Thursday, March 28, 2024

Dân nghi chính quyền Đắk Nông thông đồng với thủy điện chặn tiền bồi thường

ĐẮK NÔNG, Việt Nam (NV) – Thủy điện Buôn Kuốp đã chuyển tiền cho Ủy Ban Nhân Dân tỉnh Đắk Nông để bồi thường cho người dân bị thiệt hại do xả lũ cuốn trôi lồng bè nuôi cá, song nhiều người từ chối nhận do nghi ngờ có khuất tất.

Chiều 30 Tháng Mười Hai, ông Trần Văn Khánh, phó giám đốc công ty Thủy Điện Buôn Kuốp, huyện Krông Nô, cho biết đã chuyển 3 tỷ đồng ($130,082) vào tài khoản của Ủy Ban Mặt Trận Tổ Quốc Việt Nam tỉnh Đắk Nông để hỗ trợ tỉnh “khắc phục hậu quả do mưa lũ.”

Khu vực nuôi cá của gia đình bà Nguyễn Thị Hoan mênh mông biển nước. (Hình: Cao Nguyên/Người Lao Động)

Ông Lê Trọng Yên, phó chủ tịch tỉnh Đắk Nông, cũng đã ký văn bản “Hỏa tốc” về việc hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng, thiệt hại do ngập lụt gây ra ở hai huyện Krông Nô và Cư Jút.

Theo báo Người Lao Động, sau khi biết tin này, bà Nguyễn Thị Hoan (54 tuổi, ở thị trấn Ea Tling, huyện Cư Jút), một người dân nuôi cá bị cuốn trôi, cho biết sẽ không nhận khoản tiền của công ty Thủy Điện Buôn Kuốp hỗ trợ thông qua chính quyền, mà đề nghị thủy điện phải tới làm việc để thỏa thuận bồi thường.

Hôm 29 Tháng Mười Hai, bà Hoan đã gửi đơn tố cáo công ty Thủy Điện Buôn Kuốp tới hàng loạt cơ quan hữu trách. Theo đơn tố cáo, bà Hoan nuôi cá trên một khúc eo của sông Sêrêpốk, đã được cơ quan hữu trách cấp phép từ năm 2017.

Từ ngày 2 đến 3 Tháng Mười Hai, nhà máy Thủy Điện Buôn Kuốp ở thượng nguồn xả lũ với lưu lượng lớn nhưng không thông báo cho gia đình bà, làm cuốn trôi toàn bộ 20 lồng bè nuôi cá của gia đình trị giá hơn 5.3 tỷ đồng ($229,850), khiến gia đình bà mất đi nguồn thu nhập duy nhất, các khoản vay trước đây để đầu tư chưa trả được, giờ lâm vào cảnh vô cùng khó khăn.

Tuy nhiên, công ty này có văn bản trả lời cho rằng “đã vận hành xả tràn hợp lý, có thông báo theo quy định nhưng gia đình bà không hề nhận được. Việc thiệt hại của các gia đình là do mưa lũ.”

Thủy điện này còn khẳng định “khu vực nuôi cá của gia đình bà Hoan nằm trên đường thoát nước của thủy điện, không phù hợp với tiêu chuẩn phòng chống lũ theo quy định, sẽ bị xử phạt, buộc tháo dỡ, di dời…,” trong khi bà Hoan đã được Phòng Tài Chính Kế Hoạch huyện Cư Jút cấp giấy phép.

“Công ty Thủy Điện Buôn Kuốp đổ hết lỗi sang người dân nên tôi làm đơn tố cáo công ty về việc xả lũ trái quy định pháp luật, gây thiệt hại cho gia đình tôi,” bà Hoan nói với báo VTC News.

Trả lời câu hỏi vì sao không hỗ trợ trực tiếp cho người dân bị thiệt hại do nước từ thủy điện cuốn trôi lồng bè nuôi cá, ông Khánh cho rằng các gia đình đó cũng như những trường hợp bị thiệt hại do thiên tai khác, đợt lũ này không phải do nhà máy Thủy Điện Buôn Kuốp gây ra. Ông nói công ty sẽ chuyển vào tài khoản hỗ trợ thiên tai, còn hỗ trợ cụ thể như thế nào là do tỉnh quyết định, công ty không có quyền can thiệp.

Nhà máy thủy điện Buôn Kuốp xả lũ hôm 3 Tháng Mười Hai vừa qua. (Hình: Cao Nguyên/Người Lao Động)

Trong khi đó, Ban Chỉ Huy Phòng Chống Thiên Tai và Tìm Kiếm Cứu Nạn tỉnh Đắk Nông cũng đồng tình cho rằng: “Nhà máy thủy điện đã vận hành xả tràn hợp lý, việc thiệt hại của người dân là do thiên tai.”

Nói với báo VNExpress hôm 7 Tháng Mười Hai, ông Ngô Xuân Đông, chủ tịch huyện Krông Nô, cho biết hồi cuối Tháng Mười Một vừa qua, nhiều vùng ở Tây Nguyên mưa lớn, nước sông từ nhánh sông Krông Ana, Krông Nô dâng rất cao.

Sợ vỡ đập, nhà máy thủy điện Buôn Kuốp trên sông Sêrêpốk đã xả lũ với lưu lượng 1,100 khối/giây, làm nước trên sông chảy cuồn cuộn, dâng cao nhiều mét so với bình thường, cuốn trôi mọi thứ. Người dân hạ nguồn thủy điện trở tay không kịp, khiến cá nuôi ở 120 lồng, ba hécta ao nuôi, tổng trọng lượng khoảng 800 tấn, tại xã Buôn Choah, huyện Krông Nô, bị chết do “sốc nước.”

Tin cho biết trong đợt mưa lũ vừa qua, hai huyện Krông Nô và Cư Jút, đã bị thiệt hại ước tính khoảng 60 tỷ đồng ($2.60 triệu). Trong đó, có khoảng 170 lồng bè nuôi cá trên sông của người dân bị thủy điện xả lũ làm cuốn trôi hoặc cá chết. (Tr.N) [qd]

MỚI CẬP NHẬT