Friday, March 29, 2024

Sạt lở trên diện rộng, An Giang công bố tình trạng khẩn cấp

AN GIANG, Việt Nam (NV) – Khoảng 9 giờ 30 phút sáng 22 Tháng Tư, một đoạn bờ sông Vàm Nao, thuộc xã Mỹ Hội Đông, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang, tiếp tục sụp xuống, kéo theo 16 căn nhà.

Trong vài năm gần đây, tuy khu vực vừa kể liên tục bị sạt lở nhưng chưa bao giờ sạt lở diễn ra nhanh và trên diện rộng như vài ngày qua.

Trò chuyện với tờ Tuổi Trẻ, ông Trương Trung Lập, chủ tịch huyện Chợ Mới, cho biết dựa trên kết quả khảo sát mới nhất, ngày 21 Tháng Tư, giới hữu trách xác định, chỉ có 19 gia đình nằm trong khu vực nguy hiểm, cần phải di tản khẩn cấp. Tuy nhiên đến ngày hôm sau, số gia đình nằm trong diện phải di tản khẩn cấp đã tăng lên thành 40.

Vì chưa tìm ra bất kỳ giải pháp nào để ngăn chặn sạt lở, chính quyền tỉnh An Giang đã công bố tình trạng khẩn cấp ở huyện Chợ Mới. Báo này tường thuật, tuy có sự hỗ trợ của công an và quân đội để di tản khẩn cấp nhưng dân chúng trong vùng vẫn hoảng loạn.

Sạt lở đang là một vấn nạn nghiêm trọng tại Việt Nam. Sạt lở không chỉ diễn ra ở các con sông mà còn xuất hiện tại những vùng sát biển. Trong vài năm gần đây, mỗi năm, riêng khu vực đồng bằng sông Cửu Long đã mất năm cây số vuông mặt đất do sạt lở tại sông rạch và bờ biển.

Một trong những nguyên nhân khiến sạt lở bờ sông, bờ biển tại Việt Nam trở thành trầm trọng là chính quyền cho phép múc cát đem bán.

Theo báo Tuổi Trẻ, các số liệu do Tổng Cục Hải Quan thống kê cho thấy, từ năm 2007 đến 2016, Việt Nam xuất cảng 67 triệu mét khối cát. Trong giai đoạn từ 2007 đến 2009, cát xuất cảng chủ yếu được móc từ lòng các con sông ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long với khối lượng khoảng 24 triệu mét khối.

Do bị các chuyên gia và dân chúng phản ứng kịch liệt, cuối năm 2009, chính phủ Việt Nam cấm xuất cảng cát. Đến năm 2013, Bộ Xây Dựng tìm ra một con đường mới để tiếp tục móc cát mang đi bán: Giao cho một số doanh nghiệp tự bỏ tiền “khai thông, nạo vét luồng lạch” rồi được “tận thu, xuất cảng” cái gọi là “cát nhiễm mặn” để trang trải chi phí. Bộ Xây Dựng gọi con đường mới này là “xã hội hóa hoạt động bảo đảm hàng hải!”

Dẫn đầu “xã hội hóa hoạt động bảo đảm hàng hải” là Bộ Quốc Phòng. Kế đó là chính quyền 11 tỉnh ven biển: Kiên Giang, Bình Thuận, Ninh Thuận, Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Định, Quảng Nam, Thừa Thiên-Huế, Quảng Bình, Quảng Trị, Hà Tĩnh. Các “chủ đầu tư” này trình 40 dự án, nhằm móc khoảng 250 triệu khối cát từ lòng biển để xuất cảng.

Việt Nam có khoảng 3,260 cây số bờ biển chạy dài từ Bắc vào Nam và ngoài chuyện thi nhau múc cát đem bán, còn có thêm nhiều lý do khác khiến bờ biển xói lở nhanh, nhiều.

Trong một cuộc trao đổi với Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) về vấn đề này vào năm 2015, ông Huỳnh Long Vân, thành viên Nhóm Nghiên Cứu Văn Hóa Cửu Long-Đồng Nai ở Úc, cho biết tuy tình trạng bờ biển xói lở có khác nhau nhưng xảy ra tại cả ba miền.

