cuộc điện đàm này được truyền hình nhà nước Việt Nam phát hình, cho thấy ông Phúc cùng các viên chức chính quyền tươi cười vui vẻ.

Tuy nhiên, Bộ Ngoại Giao Mỹ lại lúng túng, không biết chuyện gì xảy ra.

Vẫn theo ProPublica, về nguyên tắc, điện đàm giữa tổng thống đắc cử với lãnh đạo nước ngoài vẫn phải được Bộ Ngoại Giao phối hợp thực hiện.

Tuy nhiên, trong trường hợp này, nhóm chuyển giao quyền hành của ông Trump đã “qua mặt” Bộ Ngoại Giao.

Thực ra, cú điện đàm này do ông Marc Kasowitz, một luật sư riêng của ông Trump, dàn xếp, theo ProPublica.

Luật Sư Marc Kasowitz, đại diện Tổng Thống Donald Trump, phát biểu tại National Press Club, Washington, DC, hôm 8 Tháng Sáu, 2017, nói về chuyện cựu Giám Đốc FBI James Comey điều trần tại Quốc Hội. (Hình: Win McNamee/Getty Images)

Trong khi đó, các giới chức ở tòa đại sứ Mỹ tại Hà Nội biết trước cuộc điện đàm này, qua Harbinger Capital, do ông Philip Falcone đứng đầu, chứ không phải từ nhóm chuyển giao quyền hành của ông Trump.

Theo Bloomberg News, Harbinger Capital bỏ ra $450 triệu đầu tư vào sòng bài kiểu Las Vegas trong khu nghỉ dưỡng Hồ Tràm, tọa lạc tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.

Tòa đại sứ Mỹ cũng không biết nội dung cuộc điện đàm, mà chỉ biết là nó xuất phát từ phía Việt Nam, theo một người biết chuyện bên trong cho ProPublica biết.

Dàn xếp cuộc điện đàm

Ngoài ông Trump, Luật Sư Kasowitz còn có một khách hàng khác, rất quan tâm đến Việt Nam, theo ProPublica.

Đó là ông Philip Falcone.

Trong một cuộc phỏng vấn với ProPublica, ông Falcone bác bỏ tin cho rằng ông yêu cầu dàn xếp cuộc điện đàm.

Nhưng ông nói thêm là chẳng có gì sai trái khi dàn xếp cuộc điện đàm như vậy.

Một phát ngôn viên của ông Kasowitz xác nhận với ProPublica là chính ông luật sư này dàn xếp cuộc điện đàm hồi Tháng Mười Hai, 2016.

Ông Philip Falcone tại một buổi điều trần ở Hạ Viện Mỹ hôm 13 Tháng Mười Một, 2008. (Hình: Tim Sloan/AFP/Getty Images)

“Theo yêu cầu của đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ, ông Kasowitz đưa số điện thoại liên lạc để phía Việt Nam có thể sử dụng nhằm sắp xếp cú điện thoại chúc mừng ông Trump,” phát ngôn viên của ông Kasowitz nói với ProPublica.

Vẫn theo ProPublica, không rõ là ông Trump có nhắc gì tới sòng bài ở Hồ Tràm trong điện đàm với ông Phúc hay không, hoặc trong bất cứ liên lạc nào với phía Việt Nam.

Khi được ProPublica hỏi, nữ phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc yêu cầu hỏi ông Kasowitz.

Còn tòa đại sứ Việt Nam thì không trả lời khi ProPublica đặt câu hỏi.

Marc Kasowitz là ai?

Ông Kasowitz đại diện cho ông Trump ít nhất là trong 15 năm, theo ProPublica, bao gồm cả vụ lừa đảo của đại học Trump University mà nay đã đóng cửa, các vụ ông Trump bị tố sách nhiễu tình dục, và mới đây nhất, vụ điều tra liên quan tới người Nga.

Theo ProPublica, không rõ khi nào ông Kasowitz có liên quan đến dự án Hồ Tràm, nhưng công ty luật của ông đại diện cho ông Falcone và doanh nghiệp của ông này ít nhất là từ năm 2013.

Ông Kasowitz còn có một cộng sự nữa, đó là ông David Friedman, người sau này được Tổng Thống Donald Trump đề cử làm đại sứ tại Israel. Ông Friedman cũng từng đại diện công ty của ông Falcone, theo ProPublica.

