Thursday, March 28, 2024

Bầu lãnh đạo UNESCO: Đại sứ Việt Nam chỉ được 5 phiếu

PARIS, Pháp (NV) – Sau hai vòng bầu cử vào chức tổng giám đốc Tổ Chức Giáo Dục, Khoa Học và Văn Hóa của Liên Hiệp Quốc (UNESCO) ngày 9 và 10 Tháng Mười, đại sứ Phạm Sanh Châu của Việt Nam chỉ được 5/58 phiếu bầu.

Theo AFP, số phiếu bầu của ông Phạm Sanh Châu cùng hạng với ông Qian Tang của Trung Quốc.

Cũng theo hãng tin này, sau hai vòng bỏ phiếu, ứng cử viên Hamad bin Abdulaziz al-Kawari của Qatar tiếp tục giành được số phiếu cao nhất, 20 phiếu (tăng 1 so với vòng đầu). Tiếp theo vẫn là ứng cử viên Pháp, bà Audrey Azoulay, với 13 phiếu. Kế đến là bà Moushira Khattab của Ai Cập với 12 phiếu (tăng 1). Cuối cùng là ứng cử viên Lebanon, bà Vera El Khoury Lacoeuilhe, với 3 phiếu (giảm 5). Riêng ứng cử viên Azerbaijan, ông Polad Bulbuloglu, đã bỏ cuộc.

Trước đó, ở vòng bầu cử đầu tiên hôm 9 Tháng Mười, ông Phạm Sanh Châu chỉ được 2 phiếu và số phiếu bầu của ông “thấp nhất cùng hạng với Azerbaijan,” theo BBC.

BBC cho hay, có bảy ứng cử viên từ các nước Ai Cập, Azerbaijan, Lebanon, Pháp, Qatar, Trung Quốc và Việt Nam ứng cử vào chức tổng giám đốc UNESCO.

Đây là lần đầu tiên Việt Nam đề cử người tham gia tranh cử chức vụ này.

Với số phiếu này của ông Phạm Sanh Châu, bản tin Thông Tấn Xã Việt Nam viết: “Vòng bỏ phiếu đầu tiên bầu cử tổng giám đốc UNESCO đã diễn ra vào cuối buổi họp ngày 9 Tháng Mười của Hội Đồng Chấp Hành UNESCO, với kết quả bất ngờ ngoài dự đoán của dư luận quốc tế. Như vậy, không có ứng cử viên nào đạt được đa số quá bán (30/58 phiếu) và Hội Đồng Chấp Hành sẽ tiếp tục bỏ phiếu vòng 2.”

“Theo ý kiến của nhiều chuyên gia, kết quả vòng 1 chưa phản ánh sát tình hình thực tế mà chỉ là vòng thăm dò giữa các nước. Cuộc cạnh tranh với kết quả rượt đuổi đến phút chót đã từng diễn ra trong cuộc bầu cử tổng giám đốc UNESCO nhiệm kỳ 2009-2013. Thời kỳ đó có chín ứng cử viên đến từ năm khu vực địa lý ra tranh cử. Cuộc tranh cử đã trải qua năm vòng và từ vòng 3 trở đi các ứng cử viên có ít phiếu hơn đã rút để đánh đổi phiếu với các ứng cử viên ở nhóm đầu,” hãng tin này cho biết.

“Bước sang vòng 4, ứng cử viên Áo rút và số phiếu được chia đều cho Ai Cập và Bulgaria là 29:29. Tại vòng 5, bà Irina Bokova, ứng cử viên Bulgaria, đã vượt qua ứng cử viên Ai Cập và giành 31 phiếu để trở thành tổng giám đốc UNESCO nhiệm kỳ 2009-2013,” hãng tin này cho hay.

Đại Sứ Phạm Sanh Châu (thứ ba, phải) tại buổi phỏng vấn cho vị trí tổng giám đốc UNESCO ngày 27 Tháng Tư. (Hình: Facebook SanhChau Pham)

Theo BBC, tổng giám đốc hiện tại, bà Irina Bokova sẽ nhượng chức sau khi hoàn thành hai nhiệm kỳ bốn năm vào Tháng Mười Một tới.

