Saturday, April 20, 2024

Chỉ số tự do kinh tế của Việt Nam thua cả Lào và Cambodia

WASHINGTON, DC (NV) – Xưa nay, Việt Nam được coi như hơn hẳn Lào và Cambodia về nhiều mặt, nhưng tổ chức Heritage Foundation nói chỉ số tự do kinh tế của Việt Nam thua cả hai quốc gia này.

Ngày 2 Tháng Hai, 2018 vừa qua, tổ chức nghiên cứu Heritage Foundation ở thủ đô Washington, DC, Hoa Kỳ, công bố bản nghiên cứu nhận định chiều hướng và bản chỉ số tự do kinh tế trên thế giới cho năm nay (2018 Index of Economic Freedom).

Trong bản xếp hạng về chỉ số tự do kinh tế của 180 nền kinh tế được tổ chức nghiên cứu, Việt Nam được xếp thứ 141 bên dưới cả Lào và Cambodia.

Tuy cùng nằm trong nhóm những nước có nền kinh tế “phần lớn không tự do” (mostly unfree) nhưng Lào được xếp hạng 138 trong khi Cambodia xếp hạng 101 bên trên cả Trung Quốc (hạng 110).

Cùng nằm trong khu vực Đông Nam Á và thuộc khối ASEAN, ba nền kinh tế được xếp vào nhóm “Tự do kinh tế tương đối” (moderate free) là Philipines (hạng 61), Thái Lan (hạng 52), và Indonesia (hạng 69). Malaysia lại được xếp vào nhóm “Hầu như tự do (Mostly free) với hạng 22 bên trên cả nước Mỹ.

Theo nhận định của Heritage Foundation, có sự tương ứng chặt chẽ giữa tự do kinh doanh và sự thịnh vượng của nền kinh tế. Những dữ kiện họ thu thập được cho thấy người dân càng được tự do kinh doanh bao nhiêu thì sự thịnh vượng giầu có của người ta càng cao, môi trường được bảo vệ tốt đẹp hơn, an toàn thực phẩm, lợi tức đầu người vượt trội, ít hẳn bất ổn xã hội, chính trị so với những nước không có tự do kinh doanh.

Bản xếp hạng chỉ số tự do kinh tế Việt Nam của tổ chức Heritage, Hoa Kỳ. (Hình: Internet)

Trong tất cả các kỳ đại hội đảng 5 năm một lần để lập dàn lãnh đạo mới theo truyền thống “rượu mới bình cũ,” đảng CSVN vẫn nhất quyết nắm giữ quyền độc tôn chính trị và đưa ra đường lối kinh tế đầu ngô mình sở “kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.” Vẫn lấy kinh tế quốc doanh làm “chủ đạo” dù nhìn nhận có nền kinh tế ba thành phần.

Các tập đoàn, tổng công ty và công ty quốc doanh được ưu đãi cấp vốn, tín dụng, nắm giữ phần lớn tài sản quốc gia nhưng phần lớn lại thuộc loại “lãi giả lỗ thật” tức gánh nặng cho nền kinh tế. Theo báo điện từ “Tầm Nhìn” (tamnhin.net) ngày 23 Tháng Chín, 2017, Tiến Sĩ Trần Đình Thiên, viện trưởng viện Kinh Tế Việt Nam, cho rằng “Đóng góp nhiều nhất vào gánh nặng nợ của quốc gia là các doanh nghiệp nhà nước.”

Tuy không phải là nền kinh tế thị trường nhưng từ năm 2007 khi gia nhập Tổ Chức Thương Mại Thế Giới, hàng năm, giới lãnh đạo chóp bu của chế độ Hà Nội đều luôn luôn nài nỉ các quốc gia phương Tây công nhận nền kinh tế của Việt Nam là “nền kinh tế thị trường” để nhờ đó hưởng các ưu đãi thuế quan.

Tháng Chín, 2017, đảng CSVN cử Hoàng Bình Quân, trưởng ban Đối ngoại trung ương, sang Washington, DC vận động với chính phủ Mỹ công nhận nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường.

Trước đó, Tháng Sáu, 2017, khi đến Washington, DC vận động, ông Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã đề nghị này với ông Wilbur Ross, bộ trưởng Thương Mại Mỹ. Thời ông Nguyễn Tấn Dũng khi còn làm thủ tướng cũng đã nhiều lần kêu gọi, nhưng suốt từ đó đến nay vẫn chưa thấy có dấu hiệu gì là Việt Nam được công nhận. (TN)

Mời độc giả xem phỏng vấn “Chàng ăn mày sách với chương trình Sách hóa nông thôn”(Phần 1)

MỚI CẬP NHẬT