Thursday, April 18, 2024

Chơi xe Honda 67 xưa, thú chơi phong cách người Sài Gòn

Trần Tiến Dũng/Nguời Việt

SÀI GÒN, Việt Nam (NV) – Một ngày cuối tuần ở quán cà phê CM, đây cũng là nơi có chợ mua bán đồ cổ và nhiều lọai hàng kỷ niệm xưa cũ khác thuộc quận Bình Thạnh, Sài Gòn. Một ông khách trung niên phóng chiếc xe gắn máy cũ vừa đến bãi gởi xe của quán thì nhân viên giữ xe tươi cười nói: “Bác khỏi gởi xe, cho xe vào giữa sân, chỗ các xe cổ kia kìa.” Vì lần đầu đến quán, nên vị khách này ngạc nhiên, nhưng khi nhìn quanh thấy ai cũng ngắm chiếc xe của mình, ông hiểu là do chiếc xe Honda 67 của ông đang đi qua những cặp mắt nhà nghề của dân chơi xe, nó đã trở thành món đồ cổ quí giá.

Trong số các dòng xe gắn máy từng một thời lưu hành khắp miền Nam Việt Nam trước biến cố 1975, xe Honda 67, cùng với xe Honda Dame là một trong các dòng xe thông dụng nhất, xuất xứ từ Nhật Bản. Dòng xe Honda 67 có kiểu dáng thể thao nhẹ gọn, cổ điển, phù hợp với người Việt nên được cánh đàn ông ưa chuộng. Thấy dòng xe này ăn khách, người Nhật còn xuất thêm các phiên bản khác như Honda 68, Honda72,…

Sau khi Việt Cộng chiếm đoạt miền Nam. Tự nhiên, dòng xe Honda đàn ông này được dư luận nâng cấp lên thành loại xe “huyền thoại,” tại sao? Một số người cho rằng có hai điều: Thứ nhất, người ta thấy trong số các hàng hóa của “tư bản đế quốc” chất đầy các toa tàu thống nhất chạy ngược ra Bắc, xe Honda 67 và các loại xe gắn máy Nhật Bản khác được xếp là hàng hóa cao cấp của “tư bản giãy chết,” đã làm thỏa mãn ý thức hệ “Cộng Sản Đại Đồng.” Thứ hai, dòng xe này được các giới cướp giật và các tay công an săn bắt cướp cùng sử dụng để làm phương tiện tung hoành trên khắp đường phố Sài Gòn và các đô thị lớn khác.

Một tiệm sửa chuyên nghiệp của dân thợ đam mê dòng xe Honda 67 “huyền thoại” của Sài Gòn trước 1975. (Hình: Trần Tiến Dũng/Người Việt)

Nhưng nói đi cũng phải nói lại, cũng chính nhờ dòng xe này mà ở các tỉnh, huyện xã… thiếu thốn phương tiện đi lại trăm bề, nó đã trở thành một thứ “huyền thoại” rất nhân văn, đó là chiếc xe lôi máy.

Trở lại câu chuyện của người đàn ông vẫn còn chiếc xe Honda 67 với nhiều món phụ tùng zin, nước sơn zin, nói theo thuật ngữ dân chơi xe là: xe cọp.

Ông này kể: “Mấy ông chơi xe, ngắm nghía xe tôi rồi nói, chiếc xe này mà để cạnh chiếc SH đời mới (trị giá khoảng trên dưới trăm triệu tiền Việt) bọn trộm nó chỉ ‘mượn’ xe của ông để lượn vài vòng chớ SH nó chê.” Tôi bất ngờ nên nói: “Mấy ông nói quá, chớ mấy thằng trộm đó đâu phải dân chơi đồ cổ như mấy ông mà biết giá trị xe.” Họ lại nói: “Ông đừng giỡn mặt. Ông đâu bán xe đúng không, mà có bán ông cũng bán giá cao, bởi vậy mấy thằng thừa tiền chơi xe nó thấy xe ông nó thèm nhễu nước miếng, nó đặt hàng bọn trộm canh thổi xe ông liền.”

