Friday, March 29, 2024

Bất chấp phản đối, Quốc Hội CSVN thông qua Luật An Ninh Mạng

HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Bất chấp tất cả khuyến cáo và chống đối khắp nơi, Quốc Hội CSVN hôm Thứ Ba, 12 Tháng Sáu, 2018, đã thông qua Luật An Ninh Mạng với chủ đích khống chế hoàn toàn các thông tin “độc hại” cho chế độ.

Dù đã có nhiều luật, nghị định, và các văn bản dưới luật nhằm kiểm soát người dân sử dụng mạng lưới điện tử thông tin toàn cầu để trao đổi, chia sẻ, thông tin, từ chuyện cá nhân đến tin tức thời sự, Quốc Hội “con dấu cao su” của chế độ đã thông qua “Luật An Ninh Mạng” với 7 chương, 43 điều, có hiệu lực thi hành từ 1 Tháng Giêng, 2019.

Luật An Ninh Mạng của chế độ Hà Nội được đặt trong cái khung “về hoạt động bảo vệ an ninh quốc gia và bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trên không gian mạng; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.”

Trong đó, công an CSVN được giao cho cái quyền rất rộng để đòi xóa bỏ nội dung thông tin, dẹp bỏ trang cá nhân trên mạng xã hội qua các áp lực đối với các công ty kinh doanh kỹ thuật toàn cầu như Google, Facebook. Nghiêm trọng hơn, chế độ Hà Nội dùng luật để bỏ tù người dân với những định nghĩa tùy tiện về nói xấu chế độ và các lãnh đạo đảng viên từ trên xuống dưới.

Báo chí chính thống của chế độ khoe rằng Luật An Ninh Mạng đã được thông qua với 423 đại biểu (chiếm 86.86% tổng số đại biểu) tán thành, 15 đại biểu không tán thành (3.08%), 28 đại biểu không biểu quyết (5.75%), trên tổng số 466 “đại biểu tham gia biểu quyết.”

“Đại biểu” Quốc Hội CSVN hầu hết đều là đảng viên của đảng CSVN được nhào nặn ra qua hình thức “đảng cử dân bầu,” phần lớn nắm giữa các chức vụ chính yếu trong đảng và chính quyền từ trung ương tới địa phương. Vừa đánh trống vừa thổi còi nên các màn biểu quyết thông qua, đình hoãn các dự luật, nghị quyết, các “đại biểu nhân dân” chỉ đều làm theo lệnh.

Quốc Hội CSVN thông qua Luật An Ninh Mạng chỉ hai ngày sau khi hàng chục ngàn người dân tại Hà Nội, Sài Gòn, và một số tỉnh thị khác trên toàn quốc đã xuống đường chống “Luật Ðặc Khu Kinh Tế” buộc nhà cầm quyền đưa ra kế hoãn binh, tức dời việc thông qua vào kỳ họp tới, diễn ra trong Tháng Mười với vài sửa đổi thêm nhằm xoa dịu sự phẫn nộ của dân.

Trong các cuộc biểu tình này, một số người cũng đã mang theo các biểu ngữ chống Luật An Ninh Mạng nhưng sự chống đối không đủ mạnh để áp lực được nhà cầm quyền vốn coi sự an nguy, tồn tại của chế độ lên hàng đầu.

Một ngày trước khi Quốc Hội CSVN bấm nút thông qua, gần 80 luật sư tại Việt Nam và 13 tổ chức hội đoàn về viễn thông và công nghệ thông tin tại Việt Nam đã gửi các bức thư kêu gọi Quốc Hội hoãn thông qua Luật An Ninh Mạng. Nhóm luật sư vừa kể cho rằng đạo luật “dễ bị lợi dụng để xâm phạm các quyền con người,” “cản trở tiến bộ xã hội” và “kìm hãm phát triển kinh tế,” “gây hại cho nhà nước pháp quyền” và “phá vỡ nhiều cam kết quốc tế của Việt Nam.”

Logo chống Luật An Ninh Mạng trên mạng xã hội. (Hình: Defense The Defenders)

Điều 16 của Luật An Ninh Mạng liệt kê những điều cấm đoán thông tin trên mạng “có nội dung tuyên truyền chống nhà nước” từng được quy định trong luật hình sự CSVN và được giải thích tùy tiện để bỏ tù người dân. Trong điều này thấy kể ra như “tuyên truyền xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân;

Chiến tranh tâm lý, kích động chiến tranh xâm lược, chia rẽ, gây thù hận giữa các dân tộc, tôn giáo và nhân dân các nước; Xúc phạm dân tộc, quốc kỳ, quốc huy, quốc ca, vĩ nhân, lãnh tụ, danh nhân, anh hùng dân tộc. Thông tin trên không gian mạng có nội dung kích động gây bạo loạn, phá rối an ninh, gây rối trật tự công cộng bao gồm: a) Kêu gọi, vận động, xúi giục, đe dọa, gây chia rẽ, tiến hành hoạt động vũ trang hoặc dùng bạo lực nhằm chống chính quyền nhân dân; Kêu gọi, vận động, xúi giục, đe dọa, lôi kéo tụ tập đông người gây rối, chống người thi hành công vụ, cản trở hoạt động của cơ quan, tổ chức gây mất ổn định về an ninh, trật tự.”

