Monday, April 15, 2024

Cây trái gần bãi xỉ Nhiệt Điện Vĩnh Tân chết hàng loạt

BÌNH THUẬN, Việt Nam (NV) – Nguyên nhân chính dẫn đến hiện tượng cây trôm bị chết ở khu vực thôn Vĩnh Phúc, xã Vĩnh Tân là do bị ngập úng. Đây là khu vực người dân sống chung với bãi xỉ của nhà máy Nhiệt Điện Vĩnh Tân.

Theo báo Pháp Luật TP.HCM, ngày 26 Tháng Giêng, ông Nguyễn Hữu Phước, phó giám đốc Sở Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn tỉnh Bình Thuận, thông tin về việc 13 nhà dân ở sống xung quanh bãi xỉ Nhiệt Điện Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận, được Tổng Công Ty Phát Điện 3 hỗ trợ hơn 120 triệu đồng (hơn $5,283) nhưng được ghi là hỗ trợ do thiên tai, trong khi kết luận là do con người gây ra.

Ông Phước cho biết, nguyên nhân chính dẫn đến hiện tượng cây trôm bị chết ở khu vực thôn Vĩnh Phúc, xã Vĩnh Tân, là do bị ngập úng, không phải do bị nhiễm mặn.

“Nguyên nhân gây ngập úng cục bộ ở khu vực này ngoài lượng mưa gia tăng đột biến, thì điều kiện tiêu thoát nước ở khu vực kém. Hệ thống cống thoát nước bề mặt ngang qua tuyến đường sắt Bắc-Nam không được duy tu bảo dưỡng tốt, cây cối mọc nhiều phía trước miệng cống làm cản trở dòng chảy, giảm năng lực thoát nước,” tin cho hay.

Ngoài ra, theo kết luận của Viện Môi Trường và Tài Nguyên thuộc Đại Học Quốc Gia ở Sài Gòn, do chưa có tuyến kênh thoát lũ ở phía Bắc bãi xỉ nên nước mưa từ trên sườn núi cao đổ xuống không có đường tiêu thoát, bị thấm hết xuống đất làm gia tăng dòng chảy ngầm và mực nước ngầm tầng nông.

Theo báo Pháp Luật TP.HCM, hồi Tháng Hai, 2017, một số nhà dân sinh sống tại khu vực phía Tây Nam bãi thải xỉ nhà máy Nhiệt Điện Vĩnh Tân, phản ảnh về tình trạng cây trồng lâu năm và hoa màu bị chết, nước giếng nhiễm mặn làm ảnh hưởng đến đời sống người dân.

Để xác định nguyên nhân dẫn đến ngập úng, cây chết, nước bị nhiễm mặn, Ủy Ban Nhân Dân tỉnh Bình Thuận đã chọn đơn vị độc lập là Viện Môi Trường và Tài Nguyên thuộc Đại Học Quốc Gia ở Sài Gòn xác định nguyên nhân.

Kết quả khảo sát thực tế kết hợp phân tích bản đồ địa hình đã xác định được khu vực bị ngập úng cục bộ với diện tích khoảng 13.2 hécta. Trong khu vực này, nước thường tồn đọng lại thành từng cụm nhỏ trên bề mặt, mực nước trong các giếng đào đã dâng lên xấp xỉ gần bằng với mặt đất tự nhiên và phần lớn diện tích cây trôm bị thiệt hại đều nằm trong vùng này.

Trong đó đáng chú ý là sự hình thành bãi thải xỉ làm thay đổi địa hình tự nhiên, thay đổi chế độ dòng chảy bề mặt và dòng chảy ngầm ngang qua khu bãi xỉ, dẫn đến sự dồn đọng nước tập trung về khu vực trũng thấp phía Tây bãi xỉ và gây ra ngập úng.

Đặc biệt, về nguyên nhân gây nhiễm mặn đất và nguồn nước ở khu vực xung quanh bãi xỉ hoàn toàn không có nguồn gốc nào từ tự nhiên mà đều do tác động của con người.

Qua các kết quả khảo sát và nghiên cứu, Viện Môi Trường và Tài Nguyên kết luận: “Nguyên nhân chính dẫn đến hiện tượng cây trôm bị chết là do bị ngập úng (dấu hiệu phổ biến là rễ cây bị hư thối), không phải do bị nhiễm mặn.”

Từ kết quả công bố này, Sở Tài Nguyên Môi Trường tỉnh Bình Thuận đề nghị Tổng Công Ty Phát Điện 3 thực hiện các giải pháp để hạn chế tình trạng ngập úng, ngăn ngừa việc nhiễm mặn nước dưới đất, nước mặt trong khu vực, xác định mức độ thiệt hại của người dân trong khu vực bị ảnh hưởng.

Sau đó ủy ban tỉnh Bình Thuận buộc Tổng Công Ty Phát Điện 3 phải hỗ trợ khắc phục thiên tai cho người dân. (Tr.N)

Mời độc giả xem chương trình giáo dục tâm lý “Con cái là quà tặng hay tài sản?”(Phần 2)

MỚI CẬP NHẬT