Monday, March 18, 2024

ASEAN chỉ là con rối cho các đại cường giật dây?

HONGKONG (NV) – Khả năng giới hạn của tổ chức ASEAN được nhìn thấy qua những cuộc đàm phán gần đây ở Singapore khi muốn đưa ra các giải pháp ngăn chặn xung đột võ trang tại khu vực.

Trên tạp chí South China Morning Post hôm Chủ Nhật 19 Tháng 8, 2018, tác giả Brahma Chellaney nhận định rằng tổ chức 10 nước ASEAN chia rẽ và thiếu sức nặng địa chính trị dù muốn nắm quyền chỉ đạo những sáng kiến vượt ra bên ngoài khu vực.

Tuy nhiên, khi ngồi vào ghế tài xế, “các nước ASEAN lại thường cần những chỉ thị từ những kẻ ra lệnh tài xế (back-seat drivers) để làm thế nào đi tới và đi đâu”.

Tác giả kể trên dẫn chứng một số cuộc họp mấy tháng gần đây được tổ chức tại Singapore từ Diễn đàn An ninh khu vực, họp thượng đỉnh, cuộc họp cấp ngoại trưởng của riêng ASEAN và họp chung với các đối tác khu vực lên tới 27 nước trong đó có cả Mỹ, Trung Quốc, Nhật, Hàn, Úc, Tân Tây Lan, Nga.

Các cuộc họp lộ ra các nhược điểm nội tại nên tổ chức ASEAN không thể tạo ảnh hưởng để làm giảm bớt những tranh chấp của các đại cường (bên ngoài) tại khu vực. Hoa Kỳ và Trung Quốc kình chống nhau, áp lực ASEAN nên đã làm cho họ khó cục cựa. Họ không có khả năng đóng góp để xây dựng một trật tự với những quy luật được áp dụng hoặc kềm chế những nước đơn phương lấn át như Trung Quốc, Mỹ hay Nga.

Các cuộc thảo luận diễn ra từ phi quân sự hóa bán đảo Triều Tiên đến các kế hoạch “một vành đai, một con đường” của Trung Quốc đến “Tự do và mở Ấn Độ-Thái Bình Dương” của Hoa Kỳ, bên cạnh vấn đề tranh chấp Biển Đông giữa nhiều nước trong khu vực với Trung Quốc.

Các cuộc thảo luận làm nổi bật lên cho người ta thấy các hành động tranh giành ảnh hưởng chính trị ở khu vực. Một trong những điểm nhấn quan trọng của các cuộc thảo luận đó phải kể đến các cuộc thảo luận giữa Trung Quốc và ASEAN về bộ Quy tắc Ứng xử trên Biển Đông (COC) hiện mới chỉ đạt được một bộ khung duy nhất để đàm phán chi tiết.

Trung Quốc và các nước ASEAN đã cùng ký cam kết hồi năm 2002 qua Bản Tuyên Bố Ứng Xử trên Biển Đông (DOC) rằng các bên đều “kiềm chế” và “giữ nguyên trạng” các khu vực tranh chấp để đừng “gia tăng và làm phức tạp thêm các cuộc tranh chấp”. Dù vậy, những năm gần đây, Bắc Kinh đã ngang nhiên bồi đắp, biến các bãi đá ngầm cướp của Việt Nam tại quần đảo Trường Sa năm 1988 thành những căn cứ quân sự quy mô khổng lồ trên biển. Hợp với các đảo được mở rộng và trang bị võ khí tối tân tại quần đảo Hoàng Sa mà họ cướp của VNCH từ năm 1974, bây giờ, dựa trên sức mạnh quân sự ăn trùm khu vực, Bắc Kinh ngang ngược tuyên bố những quần đảo này là của họ từ “cổ xưa” dù mới ăn cướp.

Sự ngang ngược xây dựng quân sự hóa các đảo nhân tạo và đảo tại khu vực tranh chấp trên Biển Đông đã thay đổi nguyên trạng và bị thế giới đã kích. Nhưng 16 năm qua, Trung Quốc đã hoàn tất chương trình xây dựng bất hợp pháp cho tham vọng bá quyền bành trướng của họ, không hề bị trừng phạt hay chế tài.

Khi người ta hiểu ra tại sao Bắc Kinh cố tình trì hoãn, kéo dài các cuộc đàm phán cho một bộ COC với khả năng chế tài pháp lý, thì đã quá muộn. Bắc Kinh mua chuộc, xúi bẩy, dọa nạt một số nước ASEAN để tổ chức này không thể đưa ra các quyết định nào không có lợi cho Bắc Kinh.

“Trung Quốc đã dùng thủ đoạn dụ dỗ và đe dọa để chia rẽ ASEAN hầu lèo lái các điều họ muốn,” theo tác giả bài viết trên tờ SCMP.

Theo tác giả Chellaney, sự phân hóa giữa các nước ASEAN bênh Trung Quốc với các nước khác của khu vực nặng đến độ bây giờ khó có thể khắc phục. Vì chia rẽ và yếu, ASEAN đã khuyến khích tham vọng bá quyền bành trướng của Bắc Kinh và biến khu vực Biển Đông trở thành một điểm nóng nghiêm trọng trên thế giới. (TN)

Lưu ý: Để mở âm thanh, xin bấm vào nút muted icon imagephía góc phải bên dưới của khung video.

MỚI CẬP NHẬT