Điều 26 của Luật An Ninh Mạng buộc “doanh nghiệp trong và ngoài nước” có trách nhiệm “xác thực thông tin khi người dùng đăng ký tài khoản số; bảo mật thông tin, tài khoản của người dùng; cung cấp thông tin người dùng cho lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng thuộc Bộ Công An khi có yêu cầu bằng văn bản để phục vụ điều tra, xử lý hành vi vi phạm pháp luật về an ninh mạng.”

Đồng thời các doanh nghiệp trong và ngoài nước phải “ngăn chặn việc chia sẻ thông tin, xóa bỏ thông tin có nội dung quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4 và 5 Điều 16 của luật này trên dịch vụ hoặc hệ thống thông tin do cơ quan, tổ chức trực tiếp quản lý chậm nhất là 24 giờ kể từ thời điểm có yêu cầu của lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng thuộc Bộ Công An hoặc cơ quan có thẩm quyền của Bộ Thông Tin và Truyền Thông và lưu nhật ký hệ thống để phục vụ điều tra, xử lý hành vi vi phạm pháp luật về an ninh mạng trong thời gian theo quy định của chính phủ.”

Và “không cung cấp hoặc ngừng cung cấp dịch vụ trên mạng viễn thông, mạng Internet và các dịch vụ gia tăng cho tổ chức, cá nhân đăng tải trên không gian mạng thông tin có nội dung quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4 và 5 Điều 16 của luật này khi có yêu cầu của lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng thuộc Bộ Công An hoặc cơ quan có thẩm quyền của Bộ Thông Tin và Truyền Thông.”

Điều 26 cũng đòi “doanh nghiệp trong và ngoài nước cung cấp dịch vụ trên mạng viễn thông, mạng Internet và các dịch vụ gia tăng trên không gian mạng tại Việt Nam có hoạt động thu thập, khai thác, phân tích, xử lý dữ liệu về thông tin cá nhân, dữ liệu về mối quan hệ của người sử dụng dịch vụ, dữ liệu do người sử dụng dịch vụ tại Việt Nam tạo ra phải lưu trữ dữ liệu này tại Việt Nam trong thời gian theo quy định của chính phủ. Doanh nghiệp nước ngoài quy định tại khoản này phải đặt chi nhánh hoặc văn phòng đại diện tại Việt Nam.”

Nhiều người đã tố cáo Luật An Ninh Mạng của CSVN rập khuôn theo luật an ninh mạng của Trung Quốc. Luật lệ Trung Quốc siết cổ dân thế nào, CSVN rập khuôn theo như thế.

Khoảng 60 triệu người tại Việt Nam sử dụng Internet qua điện thoại thông minh và hàng triệu người có tài khoản trên mạng xã hội facebook hay các trang mạng xã hội khác, chia sẻ thông tin cá nhân và trao đổi các tin tức, hình ảnh, video clip thời sự.

Nhờ những tin tức, hình ảnh, video clip trên Facebook, YouTube mà người ta trên thế giới được biết thật nhanh chóng các cuộc biểu tình và bạo động xảy ra tại Việt Nam mấy ngày qua. Trước đó là các cuộc biểu tình chống nhà máy luyện thép Formosa ở Hà Tĩnh đầu độc biển miền Trung cũng được phổ biến ngay trên Internet.

Những thứ thông tin “độc hại” “ngoài luồng” này đã bị nhà cầm quyền CSVN ép các công ty Facebook, YouTube xóa bỏ nhưng không chặn hết nổi. Bây giờ, đưa thêm một luật mới về an ninh mạng với những điều khoản gắt gao hơn, bao trùm nhiều hơn, tổ chức Ân Xá Quốc Tế cáo buộc rằng người dân tại Việt Nam “không còn một nơi nào an toàn để có thể phát biểu tự do.”

Năm ngoái, chế độ Hà Nội khoe rằng đã cho thành lập “Lực Lượng 47” với hơn 10 ngàn tay chân chỉ làm nhiệm vụ chống lại các thông tin “ngoài luồng” và “phản động” trên Internet. Trên các trang cá nhân của những người đòi hỏi dân chủ, người ta thấy chen vào đó có những lời bình luận tục tĩu, đe dọa.

Các chính phủ Mỹ, Canada, các tổ chức bảo vệ nhân quyền quốc tế đều lên tiếng khuyến cáo chế độ Hà Nội đừng thông qua Luật An Ninh Mạng, nhưng chẳng có tác dụng. Trong bảng xếp hạng về tự do báo chí, tự do thông tin trên Internet toàn cầu, Tổ Chức Phóng Viên Không Biên Giới luôn luôn xếp hạng Việt Nam ở nhóm chót bảng bên cạnh những nước độc tài, đảng trị, tôn giáo cuồng tín hay quân phiệt như Uzbekistan, Cuba, Iran, Ethiopia, Syria, và Trung Quốc. (TN)

Mời độc giả xem phóng sự “Người dân Little Saigon lên án CSVN cho thuê đất 99 năm”

MỚI CẬP NHẬT