Friday, March 29, 2024

Một ‘đại biểu Quốc Hội’ CSVN được ‘đặc quyền’ song tịch?

HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Hôm 20 Tháng Sáu, cộng đồng mạng tiếp tục đặt câu hỏi vì sao một “đại biểu Quốc Hội” CSVN như ông Nguyễn Văn Thân lại được “đặc quyền” song tịch (Việt Nam và Ba Lan) trong lúc những trường hợp tương tự như ông Thân khi bị phát giác đều bị tước quyền ở nghị trường.

Trước đó, ông Nguyễn Văn Thân được truyền thông Việt Nam dẫn phát ngôn tại Quốc Hội CSVN: “Cần có các đặc khu để nó như là một trung tâm thu hút với những thử nghiệm mang tính đột phá và vượt trội. Thử nghiệm mà trong mấy năm có gì đó chưa ổn thì sẽ rút kinh nghiệm và sửa. Do đó, tôi tán thành việc thông qua Luật Đặc Khu tại kỳ họp này.”

Tuy nhiên, trước áp lực của công luận, Bộ Chính Trị CSVN đã phải gấp rút chỉ đạo Quốc Hội hoãn việc thông qua dự luật này đến kỳ họp sẽ diễn ra vào Tháng Mười, 2018.

Ông Thân cũng đưa ra nhận định: “Thời hạn thuê đất đặc khu 99 năm hay 70 năm, 50 năm hay 30 năm cũng chỉ là yếu tố kích thích đầu tư, còn cơ chế, chính sách rồi trong quá trình thực hiện làm sao để nhà đầu tư người ta thấy, người ta yên tâm, tạo điều kiện cho người ta mới là điều quan trọng.”

Báo điện tử VTC News trích lời ông Thân: “Người dân cũng thấy cần phải kêu gọi đầu tư nước ngoài nhưng ngại Trung Quốc lại có một cái gì không ổn.”

Các phát ngôn của ông Thân công khai ủng hộ Luật Đặc Khu gây nhiều phản ứng giận dữ trên mạng xã hội. Tại Warsaw, Ba Lan, cộng đồng người Việt lập tức tổ chức các cuộc biểu tình “với quy mô hàng chục người” ngay trước căn nhà của ông.

Nhà báo Mạc Việt Hồng, chủ biên tờ Đàn Chim Việt ở Ba Lan tiết lộ trên trang Facebook cá nhân: “Quốc tịch Ba Lan mấy năm nay xin cực dễ. Không biết tí tiếng gì cũng xin được, về Việt Nam đến cả chục năm nhưng có định cư tại Ba Lan nhiều người quay sang xin cũng được quốc tịch. Trong các cuộc biểu tình gần đây, những người biểu tình đòi điều tra việc đại biểu Quốc Hội Việt Nam, ông Nguyễn Văn Thân song tịch.”

Biểu tình của cộng đồng người Việt trước nhà ông Nguyễn Văn Thân tại Warsaw. (Hình: Facebook Mạc Việt Hồng)

Tuy vậy, ông Nguyễn Văn Thân cũng như Ủy Ban Thường Vụ Quốc Hội hoàn toàn im lặng trước cáo buộc ông này “song tịch.”

Theo một bài trên báo Doanh Nghiệp hồi năm 2016, ông Thân là chủ tịch Hiệp Hội Doanh Nghiệp Nhỏ và Vừa Việt Nam và trong giai đoạn giữa 1980 đến giữa thập niên 1990, từng là “nghiên cứu sinh và thực tập sinh tại Đại Học Tổng Hợp Warsaw.”

Trang Đàn Chim Việt cho biết: “Với những người Việt sinh sống tại Ba Lan trong thập niên 1990, ông Nguyễn Văn Thân được gọi vắn tắt là ‘soái Thân’. Soái Thân có tiếng trong giới làm ăn không chỉ ở Ba Lan mà cả Đông Âu thời đó. Ngôi nhà mà đoàn biểu tình đứng trước là nhà do ông Thân cùng vợ đứng tên mua từ năm 2008, 2009. Khu vực này rất đông người Việt Nam sinh sống. Ngay đối diện nhà ông là tòa nhà của tùy viên quân sự Việt Nam tại Ba Lan.”

Hồi Tháng Bảy, 2016, Hội Đồng Bầu Cử Quốc Gia chính thức xác nhận việc tước tư cách “đại biểu Quốc Hội” khóa 14 đối với bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường ở Hà Nội vì bà này bị phát giác có hai quốc tịch Việt Nam và Cộng Hòa Malta.

Điều bi hài là việc phát hiện này được công bố “là từ cơ quan chức năng” trong khi việc thẩm tra lý lịch ứng viên đại biểu Quốc Hội tại Việt Nam luôn được ghi nhận là “hết sức chặt chẽ và đúng quy trình.” (T.K.)

MỚI CẬP NHẬT