Friday, March 29, 2024

Chiến hạm Hoa Kỳ đến gần quần đảo Hoàng Sa

WASHINGTON (NV) – Một khu trục hạm Hoa Kỳ thi hành chương trình “Tự do hải hành” hôm 10 Tháng Mười, 2017, đã di chuyển đến gần quần đảo Hoàng Sa mà Việt Nam tuyên bố chủ quyền nhưng hiện đang bị Trung Quốc chiếm đóng.

Một số viên chức Ngũ Giác Đài không nêu tên nói với các hãng tin CNN và Reuters rằng khu trục hạm USS Chafee thực hiện nhiệm vụ “tự do hải hành” thường xuyên trên các vùng biển quốc tế thuộc trách nhiệm của hạm đội Thái Bình Dương.

Đây là hành động mới nhất mà Hoa Thịnh Đốn đáp trả lại chủ trương của Bắc Kinh giới hạn hoạt động của phi cơ cũng như tàu quân sự của Hoa Kỳ.

Khu trục hạm Chafee thuộc lớp Arleigh Burke trang bị hỏa tiễn tấn công tầm xa tuy không đi vào bên trong phạm vi 12 hải lý của bất cứ đảo nào thuộc quần đảo Hoàng Sa mà Bắc Kinh gọi là “lãnh hải.” Tuy nhiên, giới chức trên nói tàu Chafee cũng đã đi vào bên trong “đường cơ sở thẳng” mà Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền của quần đảo Hoàng Sa.

Chính phủ Hoa Kỳ không công nhận các lời tuyên bố chủ quyền quá đáng của Trung Quốc tại các khu vực Trường Sa và Hoàng Sa nên thỉnh thoảng vẫn cho chiến hạm chạy ngang qua các khu vực này vì coi chúng là những vùng biển và vùng trời quốc tế.

Quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam đã bị Trung Quốc chiếm trọn sau một trận hải chiến với Hải Quân VNCH hồi năm 1974 nhưng Việt Nam không luôn luôn xác nhận chủ quyền và trưng các bằng chứng lịch sử “không thể tranh cãi.”

Cho tới giờ này, người ta tin rằng chương trình trang bị các loại võ khí và các dụng cụ điện tử trên các đảo nhân tạo mà Bắc Kinh bồi đắp tại quần đảo Trường Sa có thể coi như hoàn tất phần xây dựng căn bản. Vấn đề khi nào họ mang các loại hỏa tiễn tầm xa, các máy bay chiến đấu và các chiến hạm đến đồn trú chỉ còn là chuyện mơ hồ nữa.

Chủ Tịch Trung Quốc Tập Cận Bình từng tuyên bố Trung Quốc không quân sự hóa Biển Đông nhưng những gì dần dần hiện ra trước mắt mọi người, xác định một sự thật hoàn toàn ngược lại.

Tuy cướp của Việt Nam, Bắc Kinh nói quần đảo “Tây Sa” (Việt Nam gọi là quần đảo Hoàng Sa) là một thành phần không thể tranh cãi của nước Trung Quốc, vốn là lành thổ “cố hữu.”

Trong cuộc họp báo tại Bắc Kinh hôm 6 Tháng Chín 2017 vừa qua, phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Trung Quốc Geng Shuang (Cảnh Sảng) nói như trên khi được hỏi về phản ứng đối với lời tuyên bố của Việt Nam phản đối hành động tập trận của Trung Quốc tại khu vực gần quần đảo Hoàng Sa mà Việt Nam vẫn xác định chủ quyền “không thể tranh cãi.”

“Quần đảo Tây Sa là một thành phần không thể tranh cãi của nước Trung Quốc, vốn là lành thổ “cố hữu.” Cuộc tập trận quân sự của lực lượng võ trang Trung Quốc gần quần đảo Tây Sa nằm trong vùng chủ quyền của Trung Quốc, và chúng tôi hy vọng các phía khác nhau tôn trọng (chủ quyền của chúng tôi) một cách bình tĩnh và hợp lý.”

Phản ứng của ông Cảnh Sảng được đưa ra sau khi bà Lê Thị Thu Hằng, phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Việt Nam lên tiếng “phản đối mạnh mẽ” cuộc tập trận kéo dài một tuần lễ của Trung Quốc diễn ra trong vùng biển của Việt Nam, chỉ cách Đà Nẵng có 75 hải lý. Cuộc tập trận lần này rất gần với Việt Nam như một sự thách đố Hà Nội, đồng thời dằn mặt Hà Nội khi có các hành động làm Bắc Kinh tức giận.

Bà Hằng đã bày tỏ “hết sức quan ngại” về cuộc tập trận bắn đạn thật của Trung Quốc diễn ra từ ngày 29 Tháng Tám đến 4 Tháng Chín 2017 “trong khu vực ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ.”

“Lập trường của Việt Nam là mọi hoạt động của nước ngoài trong vùng biển thuộc quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam cần phải được thực hiện phù hợp với các quy định của luật pháp Việt Nam và luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982. Việt Nam đề nghị Trung Quốc chấm dứt và không lặp lại các hành động làm phức tạp tình hình tại Biển Đông.” Lời bà Hằng ngày 31 Tháng Tám được dẫn lại trên TTXVN.

Việt Nam đã rất nhiều lần lập đi lập lại lời tuyên bố xác nhận chủ quyền đối với các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa với các bằng chứng lịch sử “không thể tranh cãi.” Nhiều cuộc triển lãm các tấm bản đồ cổ, sách sử của cả Trung Quốc và các nguồn tư liệu khắp nơi trên thế giới, chứng minh rằng hai quần đảo này là thuộc chủ quyền của Việt Nam. Ngư dân Việt Nam coi các vùng biển Hoàng Sa và Trường Sa là các ngư trường truyền thống suốt bao đời qua.

Lời qua tiếng lại ngược nhau về vấn đề chủ quyền lãnh thổ giữa phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Việt Nam và Trung Quốc chứng tỏ tình nghĩa “4 tốt” và “16 chữ vàng” của hai nước Cộng Sản anh em chỉ là những khẩu hiệu để hô hò mỗi khi lãnh tụ hai đảng Cộng Sản gặp nhau.

Việt Nam và Trung Quốc đã ký hiệp định phân định Vịnh Bắc Bộ từ năm 2000 nhưng cho đến nay các cuộc họp kế tiếp về vùng biển chồng lấn giữa hai nước gần như bế tắc. Việt Nam vẫn tuyên bố chủ quyền “không thể tranh cãi” với các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Trong khi đó, Trung Quốc còn ngang ngược tuyên bố chủ quyền chiếm hơn 80% Biển Đông theo 9 vạch nối lại giống hình “lưỡi bò.” Không những nuốt gọn hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trong đó, nhiều khu vực cái vạch “lưỡi bò” lấn sâu vào các vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam và một số nước khác trong khu vực.

Hồi Tháng Bảy, Việt Nam đã buộc phải bỏ ngang cuộc dò tìm dầu khí tại lô 136-3 thuộc khu vực Tư Chính-Vũng Mây, khoảng 160 km phía Ðông Nam Vũng Tàu, vì bị Bắc Kinh đe dọa sẽ đánh các căn cứ của Việt Nam tại quần đảo Trường Sa. Nhiều cuộc dò tìm dầu khí của Việt Nam trên thềm lục địa Việt Nam nằm trong phạm vi 200 hải lý cũng đã bị Bắc Kinh cản trở. (TN)

Mời độc giả xem phóng sự “Thăm La Jolla Cove và Old Town San Diego”

MỚI CẬP NHẬT