Friday, March 29, 2024

Các tỉnh miền Trung ‘tố’ trung ương dự báo thời tiết sai

MIỀN TRUNG, Việt Nam (NV) – Trong khi dân các tỉnh miền Trung Việt Nam tiếp tục phải chịu đựng thiệt hại của trận bão Damrey (bão số 2) do thiên tai và “nhân tai” hợp tác gây ra, thì chính quyền địa phương và trung ương vẫn cãi nhau về dự báo thời tiết.

Theo báo Người Lao Động, ông Nguyễn Trọng Tùng, giám đốc Sở Nông Nghiệp-Phát Triển Nông Thôn, phó Ban Chỉ Đạo Phòng Chống Thiên Tai và Tìm Kiếm Cứu Nạn tỉnh Phú Yên, tố cáo trong cuộc họp ở địa phương là: “Trung ương chỉ báo Bắc Bình Thuận đến Nam Phú Yên, nhưng bão vào chính xác ranh giới giữa Phú Yên và Khánh Hòa. Trung ương nhận định tình hình cơn bão như thế là chưa chính xác.”

Ông Bùi Thanh Toàn, bí thư Huyện Ủy Đông Hòa, tỉnh Phú Yên, cho rằng cần chấn chỉnh công tác dự báo bão. “Cứ nói bão vào ở vùng biển Khánh Hòa-Ninh Thuận. Phải nói là vùng biển Phú Yên-Khánh Hòa mới đúng. Dự báo bão số 12 vừa rồi là rất không chính xác,” ông phản ứng.

Ông cho hay, huyện Đông Hòa gần như nằm trong tâm bão. Tính đến thời điểm này, đã có 30 ngôi nhà ở Đông Hòa bị sập đổ hoàn toàn.

Còn ông Huỳnh Tấn Việt, bí thư Tỉnh Ủy Phú Yên, được báo Người Lao Động thuật lời khẳng định: “Bão vào Phú Yên lúc 2 giờ sáng. Đây là cơn bão lớn nhất từ trước đến nay.” Nghĩa là trước thời điểm ông Nguyễn Xuân Cường, trưởng Ban Chỉ Đạo Trung Ương Về Phòng Chống Thiên Tai, bộ trưởng Bộ Nông Nghiệp-Phát Triển Nông Thôn, nói đến 4 giờ đồng hồ.

Trước đó, báo Người Lao Động thuật lời ông Nguyễn Xuân Cường khẳng định: “Trong cơn bão số 12, Trung Tâm Dự Báo Khí Tượng Thủy Văn Trung Ương đã dự báo rất sát và chính xác.”

Tính đến ngày 6 Tháng Mười Một, theo Ủy Ban Tìm Kiếm và Cứu Nạn Việt Nam, hậu quả của trận bão Damrey ở miền Trung Việt Nam là 61 người chết và 28 người còn mất tích.

Điều đáng nói, khi mưa lũ đi theo cơn bão Damrey làm mực nước tại các hồ thủy điện lên mức nguy hiểm, buộc họ phải hối hả xả lũ,nên các tỉnh vùng hạ du từ Thừa Thiên-Huế kéo dài đến Phú Yên bị ngập lụt, đường sắt Bắc Nam bị hư hại và nhiều khu vực bị cô lập, mất điện.

Theo các con số thiệt hại tài sản được hãng tin AFP thuật lại, hơn 2,000 ngôi nhà bị sập đổ và hơn 80,000 ngôi nhà bị hư hại. Nhiều đoạn đường lộ bị nước lũ cuốn trôi làm cho việc đi lại bị gián đoạn tại nhiều tỉnh.

Cá chết trắng bè của gần 50 gia đình nuôi bè tại xã Quảng Phú, huyện Quảng Điền, từ đêm ngày 5 đến sáng ngày 6 Tháng Mười Một vì ba đập thủy điện xả lũ. (Hình: Dân Trí)

Nhưng báo VNExpress thuật theo tin từ Ban Chỉ Đạo Trung Ương Về Phòng Chống Thiên Tai nói: “Mưa bão cũng làm sập trên 1,300 ngôi nhà, gần 115,000 nhà tốc mái, hư hại; gần 1,300 tàu cá bị chìm, hư hỏng. 10 tàu vận tải (101 thuyền viên) bị chìm, hư hỏng trên khu vực phao số 0 và cảng Quy Nhơn (đã cứu vớt được 88 người, 4 người chết và 9 người mất tích).”

Theo báo này, đoạn đường sắt qua đèo Cả (Phú Yên) bị sụt trượt lớn nên khách đi tàu Bắc Nam sẽ được chuyển tải qua đây bằng đường bộ. Trong ba ngày tới, hành khách đi tàu Bắc Nam sẽ được chuyển tải bằng đường bộ giữa hai ga Hảo Sơn và ga Đại Lãnh dài 11 km trong khi tiến hành sửa chữa.

Báo mạng này cũng cho hay: “Tại cuộc họp sáng Thứ Hai, 6 Tháng Mười Một, Ban Chỉ Đạo Trung Ương Về Phòng Chống Thiên Tai cho hay đến 6 giờ cùng ngày 41 hồ thủy điện đang xả lũ. Các hồ đều vận hành đúng quy trình, không có sự cố công trình hồ đập.”

Các báo tại Việt Nam cố ý viết riêng rẽ những thiệt hại do lũ lụt mà không hề động chạm gì đến việc thủy điện ồ ạt xả lũ giữ an toàn cho đập nhưng lại hại dân.

Trên báo Dân Trí hôm Thứ Hai cho hay: “Khoảng vài trăm tấn cá đã chết nổi trên các bè cá, nhân lên thì ước tính thiệt hại từ 16 đến 18 tỷ đồng. Nhiều người dân đã khóc nức nở khi thấy cá chết bất ngờ.”

Các loại cá rô phi, cá điêu hồng nuôi bè trên sông Bồ của gần 50 hộ dân xã Quảng Phú, huyện Quảng Điền (Thừa Thiên-Huế) chết từ đêm ngày 5 đến sáng ngày 6 vì ba đập thủy điện ở thượng nguồn xả lũ. Mỗi bè có từ bảy đến 10 ô nuôi cá được làm bằng lưới, thống kê có 182 ô trên tổng số 220 ô nuôi cá của người dân bị chết sạch.”

Ngay trên sông Bồ nhưng có tới ba đập thủy điện gồm A Roàng công suất 7.2 MW, thủy điện A Lưới công suất 170 MW, thủy điện Hương Điền công suất 81 MW. Chính vì vậy, báo này thuật lời một người địa phương cho hay: “Cá đang gần mùa thu hoạch do bị nước lũ đẩy mạnh làm các lưới ở ô dồn cá vào một nơi gây ngộp thở và vỡ nội tạng.”

Các thành phố và huyện thị từ Thừa Thiên-Huế, Quảng Nam, Hội An đến Phú Yên vẫn đang bị ngập lụt nặng vì thủy điện tiếp tục xả lũ. (TN)

Mời độc giả xem phóng sự đặc biệt “Sài Gòn, nơi tổng thống Mỹ ghé thăm: Nhà hàng Tib”

MỚI CẬP NHẬT