Thursday, March 28, 2024

Bị tù oan, chết đã 5 năm, mới được công an xin lỗi

BẮC GIANG, Việt Nam (NV) – Công an đem giấy thông báo “Đình chỉ điều tra” đến cho một người đã chết cách đây 5 năm ở Bắc Giang, trong khi có tin một gia đình có 8 người bị tù oan ở Tây Ninh.

Một số báo tại Việt Nam cho hay đại diện công an tỉnh Bắc Giang đã đến nhà ông Mưu Quý Sường để trao giấy “Đình chỉ điều tra” và tổ chức xin lỗi công khai đã quy chụp cho ông tội giết vợ trong một vụ án từ 40 nước trước, bỏ tù ông dù không có phiên tòa nào được mở ra xử ông về tội giết người.

Sự oái oăm là ông Sường đã qua đời từ năm 2013 vì bệnh ung thư. Trước đó, ông đã đi kêu oan khắp nơi không có kết quả. Ông dặn dò con và bà vợ kế “tiếp tục kêu oan và mong có ngày con cháu không phải mang tiếng với người đời.”

Theo hồ sơ vụ án, VNExpress thuật lại tóm tắt, “Tháng Chín, 1977, thi thể vợ ông Sường được phát hiện ở con suối gần nhà. Gia đình cho rằng bà bị ngã trong lúc đi qua cầu tre ra đồng. Gia đình chưa kịp tổ chức đám tang thì ông Sường bị công an bắt vì nghi giết vợ, dựng hiện trường giả.”

“Ông Sường bị giam hơn 7 năm và không có phiên tòa nào được mở. Trong thời gian này, trong buồng giam xảy ra vụ phạm nhân đánh nhau và ông bị phạt bốn năm tù. Thụ án xong hình phạt này, ông Sường được về nhà sau hơn 11 năm bị bắt.”

Ông liên tục kêu oan sau đó rồi qua đời do tuổi già và mắc ung thư các đây 5 năm. Đến bây giờ, cái tờ giấy vô dụng “Đình chỉ điều tra” của công an tỉnh Bắc Giang mới xác định hành vi “không cấu thành tội phạm giết người” của ông Mưu Quý Sường.

Công an CSVN luôn luôn có thói quen tra tấn nhục hình nghi can để ép nhận tội. Mỗi năm đều có hàng chục người chết vì bị tra tấn ép cung chỉ vài giờ hay một hai ngày vừa bị bắt. Nhiều người bị tra tấn khủng khiếp quá đã đành nhận tội giết người và bị kết án tử hình. Những năm gần đây, một số trường hợp được luật sư và gia đình ráo riết kêu cứu mới được giải oan nhưng một số trường hợp vẫn còn đang chờ bị hành hình như Hồ Duy Hải.

Các chứng cứ từ dấu vân tay, vật chứng đến nhân chứng đều xác định Hồ Duy Hải không phải là thủ phạm nhưng anh ta vẫn đang chờ bị hành quyết không biết lúc nào. Mẹ của Hồ Duy Hải kiên nhẫn mang đơn kêu oan cho con đi gõ khắp các cửa nhưng chưa thấy kết quả gì chắc chắn.

Trong khi công an Bắc Giang tổ chức “xin lỗi” một người đã bị bỏ tù oan ở Bắc Giang dù ông ta đã chết được 5 năm, thì tại Tây Ninh, tờ Người Lao Động cho hay một gia đình có 8 người đã bị bỏ tù oan mà chỉ có 1 trong 8 người bị giam oan được bồi thường với số tiền ít ỏi sau khi được “đình chỉ điều tra vụ án.”

Ông Nguyễn Văn Dũng (thứ tư, từ trái sang) và người thân trình bày vụ việc với phóng viên báo Người Lao Động. (Hình: Người Lao Động)

Theo ông Nguyễn Văn Dũng ở xã Phước Thạnh, huyện Gò Dầu, tỉnh Tây Ninh, kể lại trên tờ Người Lao Động (NLĐ), “Tháng Bảy, 1979, ông từ chiến trường Cambodia về nước kết hợp thăm gia đình. Được ít ngày, ông Dũng bị lực lượng chức năng xã Đôn Thuận (huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh) bắt vì nghi cướp tài sản.”

Khoảng thời gian đó xảy ra vụ cướp có võ khí tại nhà ông Nguyễn Văn Dơ (ấp Bùng Binh, xã Đôn Thuận). “Do ông Dơ báo trong đám cướp ngoài súng M16, súng ngắn còn có con dao trắng thường sử dụng bán bánh mì. Nghi vấn Hồ Long Chánh có con dao loại này, công an bắt ngay Chánh để điều tra. Chánh khai thêm Nguyễn Văn Dũng, Nguyễn Văn Chiến (anh ruột ông Dũng), Nguyễn Thành Nghị và Nguyễn Văn Dũng (con ông Nghị). Chính quyền xã đã bắt tiếp số người này,” NLĐ thuật lại theo lời kể.

Tờ NLĐ kể tiếp: “Sau khi bị đưa về công an huyện và bị dùng nhục hình buộc phải nhận tội cướp tài sản đem về cho vợ con họ cất giấu, cơ quan điều tra lại bắt tiếp bà Nguyễn Thị Ngọc Lan (chị ông Dũng), Nguyễn Thị Lan (vợ ông Chiến) cùng Nguyễn Thị Kim Chung (con ông Chiến, lúc đó được 2 ruổi rưỡi), Võ Thị Thương (vợ ông Nghị) và cũng dùng nhục hình buộc họ phải nhận có cất giấu tài sản cướp được. Tuy nhiên, nhiều lần đến kiểm tra, công an không thu được gì là tang vật của vụ án nên ngày 11 Tháng Năm, 1983, VKSND tỉnh Tây Ninh đình chỉ điều tra vụ án.”

Sau khi có “Quyết định đình chỉ điều tra,” ông Dũng “gõ cửa khắp nơi từ địa phương lên trung ương để kêu oan.” Mãi đến Tháng Tư, 2017, VKSND tỉnh Tây Ninh mới mời ông Dũng lên làm việc liên quan đến việc bồi thường nhưng “chỉ đồng ý bồi thường với số tiền gần 600 triệu đồng.”

Ngoài ông Dũng, tất cả những người khác đều không được bồi thường gì dù bị khiếu nại.

“Tôi bị bắt giam oan, bị dùng nhục hình để buộc nhận tội. Danh dự nhân phẩm của tôi bị chà đạp, gia đình ly tán, mất cơ hội làm quân nhân, công dân tốt. Thế nhưng, sau khi được giải oan và hơn 34 năm gõ cửa khắp nơi, tôi chỉ nhận được chừng đó tiền. Họ còn nói chỉ bồi thường nhiêu đó, nếu không đồng ý thì kiện ra tòa,” ông Nguyễn Văn Dũng được tờ Người Lao Động dẫn lại lời nói. (TN)

Hãng VietJet sẽ bị phạt vì người mẫu mặc bikini đón cầu thủ U-23 Việt Nam

MỚI CẬP NHẬT