Trong giới chơi đồ cỗ ai cũng biết “châm ngôn”: Có tiền chưa chắc mua được món đồ chơi ưng ý. Về giá trị các chiếc xe Honda 67 còn may mắn sống sót nguyên vẹn suốt hơn 60 năm qua, để hiểu thêm giá trị qui thành tiền của loại xe này thì đúng là chuyện thượng vàng hạ cám. Hỏi chuyện một ông thợ già, chuyên đeo đuổi dòng xe này ở quận 8, Sài Gòn. Ông mở cái smartphone ra cho coi hình xe Honda 67 cổ, rồi chỉ vào một chiếc, nói: “Đố ông nó giá bao nhiêu? Chín trăm triệu mà chủ nó không bán đó ông ơi. Mà nó chỉ là đồ món zin ráp lại, còn vài chiếc chính hiệu hàng com-măng từ Nhật còn sống sót tới bây giờ thì vô giá.” Tất nhiên ai cũng biết ở thị trường xe cũ, giá một chiếc xe Honda 67 với đồ phụ tùng có vô số nguồn gốc, nhất là thứ đồ xuất xứ từ Đài Loan, Trung Quốc, có chiếc chỉ năm, bảy triệu bạc.

Ông thợ già này chứng minh thêm bằng cách vào tiệm lấy cho coi cái cạc-te (bọc dây sên xe). Ông thuyết: “Chỉ cánh thợ già chuyên nghiệp theo dòng xe này như tụi tôi mới biết thứ này có giá, tôi vừa mới bán một cái còn nước sơn zin, giá chín chục triệu. Bán rồi có khách quen biết gọi điện lại chửi sao không bán cho họ, phải xin lỗi liền miệng, thứ hàng hiếm có tiền muốn chơi, phải săn đỏ con mắt, tới các con ốc xịn cũng có giá vài trăm ngàn.”

Một sân chơi của dân chơi xe cổ đồ cổ ở quận Bình Thạnh, Sài Gòn. (Hình: Trần Tiến Dũng/Người Việt)

Ở Sài Gòn trong vài năm gần đây mua xe gắn máy đủ loại thương hiệu dễ như mua thịt bò, thịt heo. Rồi như một qui luật, không riêng gì giới trung niên, giới trẻ, nhất là sinh viên, nghệ sĩ quay ra tìm các loại xe già-cổ từng một thời làm nên văn hóa giao thông Sài Gòn trước 1975 để chơi cho có phong cách riêng. Hỏi chuyện một sinh viên đi chiếc xe Honda 67 lai tạp đủ thứ, anh nói giọng Bắc mới” “Đi con này cực đời, nhưng mình thích, bọn chúng nó cũng thích. Cháu bán được mấy con đấy, có tiền tươi mà lại có phong cách Sài Gòn bác nhỉ.”

Khác với các thập niên trước, thị trường của dân chơi đồ cổ ở Việt Nam hiện nay, người dân chơi có thể mua mọi thứ từ hàng của mọi quốc gia có trên bản đồ thế giới. Riêng về dân chơi xe gắn máy cổ thì những dòng xe cổ xuất xứ Châu Âu như Vespa, Lambretta, Solex, Mobylette,… không còn là hàng hiếm nữa. Nhưng kỳ lạ thay, mẫu xe chính hiệu Honda 67 từ nghĩa địa trong nước lại phục sinh để trở thành hàng hiếm.

Có một chi tiết, theo giới chuyên nghiệp chơi xe ở Sài Gòn cho biết, là từ lúc người Nhật xuất cảng ra thế giới xe gắn máy, hầu hết các mẫu xe của họ đều có bán ở các quốc gia láng giềng với Việt Nam như Thái Lan, Cambodia, Lào,… cả các đời xe Honda đàn ông như 65, 68, 72 đều có ở nước khác, nhưng riêng mẫu xe SS50 (Super Sport) mà người Việt quen miệng gọi là Honda 67 chỉ có ở miền Nam Việt Nam. Có thông tin từ báo trong nước, lúc Honda đang xây dựng nhà máy tại Việt Nam, công ty này đã cho người đi tìm kiếm một chiếc Honda 67 còn tương đối “zin” và phục chế nó lại để làm mẫu.

Trong một dịp trò chuyện với nhạc sĩ Tuấn Khanh, người nghệ sĩ chỉ thích và chọn đi xe Honda 67, anh cười cười cho biết: “Chạy xe honda 67 ở Sài Gòn như là có căn cước Sài Gòn-tự do.” Từ một góc nhìn khác, có khi thú chơi một món đồ xưa cổ, không chỉ giữ lại cho đời người một kỷ vật, mà chính món đồ, phương tiện… thân quen đó đã nhắc nhớ, đánh thức để hướng về nhịp sống của cả một thời đại văn minh khó phai mờ theo thời gian, giữa các vấn nạn văn hóa xã hội hiện hành. (Trần Tiến Dũng)

Mời độc giả xem phóng sự “Đặt Lú trên sông rạch miền Tây”

MỚI CẬP NHẬT