Ở miền Bắc từ Móng Cái đến Nam Định có sáu đoạn bị sạt lở. Trong đó, khu vực Cát Hải thuộc Hải Phòng và Hải Hậu thuộc Nam Định bị sạt lở trầm trọng nhất. Ở Hải Hậu do bờ biển xói lở, mỗi năm biển lấn sâu vào bờ trên 20 mét.

Một căn nhà gỗ nằm cách bờ sông đến 15 mét cũng được chủ nhân di dời vì lo sạt lở. (Hình: Báo Thanh Niên)
Một căn nhà gỗ nằm cách bờ sông đến 15 mét cũng được chủ nhân di dời vì lo sạt lở. (Hình: Báo Thanh Niên)

Tại miền Trung, cứ khoảng sáu cây số trên đoạn bờ biển từ Thanh Hoá đến Nha Trang lại có một đoạn bị sạt lở. Tổng cộng có 286 đoạn bị sạt lở, tổng diện tích lên tới 9,000 héc ta.

Khu vực miền Nam, đoạn bờ biển từ Vũng Tàu đến Hà Tiên có nhiều chỗ bị xói lở và cường độ thay đổi theo từng vùng. Ví dụ do bờ biển ở mũi Cần Giờ Đông – Sài Gòn, huyện Gò Công Đông – Tiền Giang, Bình Đại – Bến Tre, Ba Tri – Bến Tre, Cầu Ngang – Trà Vinh, Duyên Hải – Trà Vinh& bị xói lở, mỗi năm, biển lấn sâu vào bờ từ 10 mét đến 30 mét. Có chỗ như đoạn bờ biển từ thị trấn Vĩnh Châu – Sóc Trăng đến Bạc Liêu, đến nay đường bờ biển đã lấn vào đất liền khoảng 250 mét.

Riêng Cà Mau, một số đoạn bờ biển như từ Gành Hào đến Mũi Cà Mau, từ cửa sông Đầm Dơi đến cửa Rạch Gốc mỗi năm, biển lấn vào bờ khoảng 35 mét và trong 35 năm vừa qua biển đã lấn vào bờ khoảng 1.4 cây số.

Theo ông Vân, bờ biển xói lở vừa do yếu tố nội sinh của thiên nhiên (gió, sóng, thủy triều, dòng chảy ven bờ, cấu tạo địa chất của bờ biển, vị trí của bờ biển), vừa do tác động ngoại sinh từ con người (phá rừng ngập mặn để nuôi trồng thủy sản, xây dựng các khu du lịch hay các công trường sát bờ biển – diện tích rừng ngập mặn của đồng bằng sông Cửu Long đã giảm từ 250,000 héc ta hồi năm 1950 xuống còn 46,000 héc ta vào năm 2001, kế đến là tác động của các công trình thủy điện ở thượng nguồn Mekong làm thay đổi dòng chảy và khối lượng phù sa được chuyên chở ra cửa biển).

Ông cảnh báo, tình trạng bờ biển Việt Nam xói lở đang trở nên trầm trọng hơn do tác động ngày càng rõ rệt của biến đổi khí hậu. Đáng ngại là Viêt Nam vẫn chưa có kế hoạch đồng bộ và toàn diện cả về kỹ thuật lẫn pháp luật để ứng phó với tình trạng này.

Ông cho hay, tổ chức quốc tế điều phối biển ở Đông Nam Á (COBSEA) từng hối thúc chính quyền Việt Nam phải nhanh chóng xác lập những kế hoạch cụ thể và mạng lưới theo dõi để bảo vệ bờ biển, kèm lời hứa COBSEA sẽ hỗ trợ Việt Nam phát triển năng lực để đủ sức phục hồi, quản lý nguồn tài nguyên ven biển đang bị đe dọa.

Một số quốc gia như: Úc, Đức, Hòa Lan, Na Uy cũng trợ giúp Việt Nam cả tài chính lẫn kỹ thuật nhưng theo ông, bảo vệ bờ biển Việt Nam là trách nhiệm của chính quyền Việt Nam, họ không thể trông đợi ngoại quốc gánh vác mọi việc, kể cả việc xác lập chiến lược phòng chống xói lở, bảo vệ bờ biển của xứ sở mình. (G.Đ)

MỚI CẬP NHẬT