Saturday, April 20, 2024

Bến Tre bỏ dán niêm phong xe hơi đi qua tỉnh sau khi bị chỉ trích

BẾN TRE, Việt Nam (NV) – Hôm 16 Tháng Mười, ông Lê Đức Thọ, bí thư Tỉnh Ủy Bến Tre, loan báo bãi bỏ quy định dán niêm phong cửa “để phòng dịch” do gây tranh cãi về việc “coi thường ý thức của người dân.”

Trước đó, các hình ảnh lan truyền trên mạng xã hội cho thấy toàn bộ xe hơi hướng từ tỉnh Tiền Giang đổ dốc cầu Rạch Miễu vào địa bàn tỉnh Bến Tre, khi đến chốt kiểm soát cầu Rạch Miễu thì bị người trực chốt dán giấy niêm phong vào cửa.

Mọi xe hơi đi ngang qua tỉnh Bến Tre đều bị dán niêm phong cửa xe như thế này. (Hình: Pháp Luật TP.HCM)

Theo báo Pháp Luật TP.HCM, biện pháp nêu trên “là nhằm tránh tình trạng tài xế, người trên xe hơi khai báo đi địa phương khác nhưng dừng và xuống xe ở Bến Tre.”

Tờ báo cũng dẫn biện hộ của ông Trần Ngọc Tam, chủ tịch tỉnh Bến Tre: “Tỉnh không chỉ đạo việc dán tem niêm phong cửa xe hơi khi xe đi ngang qua địa bàn tỉnh. Việc này do lực lượng công an làm nhiệm vụ tại chốt kiểm soát ‘sáng tạo ra,’ khi phát hiện tỉnh đã chỉ đạo chấn chỉnh và cho dừng ngay việc này.”

Còn theo báo Người Lao Động, quãng đường từ đầu tỉnh Bến Tre qua tỉnh khác chỉ mất 15, 20 phút nên không quá dài và “không ảnh hưởng đến việc đi vệ sinh đột ngột của người trên xe.”

Tuy Bến Tre đã bỏ vụ dán niêm phong cửa xe, nhưng tại Bình Phước, biện pháp này vẫn đang được áp dụng với những xe hơi đi ngang qua tỉnh.

Tờ Lao Động hôm 16 Tháng Mười bình luận: “Chúng ta từng chứng kiến những quy định lệ làng kiểu ‘phiếu cắt cỏ,’ chuyện đi biển ngày chẵn/lẻ, tấm giấy ‘đi đường phải lên phường,’ hay biện pháp khóa trái cửa nhà các F1… Nhưng xem ra, tư duy ‘zero COVID’ vẫn còn quá nặng nề mà cái phiếu niêm phong chỉ là một ví dụ. Với tư duy bị trói như thế này, rồi có lúc người ta sẽ buộc tháo cả chân chống xe máy để dân không thể dừng lại nếu ngang qua địa bàn?”

Một xe hơi đi ngang qua tỉnh Bến Tre bị dán niêm phong cửa xe. (Hình: Pháp Luật TP.HCM)

Cùng thời điểm, nhà báo Tâm Chánh, cựu tổng biên tập báo Sài Gòn Tiếp Thị, chia sẻ trên trang cá nhân: “Cuộc chống dịch vừa qua kích hoạt đủ thứ kiểu âm binh khi nền tảng pháp quyền suy yếu. Bản năng thư lại, sai nha của nhà nước chỉ huy, bao cấp sống dậy muôn hình vạn trạng. Không có sự thống nhất quốc gia dựa trên pháp quyền thì cả tháng trời lệnh của thủ tướng phải thông lộ, thông chốt còn phải trầy trật lắm mới có thể ‘đi vào cuộc sống.’ ‘Trên bảo dưới không nghe’ là bản năng cai trị vô pháp.”

Cũng theo ông Tâm Chánh, đại dịch COVID-19 “làm bộc phát một thực trạng còn khủng khiếp hơn cả cơn dịch: Bộ máy chính trị chưa có vaccine pháp quyền.” (N.H.K) [qd]

MỚI CẬP NHẬT