Thursday, March 28, 2024

Báo chí Việt Nam ‘bỏ qua những góc khuất của Vingroup’

HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Cả hai giai phẩm Xuân Kỷ Hợi 2019 của hai tờ báo có nhiều người đọc ở Việt Nam, Tuổi Trẻ và Thanh Niên, đều đăng bài phỏng vấn công phu về tỷ phú Phạm Nhật Vượng.

Đây được cho là lần hiếm hoi ông Vượng xuất hiện trên truyền thông để chia sẻ quan điểm về việc làm giàu và triết lý kinh doanh.

Ông chủ Tập Đoàn Vingroup được tạp chí Forbes công nhận là một trong những người giàu nhất Việt Nam. Tuy vậy, nhân vật này cũng gây nhiều tranh cãi quanh việc làm giàu nhờ các dự án bất động sản, nhưng bị cáo buộc “bắt tay với các nhóm lợi ích” và làm hại môi trường. Năm 2018, Vingroup khiến công luận xôn xao với việc ra mắt xe hơi VinFast và smartphone Vsmart, động thổ xây dựng Đại Học VinUni “phi lợi nhuận, đạt tiêu chuẩn quốc tế.”

Bài trên báo Tuổi Trẻ hôm 12 Tháng Giêng dẫn lời ông Vượng: “Tôi muốn làm sao để đất nước mình được người ta biết đến ở khía cạnh trí tuệ, đẳng cấp… Tôi xây dựng văn hóa của Vingroup đúng ba điểm: một là yêu nước, hai là kỷ luật, ba là văn minh…”

Trong bài phỏng vấn, ông Vượng cũng nói thêm về những đàm tiếu xoay quanh mình: “Hồi ấy, người ta đồn tôi là mafia ở Nga về. Chán không thấy mafia, không thấy chém giết gì thì đồn là buôn ma túy. Xong mãi không thấy manh mối gì thì mới đồn sang cái khoản chết chóc. Mỗi năm dư luận đồn mình chết một lần, thậm chí vài lần…”

Ngay trong hôm 12 Tháng Giêng đã có hàng ngàn lượt share link bài này trên mạng xã hội. Tuy vậy, khác với những người hâm mộ vị tỷ phú, một số blogger là trí thức bày tỏ sự quan ngại về việc báo chí Việt Nam đang tạo dựng hình ảnh hào nhoáng cho ông Vượng mà bỏ qua những “góc khuất” của Vingroup.

Tiến Sĩ Đặng Hoàng Giang, một nhà hoạt động xã hội đang sống ở Hà Nội, bình luận trên trang cá nhân: “Đáng suy nghĩ là bài phỏng vấn của Tuổi Trẻ rất công phu nhưng lại một chiều. Có lẽ chúng ta cũng nên nói tới đảo Hòn Tre ở Nha Trang bị Vingroup xới nát như thế nào, Vinpearl ở giữa rừng quốc gia Phú Quốc đã gây bức xúc trong dư luận ra sao, các cao ốc Vinhomes ở Ba Son của Sài Gòn và Giảng Võ ở Hà Nội đang phá hủy các đô thị này như thế nào?”

“Và có lẽ chúng ta cũng nên nói tới việc những ý kiến phản biện, phê bình, phản đối dự án này hay hoạt động kia của Vingroup, những thứ rất bình thường và cần thiết trong bất kể nền dân chủ và thị trường tự do lành mạnh nào, bị dập tắt ra sao. Một phụ huynh bất bình về chính sách học phí của Vinschool, một nhà bảo tồn động vật yêu cầu minh bạch ở Vinpearl Safari, một kiến trúc sư về quy hoạch đô thị, những người kêu gọi giữ gìn di sản kiến trúc, tất cả đều bị đe doạ, bịt miệng, gây khó dễ. Các tin cháy, nổ, tai nạn liên quan tới Vingroup không bao giờ xuất hiện trên mặt báo, hoặc nhanh chóng bị gỡ xuống. Tinh thần độc tài này là ‘trí tuệ, đẳng cấp’ mà Việt Nam đang muốn chứng minh cho thế giới?” ông Giang viết.

Trong khi đó, giới báo chí suy đoán rằng Vingroup đã phải chi số tiền không nhỏ cho kế hoạch truyền thông dịp Tết để “đi” hai bài phỏng vấn ông Vượng trên ấn phẩm Xuân của tờ Tuổi Trẻ và Thanh Niên. Điều này không có gì lạ vì Vingroup có lẽ là một trong những khách hàng quảng cáo “sộp” nhất của báo chí Việt Nam nên thường được các tòa soạn ưu tiên đăng thông tin quảng bá thương hiệu và tuyệt đối tránh đưa tin bất lợi cho tập đoàn này. (T.K.)

Video: Tin Trong Ngày Mới Cập Nhật

Copyright © 2018, Người Việt Daily News

Lưu ý: Để mở âm thanh, xin bấm vào nút muted icon imagephía góc phải bên dưới của khung video.

MỚI CẬP NHẬT