Thursday, April 18, 2024

Chênh lệch giới tính nghiêm trọng, Việt Nam sắp phải ‘nhập cảng’ cô dâu

HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Việc lựa chọn giới tính trước khi sinh “chuộng trai hơn gái” ở nhiều tỉnh, thành tại Việt Nam đã khiến tình trạng mất quân bình về giới tính thêm sâu sắc, gây hệ lụy tới cấu trúc gia đình và các vấn đề xã hội trong tương lai.

Báo Tuổi Trẻ ngày 19 Tháng Mười Một dẫn số liệu từ Quỹ Dân Số Liên Hiệp Quốc tính toán cho thấy mỗi năm Việt Nam thiếu hụt 40,800 trẻ gái. Tỉ số giới tính khi sinh theo điều tra gần đây nhất ở Việt Nam là cứ 111.5 bé trai chào đời mới có 100 bé gái, trong khi 11 năm trước con số này là 110.6/100, và bình thường dao động ở mức từ 104 đến 106/100. Thậm chí có những tỉnh, thành con số này đang vượt 115/100 và cao hơn.

Có đến 55/63 tỉnh, thành ở Việt Nam có tỉ số chênh lệch giới tính cao khi sinh. (Hình: S.T/Hải Quan)

Cụ thể, theo kết quả điều tra do Tổng Cục Thống Kê tiến hành hồi năm 2019 về tỉ số giới tính khi sinh – SRB (chỉ số phản ánh cân bằng giới tính của số bé trai và bé gái khi được sinh ra) cho thấy SRB của khu vực thành thị thấp hơn nông thôn, tương ứng là 110.8 và 111.8 bé trai/100 bé gái. Các vùng cũng có sự chênh lệch đáng kể, như Đồng Bằng Sông Hồng 115.5 bé trai/100 bé gái, và thấp nhất là ở Đồng Bằng Sông Cửu Long với 106.9 bé trai/100 bé gái.

Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng mất cân bằng giới khi sinh là tập quán ưa thích con trai theo truyền thống Nho Giáo để có con nối dõi, lạm dụng kỹ thuật y học tiến tiến để lựa chọn giới tính khi sinh, chính sách an sinh xã hội chưa đáp ứng được nhu cầu chăm sóc người cao tuổi, cha mẹ khi về già…

Với mức chênh lệch này bắt đầu manh nha từ năm 2005, nên trong tương lai gần Việt Nam sẽ bước vào giai đoạn dư thừa nam giới. Hậu quả nam giới đến tuổi lập gia đình sẽ không có bạn gái/vợ/người yêu, dẫn đến hàng loạt hệ lụy xã hội đã và đang xảy ra do thiếu nữ, thừa nam như ở Trung Quốc, Nam Hàn…

Điều này cũng đồng nghĩa trong 5 đến 10 năm nữa, mỗi năm hơn 40,000 “quý ông” Việt Nam không lấy được vợ mà phải “nhập cảng” cô dâu.

Sau nhiều năm thực hiện kế hoạch hóa gia đình, thực hiện chính sách gia đình ít con, con số mới nhất cho thấy đã có 21 tỉnh, thành ở Việt Nam “đang sinh đẻ ít hơn mức sinh thay thế.” Trong đó có Sài Gòn, nơi đẻ ít nhất ở Việt Nam đã có năm xuống dưới 1.3 con/bà mẹ, thay vì mức hai con/bà mẹ như thông thường.

Chính vì thế để chấn chỉnh, Việt Nam vừa có định hướng mới về dân số mới là khuyến khích 21 tỉnh, thành đẻ ít “cố sinh đủ mức sinh thay thế.”

Theo dự báo mới, dân số Việt Nam sẽ lên mức 104 triệu người vào năm 2030, tăng hơn tám triệu người so với hiện nay. Điều đó cho thấy những lo ngại về việc đẻ ít chưa đáng ngại bằng những vấn đề đang hiện hữu, trong đó có chênh lệch tỉ số giới tính khi sinh.

Rất nhiều thanh niên ở Việt Nam trong thời gian tới sẽ khó kiếm được người yêu, vợ do thiếu phụ nữ. (Hình: Công Triệu/Tuổi Trẻ)

Ngoài tình trạng chênh lệch giới tính, giới chức ngành dân số đang lo ngại những xu hướng mới ở Việt Nam như kết hôn muộn, thậm chí không kết hôn, làm mẹ đơn thân; tình trạng người giàu, có điều kiện chăm sóc trẻ thì ngại đẻ và ngược lại…

Theo kết quả Tổng Điều Tra Dân Số 2019 cho thấy phụ nữ ở Việt Nam có trình độ càng cao, thì mức sinh con càng thấp. Phụ nữ có trình độ sơ cấp có mức sinh cao nhất. Phụ nữ thuộc nhóm “giàu nhất” có mức sinh thấp nhất, còn phụ nữ thuộc nhóm “nghèo nhất” lại có mức sinh cao hơn nhiều mức sinh thay thế. (Tr.N) [qd]

MỚI CẬP NHẬT