Trong năm 2017, ông Kasowitz đến Việt Nam cùng với ông Falcone, nhưng không phải với “tư cách là luật sư cho ông Falcone, mà chỉ đến để nắm tình hình, để hiểu những gì đang xảy ra ở đây,” theo ông Falcone nói với ProPublica.

Ông Falcone kể là hai ông có gặp một số giới chức Việt Nam.

Sòng bài Hồ Tràm vắng tanh. (Hình: thegrandhotram.com)

Trong khi đó, phát ngôn viên của ông Kasowitz nói với ProPublica là ông Kasowitz đến Việt Nam “để cố vấn ông Falcone một số vấn đề pháp lý,” và không cho biết gì thêm.

Hồ Tràm và ông Philip Falcone

Quyền lợi thương mại của ông Falcone tại Việt Nam bắt đầu cách đây hàng chục năm.

Hồ Tràm, tên chính thức là “The Grand Ho Tram Strip,” một khu nghỉ dưỡng có sòng bài, khách sạn, sân golf, phòng hội họp… tọa lạc ngay sát bờ biển, trên đường đi giữa Long Hải và suối nước nóng Bình Châu.

Tuy nhiên, vì luật Việt Nam không cho phép người dân đánh bài, nên Hồ Tràm gặp khó khăn, và gần như trống vắng khách du lịch, theo ProPublica. Tại đây, nhân viên nhiều hơn du khách, đến nỗi, một quan sát viên phải nói rằng “người ta có thể lái một chiếc xe vận tải đi xuyên qua sòng bài mà không đụng vào bất cứ ai cả.”

Và để cứu dự án này, theo ProPublica, ông Falcone phải vận động chính quyền Việt Nam đổi luật, cho người dân được đánh bài.

Nhưng cho tới nay, luật Việt Nam chưa thay đổi.

Theo ProPublica, ông Falcone tốt nghiệp đại học Harvard University, từng là tỷ phú, nằm trong danh sách tạp chí Forbes, tuy nhiên, ông gặp khó khăn trong cuộc khủng hoảng tài chánh hồi năm 2008.

Trong một vụ dàn xếp với Ủy Ban Trao Đổi Chứng Khoán Hoa Kỳ, ông bị cấm hoạt động trong lãnh vực chứng khoán trong 5 năm vì có liên quan đến việc ông mượn quỹ đầu tư $100 triệu một cách không đúng thủ tục. Thế là ông Falcone bị “biến mất” khỏi danh sách của Forbes.

Theo ProPublica, hai tháng trước cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, nhóm của ông Falcone tung ra một chiến dịch quảng cáo dự án Hồ Tràm, bổ nhiệm hai thành viên mới vào hội đồng quản trị.

Đó là ông Tony Podesta, anh ruột của ông John Podesta, chủ tịch ủy ban tranh cử tổng thống của bà Hillary Clinton và từng là chánh văn phòng Tòa Bạch Ốc thời Tổng Thống Bill Clinton, và bà Loretta Pickus, cựu phó chủ tịch phụ trách pháp lý của Trump Entertainment Resorts, quản trị công ty sòng bài của ông Trump trước đây mà nay không còn nữa.

Vẫn theo ProPublica, một tuần sau khi ông Trump thắng cử, Hồ Tràm tung ra một thông cáo báo chí, khen ngợi sự bổ nhiệm bà Pickus, nói rằng bà này từng đại diện cô Ivanka Trump, con gái ông Trump, và có đề cập nhẹ nhàng đến các cố gắng của công ty trong việc vận động cho người dân Việt Nam được đánh bài.

“Với kinh nghiệm dày dạn trong các công ty kinh doanh của ông Trump, bà Pickus hy vọng ‘The Grand Ho Tram’ có thể tiếp tục đầy mạnh quan hệ Việt-Mỹ trong chính quyền Donald Trump sắp tới,” thông cáo báo chí biết, theo ProPublica.

Thông cáo còn viết thêm sự bổ nhiệm bà Pickus là “một cơ hội tuyệt vời để chia sẻ kinh nghiệm kinh doanh tốt nhất của Mỹ trong lúc Việt Nam cân nhắc các cơ hội để cải tổ luật lệ liên quan đến lãnh vực khách sạn và cờ bạc.”

Vận động Việt Nam cho người dân đánh bài

Theo điều tra của ProPublica, chỉ vài tuần sau cuộc điện đàm giữa ông Trump và ông Phúc, ông Falcone đến Hà Nội để gặp thủ tướng Việt Nam và vận động cho việc hợp pháp hóa việc đánh bài và sòng bài ở Hồ Tràm.

