Thursday, April 18, 2024

An Giang đấu giá mỏ cát $310,000, trúng giá ‘bất thường’ hơn $122 triệu

AN GIANG, Việt Nam (NV) – “Không thể tin được” là nhận xét chung của công luận về việc mỏ cát trên sông Tiền tại xã Bình Phước Xuân, huyện Chợ Mới, khi giá khởi điểm chỉ vài tỷ đồng nhưng giá trúng thầu cao hơn 390 lần…

Theo báo Tuổi Trẻ, ngày 9 Tháng Tư, lãnh đạo Trung Tâm Bán Đấu Giá Tài Sản thuộc Sở Tư Pháp tỉnh An Giang cho biết vài ngày trước đơn vị tổ chức đấu giá công khai khoáng sản cát sông tại hai mỏ cát trên sông Hậu xã Khánh Hòa, huyện Châu Phú, có giá khởi điểm 4.4 tỷ đồng ($191,005) và trên sông Tiền tại khu vực xã Bình Phước Xuân, huyện Chợ Mới có giá 7.2 tỷ đồng ($312,554).

Khan hiếm cát xây dựng khiến giá cát trên thị trường tăng vọt, đẩy tình trạng khai thác lậu nở rộ trên các tuyến sông ở miền Tây. (Hình: E.X/Tuổi Trẻ)

Tại mỏ cát trên sông Hậu ước tính trữ lượng là 1.5 triệu khối có giá khởi điểm 4.4 tỷ đồng ($191,005), một doanh nghiệp ở Đồng Tháp đã đấu giá 273 tỷ đồng ($11.85 triệu) để giành quyền khai thác. Còn mỏ cát sông Tiền có 19 doanh nghiệp nộp đơn xin đấu giá quyền khai thác mỏ cát này. Kết quả cuối phiên đấu giá, một “đại gia” ở Sài Gòn trúng đấu giá với số tiền trên 2,811 tỷ đồng ($122.02 triệu).

Báo VNExpress ngày 10 Tháng Tư, dẫn lời ông Nguyễn Việt Trí, giám đốc Sở Tài Nguyên Môi Trường tỉnh An Giang, đánh giá kết quả đấu giá mỏ cát tại xã Bình Phước Xuân, huyện Chợ Mới, là “quá bất thường.” Tỉnh hiện có sáu mỏ cát với 10 đơn vị khai thác. Các lần đấu giá trước không cao đột biến như thế.

Ông Trí tính toán, với trữ lượng cát ước tính 2.4 triệu khối, doanh nghiệp bỏ ra khoảng 145 tỷ đồng ($6.29 triệu) là có thể nhận quyết định trúng đấu giá. Với mức cho phép khai thác mỗi năm 200,000 tấn thì doanh nghiệp được khai thác tối đa là 12 năm.

“Nếu tính giá cát là 67,500 đồng ($2.92), nhân với trữ lượng này thì số tiền đấu giá tới 2,811 tỷ đồng ($122.02 triệu) là không hợp lý rồi. Tuy nhiên, nếu doanh nghiệp ‘có đủ năng lực’ thì họ có quyền đấu giá cao nhất để giành quyền khai thác và tỉnh phải công nhận họ trúng đấu giá,” ông Trí nói.

Sau khi các đơn vị đo đạc, đánh giá lại trữ lượng chính thức và làm phúc trình đánh giá tác động môi trường, cơ quan hữu trách sẽ cấp phép khai thác. Nếu trữ lượng thực tế nhiều hơn 2.4 triệu khối, số tiền doanh nghiệp phải nộp sẽ tăng lên.

Ông Nguyễn Thanh Bình, chủ tịch tỉnh An Giang, cho rằng việc đấu giá “có dấu hiệu bất thường” nên đã chỉ đạo các ngành liên quan kiểm tra, tính toán lại, tránh trường hợp đấu thầu “ảo.”

“Mấy ngày qua, sau khi trúng đấu giá, doanh nghiệp vẫn chưa liên hệ với tỉnh. Chúng tôi sẽ làm việc cụ thể và khi nào họ nộp đủ tiền vào ngân sách theo quy định thì tỉnh mới tính kế hoạch sử dụng số tiền này,” ông Bình nói.

“Không thể tin được” không chỉ vì số tiền trúng đấu giá cao gấp hơn 390 lần so với giá khởi điểm, mà còn ở sự không tương xứng giữa những con số. Đó là ý kiến của công luận bày tỏ trên báo Tuổi Trẻ về sự việc.

Theo thông báo nói trên của Sở Tài Nguyên An Giang, giá bình quân mỗi mét khối cát trúng đấu giá lên đến hơn 1.18 triệu đồng ($51.22). Một độc giả chuyên cung ứng cát xây dựng cho các công trình giao thông cho hay đây là mức giá “không tưởng.”

Bình luận trên báo Tuổi Trẻ, độc giả Nguyễn Thái Sơn ngạc nhiên: “Sao vậy? 3 triệu khối cát mà mua với giá 2,811 tỷ đồng ($122.02 triệu), tức gần 1 triệu đồng ($43.41)/khối cát? Khó hiểu quá, ai giải thích giùm.”

Cho rằng “có gì đó sai sai nhỉ,” độc giả Anh Minh phân tích: “Với trữ lượng 3 triệu khối nhân 400,000 đồng ($17.36) khối cũng chỉ 1,200 tỷ đồng ($52.09 triệu). Mà họ bỏ ra 2.811 tỷ đồng ($122.02 triệu) để đấu giá, chưa tính công khai thác là sao?”

Với cách tính cơ học tương tự là lấy giá trúng thầu chia cho trữ lượng, độc giả NHAN cũng ngạc nhiên không kém: “Không hiểu công ty này đấu giá vậy thì lấy gì ăn nhỉ, trong khi giá cát thị trường cao nhất 350,000 đồng ($15.19)/khối.”

Kết quả trúng thầu của doanh nghiệp tại Sài Gòn với số tiền trên $122 triệu. (Hình: Bửu Đấu/Tuổi Trẻ)

Dù “không thể tin nổi” với kết quả đấu giá, nhiều độc giả đặt dấu hỏi về trách nhiệm của các cơ quan chức năng khi đưa ra mức giá khởi điểm quá thấp.

Độc giả Dương Văn Tuấn nhận xét: “Đấu thầu như thế thì lợi cho ngân sách. Tuy nhiên sao lại đấu với giá cao ngất như thế? Một là bộ phận thẩm định quá yếu kém, đưa giá đấu thầu bèo bọt. Hai là trữ lượng chưa được đánh giá toàn diện. Không khéo hút nhanh hút mạnh cho lại vốn thì câu chuyện sạt lở sẽ xảy ra.”

“Cơ quan, tổ chức hay cá nhân nào thẩm định giá 7.2 tỷ đồng ($312,554) phải xử lý trách nhiệm liên quan tại sao lại để chênh lệch giá như vậy,” độc giả Bibi đề nghị. (Tr.N) [qd]

MỚI CẬP NHẬT