Thursday, March 28, 2024

Bánh Bèo Bà Cư xứ Huế

Nguyễn Đạt/Người Việt

HUẾ (NV) –  Ra đời tại thành phố Huế cách đây trên 60 năm, quán gốc Bánh Bèo Bà Cư ở kiệt (hẻm) của Cung An Định-Huế không bao lâu đã nổi tiếng với các món bánh đặc sản Huế, nhất là món bánh bèo. Các món bánh đặc sản Huế của quán Bánh Bèo Bà Cư đặc sắc ở hương vị tinh túy gia truyền. Về sau, quán Bánh Bèo Bà Cư mở thêm cơ sở tại địa chỉ số 107 đường Nguyễn Huệ; quán trong kiệt Cung An Định, số 23/177 Phan Đình Phùng, vẫn mở cửa, lúc này mang tên Bánh Bèo Thanh Nga.

Chúng tôi tới quán Bánh Bèo Bà Cư, căn nhà rộng rãi bình dị trên đường Nguyễn Huệ, một trong những đường phố lớn của thành phố Huế. Anh Huy, con trai út của bà Cư, phụ trách quán hiện nay cho biết, bà Cư, mẹ anh, mở quán bánh bèo trong kiệt của Cung An Định từ năm bà mới mười tám, hai mươi tuổi; hiện bà Cư đã ở tuổi 84.

Khay bánh bèo trước mặt chúng tôi có chừng 15 chén bánh bèo, đặt chung quanh chén nước mắm tinh trong lẫn những lát ớt xanh, nhìn đã thấy ngon mắt. Những chiếc bánh bèo đã được hấp chín trong những dĩa sành nhỏ, tôm cháy phủ trên bánh, chút mỡ hành và da heo chiên. Đây là sự khác biệt với bánh bèo Sài Gòn, trên mặt bánh bèo Sài Gòn chỉ có chút mỡ hành và tép mỡ, không có tôm cháy, da heo chiên.

Quán Bánh Bèo Bà Cư trên đường Nguyễn Huệ, thành phố Huế. (Hình: Nguyễn Đạt/Người Việt)

Thưởng thức bánh bèo Huế tại quán Bánh Bèo Bà Cư, cảm nhận cái ngon của sự mềm mại, vì bánh bèo ở đây là thứ bột đã được làm cho mịn màng bằng chút mỡ heo, đem hấp chín sẽ không bị dai. Rồi chiếc bánh bèo ấy cùng với vị thơm ngon và thanh của thịt tôm, sự giòn tan của miếng da heo chiên. Chấm chiếc bánh bèo vào dĩa mắm nhĩ thơm và cay của ớt xanh, thấy thú vị của bánh bèo Huế, một món ăn nhẹ nhàng, thanh tao và tinh tế.

Thưởng thức xong món bánh bèo, chúng tôi gọi thêm thứ bánh đặc sản khác của Huế: bánh ram ít. Bánh ram ít là sự kết hợp của hai loại bánh: bánh ram và bánh ít. Cả hai loại bánh này đều làm từ bột nếp, kết hợp làm nên vị ngon độc đáo của dẻo và giòn. Vị bánh ít dẻo ở phần trên của chiếc bánh ram ít, với lớp tôm cháy mỏng phủ bề mặt; bánh ram giòn ở phần dưới, tựa cái đế của bánh ít, được chiên vàng hộm. Thưởng thức bánh ram ít, thực khách nên ăn từng miếng gồm cả phần trên cùng phần dưới, để cảm nhận vị ngon đặc biệt kết hợp giữa hai loại bánh ít dẻo và ram giòn, sau khi chấm miếng bánh vào chén nước mắm ớt xanh. Ớt xanh lớn trái là loại ớt ăn giòn hơn, so với ớt đỏ.

Ngoài bánh bèo và bánh ram ít, quán Bánh Bèo Bà Cư chế biến đủ các món bánh đặc sản của Huế, như: bánh bột lọc, bánh nậm; và đặc biệt món chả tôm, món nem lụi, món bún thịt nướng.

Bên trong quán Bánh Bèo Bà Cư. (Hình: Nguyễn Đạt/Người Việt)

Trong cơn hào hứng, và cũng để “chắc bụng” trước khi tạm biệt đất Thần Kinh, chúng tôi gọi thêm tô bún thịt nướng. Trước tô bún thịt nướng thật hấp dẫn của quán Bánh Bèo Bà Cư, đã no ngang bụng rồi, chúng tôi vẫn thấy thèm ăn. Những miếng thịt nướng chín vàng dàn đầy trên mặt tô bún, không miếng thịt nướng nào bị xém cháy đen ở rìa cạnh miếng thịt như thường thấy ở thịt nướng vỉ trên lửa than. Tô bún thịt nướng chỉ với giá 20 ngàn đồng, thật rẻ so với giá tô bún thịt nướng tại Sài Gòn.

Lúc rời quán, chúng tôi chào tạm biệt và nói với chủ quán: “Còn ở Huế, chắc chắn ngày mai chúng tôi lại ghé quán Bánh Bèo Bà Cư. Nhưng sớm mai chúng tôi về Sài Gòn rồi.”

Anh Huy tươi cười, bảo: “Gia đình từ lâu đã mở 2 quán bánh bèo Huế y như vầy, tại Sài Gòn. Mai mốt mời các anh tới, chi nhánh 1, ở hẻm 45C Kỳ Đồng, phường 9, Quận 3; chi nhánh 2, ở số 43 Rạch Bùng Binh, phường 9, cũng thuộc Quận 3, Sài Gòn.” (Nguyễn Đạt)  

Mời độc giả xem chương trình nấu ăn “Cách làm món gà kho gừng”

MỚI CẬP NHẬT