Truyền thông nhà nước Việt Nam tường thuật rằng ông Falcone “yêu cầu chính phủ Việt Nam tiếp tục tạo thuận lợi cho các công ty Mỹ, bao gồm cả Harbinger, để làm ăn lâu dài và ổn định tại Việt Nam.”

Ngoài ra, ông Falcone còn tuyển một số nhà vận động, cố vấn, và cố vấn truyền thông Việt Nam để thuyết phục chính quyền thay đổi luật liên quan đến cờ bạc.

Hồ Tràm còn tìm cách để hình ông Falcone lên trang bìa tạp chí ‘Quý Ông Esquire’ của Việt Nam, dàn xếp nhiều buổi họp giữa ông Falcone và các giới chức cao cấp Việt Nam, và ngay cả nhờ tòa đại sứ Mỹ giúp đỡ, theo ProPublica.

Ông Trump tiếp ông Phúc, ông Kasowitz “tình cờ” có mặt

Hôm 30 Tháng Năm, 2017, một ngày trước cuộc gặp gỡ giữa ông Trump và ông Phúc, nhóm Asia Group làm việc với ông Falcone để tổ chức một hội nghị tại New York, có 20 nhà tài phiệt hàng đầu của Mỹ gặp ông Phúc, mà trong đó có cả cựu Đại Tướng David Petraeus, từng là giám đốc CIA và hiện là chủ tịch quỹ đầu tư KKR, theo ProPublica.

Asia Group do ông Kurt Campbell làm chủ tịch kiêm tổng giám đốc. Ông này từng là phụ tá ngoại trưởng đặc trách Đông Á và Thái Bình Dương dưới thời Tổng Thống Barack Obama.

Ngày hôm sau, Tổng Thống Trump bước ra tận cửa Tòa Bạch Ốc chìa tay ra bắt tay Thủ Tướng Phúc, trước khi hai người bước vào bên trong, thảo luận về thương mại và Bắc Hàn.

Theo ProPublica, khi ông Trump và ông Phúc rời đám đông để bước vào phòng Cabinet Room, ông Marc Kasowitz đã ở đó, rõ ràng là đang chờ đợi, theo một người biết chuyện cho biết. Ông Kasowitz có chào ông Trump và bắt tay ông Phúc.

Tòa Bạch Ốc và tòa đại sứ Việt Nam từ chối có ý kiến về cuộc họp của hai nhà lãnh đạo, và không có bằng chứng nào cho thấy ông Trump nêu vấn đề Hồ Tràm với ông Phúc, theo ProPublica.

Phát ngôn viên của ông Kasowitz bác bỏ với ProPublica chuyện ông Kasowitz đang chờ để chào ông Phúc.

“Ông Kasowitz có mặt trong Tòa Bạch Ốc ngày 31 Tháng Năm, 2017 vì chuyện khác,”’ phát ngôn viên của ông Kasowitz nói với ProPublica. “Ông Kasowitz không biết là thủ tướng Việt Nam đến Tòa Bạch Ốc hôm đó, ông không đứng chờ ông thủ tướng, mà đây hoàn toàn chỉ là tình cờ ông gặp hai người, chứ không có nói gì với ông thủ tướng cả.”

Phát ngôn viên của ông Kasowitz nói thêm: “Không có bất cứ ai, kể cả ông Kasowitz, tại công ty, sử dụng sự tiếp cận với ông Trump để giúp khách hàng của công ty.”

“Tôi cảm thấy sốc là người ta dám tin rằng chính quyền Mỹ sẽ nói đến vụ Hồ Tràm, hoặc ngay cả nghĩ đến chuyện có dính vào vụ này,” ông Falcone nói với ProPublica.

Ông Falcone, người không ủng hộ tài chánh trong cuộc tranh cử của ông Trump, nói với ProPublica sòng bài trong Hồ Tràm chẳng có lợi gì sau cuộc điện đàm giữa hai nhà lãnh đạo quốc gia.

“Thẳng thừng mà nói, không có gì thay đổi từ khi (Mỹ) có chính quyền mới,” ông Falcone giải thích với ProPublica. (Đ.D.)

Giám đốc công an Đà Nẵng Lê Văn Tam “bị xác minh biệt phủ triệu đô”

MỚI CẬP NHẬT