Saturday, April 20, 2024

Cận Tết, dân miền Tây lo sông ‘ngoạm’ mất nhà, nước mặn vào vườn

ĐỒNG THÁP, Việt Nam (NV) – Người dân miền Tây đang lo lắng trước tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn và sạt lở gia tăng đe dọa nhiều nơi trong những ngày Tết Nguyên Đán cận kề.

Báo Người Lao Động cho hay những ngày này người dân xã Tân Nhuận Đông, huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp, vừa bận thu hoạch nông sản bán Tết Nguyên Đán Tân Sửu, vừa sống trong tâm trạng bất an, bởi vì hậu quả của vụ sạt lở đoạn đường hơn 50 mét ở ven khúc sông đoạn Nha Mân-Phú Long, khiến 11 gia đình với 24 người phải di tản khẩn cấp hồi cuối năm 2020.

Sạt lở bờ sông tại thị trấn Trà Ôn, huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long, khiến nhiều gia đình mất nhà, đất. (Hình: Ca Linh/Người Lao Động)

Ông Phạm Văn Thạnh (ở ấp Tân Hòa, xã Tân Nhuận Đông) cho biết: “Hiện tượng sụt lún, sạt lở tại đây xuất hiện từ từ. Sau khi làm đường thì một số đoạn bị rạn nứt nhỏ, sau đó lan rộng ra rồi đất sụp xuống, có đoạn sụp từ 3 đến 4 tầng đất.”

Bà Nguyễn Thị Bé Hai (ở ấp Tân Hòa, xã Tân Nhuận Đông) cho biết thêm khi chưa xảy ra tình trạng sạt lở, người dân có thể dễ dàng vận chuyển nông sản đi bán. Còn bây giờ đường sụp lở, xe cộ đi lại khó khăn nên người dân phải chia nhỏ hàng hóa mang ra đường lớn giao cho thương lái nên chi phí đội lên rất nhiều.

“Sạt lở là điều không ai muốn, nhưng do đây là tuyến đường chính nên người dân bây giờ chỉ mong nhà nước sớm làm lại bờ kè để bà con yên tâm. Nếu sạt lở lớn dần thì sẽ không còn con đường nào để chở hàng Tết ra chợ,” bà Hai nói.

Trong khi đó liên tục mấy ngày qua, bà Nguyễn Thị Tách (ở khu 1, thị trấn Trà Ôn, huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long) phải sang nhà người thân ở nhờ vì nhà bà đang nằm sát bên miệng “hà bá.”

Tại đây vừa xảy ra một vụ sạt lở dài 70 mét, ăn sâu vào trong khoảng 10 mét đến tận mép nhiều ngôi nhà ngay khu vực chuẩn bị làm bờ kè đoạn sông Trà Ôn.

“Tôi đang ở trong nhà thì nghe nhiều người hô hoán, chạy ra xem thì thấy đất sạt xuống sông ‘ngoạm’ vào sát hiên nhà. Như vầy thì làm sao chúng tôi dám ở nhà chuẩn bị đón Tết,” bà Tách lo lắng nói.

Không chỉ sạt lở khắp nơi mà nạn hạn hán và xâm nhập mặn cũng đang khiến giới hữu trách và người dân miền Tây bất an trong những ngày cận Tết.

Báo Tuổi Trẻ dẫn lời ông Hoàng Phúc Lâm, phó giám đốc Trung Tâm Dự Báo Khí Tượng Thủy Văn Quốc Gia, dự báo từ ngày 11 đến 20 Tháng Giêng, ở Đồng Bằng Sông Cửu Long mặn xâm nhập với “xu thế tăng dần” và đạt mức cao nhất vào ngày 14 đến 16 Tháng Giêng, sau đó giảm chậm.

“Dự báo mặn xâm nhập vùng này trong mùa khô năm 2020-2021 ở mức cao hơn trung bình nhiều năm, nhưng ‘không nghiêm trọng như mùa khô năm 2019-2020.’ Các đợt mặn xâm nhập cao nhất ở cửa sông Cửu Long có khả năng tập trung trong Tháng Hai, Tháng Ba…,” ông Lâm cho biết.

Tại hai đầu sạt lở ở xã Tân Nhuận Đông, huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp, tiếp tục xuất hiện nhiều vết nứt. (Hình: TD/Lao Động)

Ông Nguyễn Ngọc Nhân (ở xã Bình Hòa Phước, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long) cho biết hồi thời điểm cận Tết năm 2020, ông nghĩ nước mặn không vào tới nên không chủ động trữ nước ngọt. Đến khi bị nước mặn xâm nhập thì đã muộn, tám công chôm chôm Java xuất cảng của gia đình ông bị nhiễm mặn khiến năng suất giảm rất nhiều.

“Nước mặn hiện chưa vào tới xã Bình Hòa Phước, nhưng từ đây đến Tết tôi phải thường xuyên đo độ mặn, theo dõi tin tức trên báo đài để chủ động đối phó. Nếu mặn vào tới huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre, cách chỗ tôi khoảng 14 cây số chỉ 1‰ thôi, tôi cũng sẽ trữ nước ngọt tưới cho vườn chôm chôm, bởi loài cây này chỉ cần độ mặn từ 0.2 dến 0.3‰ cũng ảnh hưởng đến năng suất nếu để lâu ngày,” ông Nhân giải thích.

Theo Bộ Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn, dòng chảy mùa khô năm 2020-2021 từ thượng lưu sông Mê Kông về Đồng Bằng Sông Cửu Long “có khả năng ở mức rất thấp” nên tình trạng xâm nhập mặn năm nay là nghiêm trọng.

Cụ thể từ Tháng Ba đến Tháng Năm, hầu hết các khu vực sẽ bị ảnh hưởng. Nhiều khả năng nước mặn sẽ tấn công sớm, xâm nhập sâu trên diện rộng và kéo dài, gây ảnh hưởng lớn đến sản xuất và sinh hoạt của người dân. Đáng lo ngại là vụ lúa Đông Xuân 2020 – 2021 sẽ bị ảnh hưởng nặng do thiếu nguồn nước ngọt phục vụ sản xuất. (Tr.N) [qd]

MỚI CẬP NHẬT