Tuesday, April 23, 2024

CSVN thận trọng hơn về chính sách tiền tệ để không bị Mỹ phạt

HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Ngân hàng Nhà nước CSVN thận trọng hơn trong chính sách tiền tệ không chỉ đối với trong nước mà còn vì sự quan tâm của các đối tác thương mại.

Ông Phạm Thanh Hà, phó thống đốc Ngân Hàng Nhà Nước CSVN phát biểu như vậy tại cuộc hội thảo “Diễn đàn Kinh tế Việt Nam” ở Hà Nội hôm 5 Tháng Mười Hai. Ông lên tiếng chỉ hai ngày sau khi Bộ Tài Chính Mỹ, tuy không hài lòng với cán cân mậu dịch chênh lệch quá lớn với Việt Nam, nhưng không áp đặt biện pháp trừng phạt.

Nhân viên ngân hàng kiểm soát để loại trừ các đồng đô la giả tại một ngân hàng Hà Nội. (Hình: Hoang Dinh Nam/AFP/Getty Images)

Bộ Tài chính Mỹ hôm Thứ Sáu, 3 Tháng Mười Hai, thông tin với báo chí là tuy Việt Nam vượt quá mức cân bằng mậu dịch, một trong những dấu hiệu của chính sách thao túng tiền tệ, nhưng Washington “hài lòng với những tiến bộ mà Hà Nội thực hiện cho đến nay” để giải tỏa các cáo buộc về phá giá đồng nội tệ, tạo lợi thế cho hàng hóa xuất cảng sang thị trường Hoa Kỳ.

Phát biểu tại cuộc hội thảo chọn lọc kể trên với giới chuyên viên kinh tế tài chính, theo thông tấn Reuters, ông Phạm Thanh Hà nói rằng Ngân hàng Nhà nước CSVN coi những cáo buộc của Mỹ là nghiêm trọng nên đã đưa ra các chính sách thích ứng hiệu quả.

“Chúng tôi phải chú ý nhiều hơn đối với sự áp dụng chính sách tiền tệ vì không những nó tác động lên nền kinh tế trong nước mà còn liên quan đến các đối tác thương mại lớn của mình”. Lời ông Hà tại cuộc hội thảo. “Việt Nam tiếp tục thi hành chính sách tiền tệ một cách cẩn trọng và linh hoạt”.

Dịp này ông Hà còn cho hay thêm là ngân hàng trung ương CSVN đã thu mua vào một số lượng đến $25 tỉ trong hai năm vừa qua khi bơm khối lượng tiền đồng tương ứng vào hệ thống ngân hàng thương mại để kích thích phục hồi nền kinh tế. Nếu cần, Ngân Hàng Nhà Nước sẽ đưa thêm các biện pháp nhằm bảo đảm thanh khoản cho thị trường trong lúc vẫn phải lo kiềm chế lạm phát.

Hôm Thứ Sáu, 3 Tháng Mười Hai, Bộ Tài Chính Mỹ nêu tên Việt Nam và Đài Loan là các nước vượt ngưỡng quy định về thao túng tiền tệ, căn cứ theo một đạo luật có từ năm 2015. Cuối năm ngoái, dưới thời Tổng Thống Donald Trump, chính phủ Mỹ dán nhãn hiệu thao túng tiền tệ cho Việt Nam và Thụy Sĩ. Nhưng sau khi ông Joe Biden đắc cử tổng thống, Tháng Sáu vừa qua, Bộ Tài chính Mỹ nói không có đối tác thương mại chính yếu nào bị gọi tên như vậy.

Người phụ nữ nghèo gánh những món phế liệu bà thu gom được để bán cho cơ sở tái chế ở Hà Nội ngày cuối Tháng Mười Một 2021. (Hình: NHAC NGUYEN/AFP/Getty Images)

Giữa Tháng Mười Hai năm ngoái, Phòng thương mại Mỹ tại Việt Nam kêu gọi chính phủ Mỹ không nên áp đặt các biện pháp thuế quan trừng phạt đối với hàng hóa Việt Nam. Bởi vì hành động đó “gửi tín hiệu xấu đến Việt Nam và có tác dụng tiêu cực đến mối quan hệ song phương”. Tuy chính quyền ông Trump cáo buộc nhưng ông cũng chưa đưa ra biện pháp trừng phạt.

Vừa là những đối tác thương mại chính yếu, CSVN và Đài Loan đều là những mắt xích quan trọng trong chiến lược đối phó với tham vọng bá quyền bành trướng của Trung Quốc. Điều này buộc Hoa Kỳ phải cân nhắc lợi hại nhiều mặt trước khi đưa ra biện pháp nào có thể làm tổn hại mối quan hệ.(TN) [kn]

MỚI CẬP NHẬT