Từ khi thành lập cho đến nay, UNESCO đã có 10 tổng giám đốc.

Trong cuộc bầu cử lần thứ 11 nhằm lựa chọn người đứng đầu tổ chức này trong nhiệm kỳ bốn năm (Tháng Mười Một, 2017, đến Tháng Mười Một, 2021), đã có chín ứng cử viên nộp hồ sơ. Tuy nhiên, sau vòng phỏng vấn, hai ứng cử viên của Iraq và Guatemala xin rút.

Thông Tấn Xã Việt Nam cho hay, trong khuôn khổ Khóa Họp Hội Đồng Chấp Hành UNESCO 202 (từ 4 đến 18 Tháng Mười), 58 quốc gia thành viên sẽ bỏ phiếu kín bầu tổng giám đốc UNESCO.

Theo đó, bầu cử bắt đầu vào cuối ngày họp 9 Tháng Mười. Nếu không đạt được đa số quá bán (30/58) các vòng bầu cử sau sẽ diễn ra vào cuối ngày họp tiếp theo.

Tuy nhiên, bầu cử chỉ bỏ phiếu đến vòng thứ 5 để chọn ứng cử viên thắng cuộc. Nếu đến vòng thứ 4 mà chưa có ứng cử viên đạt quá bán thì chỉ hai ứng cử viên có số phiếu cao nhất sẽ được vào vòng 5 – vòng cuối cùng để chọn một người.

Trong trường hợp tại vòng 5 cả hai ứng cử viên có cùng số phiếu thì chủ tịch Hội Đồng Chấp Hành sẽ bốc thăm chọn ứng cử viên duy nhất. Đại Hội Đồng UNESCO sẽ xem xét thông qua ứng cử viên duy nhất được Hội Đồng Chấp Hành UNESCO giới thiệu vào khóa họp Tháng Mười Một, 2017.

Theo BBC, hồi Tháng Tư, báo chí Việt Nam đồng loạt đưa tin về Việt Nam có một ứng cử viên vào vị trí tổng giám đốc UNESCO. Truyền thông trong nước đánh giá cao phần trả lời của ông Phạm Sanh Châu trong phần phỏng vấn ứng tuyển.

Tuy nhiên, phần dự thi của ông được nhiều cư dân mạng chú ý hơn về chuyện có sản phẩm đồ uống của một doanh nghiệp Việt Nam được đặt trên bàn, bên cạnh chai nước mà ban tổ chức đã chuẩn bị sẵn cho các ứng viên.

Theo báo điện tử Dân Trí, ông Châu giải thích rằng ông “muốn giới thiệu cái gì đó của Việt Nam trong phần thi nhưng khó chọn quá.”

“Đầu tiên ông định chọn áo dài truyền thống nhưng không được phép vì ban tổ chức cho rằng nó sẽ tạo ra ấn tượng quá nổi bật. Cuối cùng ông chọn hai chai nước trà xanh và trà thanh nhiệt ông mang theo trong suốt chuyến công tác,” báo Dân Trí viết.

Theo báo Người Lao Động, ông Phạm Sanh Châu hiện là trợ lý bộ trưởng Bộ Ngoại Giao, đặc phái viên của thủ tướng Việt Nam về các vấn đề UNESCO, tổng thư ký Ủy Ban Quốc Gia UNESCO của Việt Nam.

Đại Sứ Phạm Sanh Châu sinh năm 1961 tại Miến Điện. Ông bắt đầu vào ngành ngoại giao từ năm 1983-1984, ông từng giữ cương vị đại sứ Việt Nam tại Bỉ, Luxembourg… Năm 1999-2003, ông là người trẻ tuổi nhất được bổ nhiệm làm đại sứ, trưởng phái đoàn thường trực Việt Nam bên cạnh UNESCO, Paris, Pháp. (Q.D.)

Nghi can Đoàn Thị Hương thực tập tại phi trường hai ngày trước khi ám sát ông Kim Jong Nam

MỚI CẬP NHẬT