Friday, March 29, 2024

Nhiều tỉnh thành Việt Nam đua nhau mua vaccine COVID-19

SÀI GÒN, Việt Nam (NV) – Thủ tướng CSVN đã đồng ý với đề nghị của một số tỉnh như Hà Nội, Hải Phòng… về việc mua vaccine COVID-19 theo phương thức dùng ngân sách và tiền “xã hội hóa.”

Báo VNExpress cho biết theo chỉ đạo của ông Nguyễn Xuân Phúc, thủ tướng CSVN, chiều 25 Tháng Hai, Văn Phòng Chính Phủ CSVN cho hay đầu mối thực hiện mua, nhập cảng, tiếp nhận viện trợ, tài trợ… là Bộ Y Tế và Văn Phòng Chính Phủ. Bộ Y Tế và Bộ Ngoại Giao phối hợp “tiếp cận nguồn cung vaccine.”

Lô vaccine đầu tiên về Việt Nam hôm 24 Tháng Hai, tại phi trường Tân Sơn Nhất, Sài Gòn. (Hình: Hữu Khoa/VNExpress)

Cùng lúc, Hội Đồng Tư Vấn cấp “Giấy đăng ký lưu hành thuốc” đề nghị Bộ Y Tế phê duyệt vaccine COVID-19 của Moderna (Mỹ), và Sputnik V (Nga), để đưa về Việt Nam sử dụng cho nhu cầu cấp bách phòng, chống dịch bệnh. Nếu được duyệt, đây sẽ là vaccine COVID-19 thứ hai và thứ ba được Việt Nam phê duyệt, sau vaccine AstraZeneca (Anh).

Trước đó, Hải Phòng đề nghị mua vaccine cho hơn 2 triệu người dân. Đến đầu Tháng Hai, Thành Ủy Hà Nội cũng tuyên bố sẽ mua 15 triệu liều vaccine COVID-19 chích cho người dân bằng nguồn vốn từ ngân sách và “các nguồn vốn hợp pháp” khác. Các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương… cũng đã có động thái tương tự.

Thông tin lô 117,600 liều vaccine COVID-19 đầu tiên do công ty Vaccine Việt Nam (VNVC) nhập về Việt Nam khiến hàng loạt các doanh nghiệp lớn của Việt Nam dồn dập công bố sẽ ghi danh mua về chích cho cán bộ, nhân viên cũng như gia đình của họ.

Thế nhưng, phía VNVC chỉ tiếp nhận thông tin ghi danh từ phía doanh nghiệp mà không có phản hồi chính thức rằng “Có mua được hay không, thời gian bao lâu sẽ có và mua được bao nhiêu liều?”

Trước áp lực của công luận, VNVC cho biết: “Hiện nay, vaccine đang khan hiếm nên phía VNVC vẫn ưu tiên cho các đối tượng mà chính phủ quy định. Không những thế, hiện vaccine còn bị chính phủ điều tiết.”

Trả lời báo Thanh Niên về việc có cách ly người đã được chích vaccine COVID-19 hay không ông Trần Đắc Phu, chuyên gia Ban Chỉ Đạo Quốc Gia Phòng, Chống Dịch COVID-19, cho biết: “Thông thường, sau chích vaccine phòng COVID-19 15 ngày, cơ thể sẽ có miễn dịch, chống lại virus và nồng độ cao hơn sau khi chích mũi thứ hai. Thế nhưng, mức độ bảo vệ trong thời gian bao lâu thì cần có thêm thời gian. Hiện tại, Việt Nam vẫn thực hiện cách ly với tất cả người nhập cảnh, chưa có quy định riêng với các trường hợp đã được chích vaccine COVID-19.”

Theo ông Phu, để có miễn dịch chủ động cộng đồng thì phải bao phủ vaccine khoảng từ 60% tới 70% dân số; và trong kế hoạch, Việt Nam cũng hướng đến 80% dân số được chích ngừa. Tuy nhiên, trong khi việc chích ngừa chưa hẳn đã có miễn dịch ngay sau khi chích hoặc đề phòng sự biến thể của virus khiến vaccine vừa được chích không có tác dụng.

Hải Dương vẫn là tỉnh ghi nhận có ca mắc COVID-19 nhiều nhất trong đợt dịch này tại Việt Nam. (Hình: Thạch Thảo/Zing)

Theo báo VNExpress, tính đến chiều tối 26 Tháng Hai, Bộ Y Tế CSVN đã ghi nhận thêm sáu ca mới, trong đó có bốn lây nhiễm cộng đồng đều ở Hải Dương, hai ca từ Cambodia về, đặc biệt có một phụ nữ 24 tuổi đã nhập cảnh trái phép vào Việt Nam qua đường mòn, lối mở về huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp, nâng tổng số người nhiễm COVID-19 ở Việt Nam lên 2,426 người.

Như vậy, chín tỉnh qua 14 ngày không có ca nhiễm cộng đồng. Từ hôm 28 Tháng Giêng đến 26 Tháng Hai, Bộ Y Tế đã ghi nhận 831 ca nhiễm cộng đồng ở 13 tỉnh thành gồm Hải Dương (647), Quảng Ninh (61), Sài Gòn (36), Hà Nội (36), Gia Lai (27), Bình Dương (6), Bắc Ninh (5), Hải Phòng (4), Điện Biên (3), Hòa Bình, Hưng Yên, Bắc Giang mỗi nơi hai và Hà Giang một ca. (Tr.N) [qd]

MỚI CẬP NHẬT