Thursday, March 28, 2024

Chùa Hương ‘vắng chưa từng thấy’ trong mùa lễ hội sau hơn 50 năm

HÀ NỘI,Việt Nam (NV) – Lần đầu tiên trong hơn 50 năm, chùa Hương phải đóng cửa trong ngày khai hội và vắng lặng “chưa từng thấy.”

Theo truyền thống, vào ngày Mùng Sáu Tết hằng năm, khu chùa Hương Tích (chùa Hương) ở xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, Hà Nội, khai hội đầu năm. Tuy nhiên năm nay, do dịch bệnh COVID-19 hoành hành các tỉnh phía Bắc, buộc chính quyền thành phố Hà Nội ra lệnh không cho đón khách.

Suối Yến sáng 17 Tháng Hai, không một bóng người, hàng quán khắp nơi đóng cửa. (Hình: Ngọc Thành/VNExpress)

Báo VNExpress cho biết sáng17 Tháng Hai, dòng suối Yến không một bóng người, hàng quán khắp nơi đóng cửa. Đền Trình là điểm đầu tiên dẫn vào chùa Hương hằng năm thu hút hàng ngàn người đến viếng và làm lễ, nhưng năm nay quanh đền vắng bóng người dân và Phật tử. Phía trước cửa đền, Ban Quản Lý đặt hai tấm bảng thông báo “Tạm dừng đón tiếp khách.”

Con đường trải đá hơn 3 cây số từ bến Trò lên động Hương Tích với khoảng 318 hàng quán phủ bạt trông ảm đạm, thỉnh thoảng có vài người lên thăm và dọn dẹp gian hàng.

Khoảng 9 giờ sáng, cổng chùa Thiên Trù vẫn đóng kín. Cùng kỳ những năm trước, nơi này đang diễn ra nhiều hoạt động khai mạc lễ hội. Do dịch bệnh COVID-19, nay chỉ hơn 10 người của nhà chùa tổ chức lễ Khai Sơn, Khai Kinh cầu “Quốc Thái Dân An” nội bộ, người ngoài không được tham dự.

Trước đó trong ba ngày từ 30 Tháng Chạp tới Mùng Hai Tết, toàn bộ khuôn viên quần thể di tích chùa Hương được dọn dẹp, bố trí các điểm chốt chặn an ninh. Ban Tổ Chức Lễ Hội chùa Hương đã miễn phí vé vào thăm viếng thắng cảnh cho du khách thập phương.

“Ước tính có khoảng 3,500 người tới chùa. Nhưng sau khi có thông báo của Ủy Ban Nhân Dân huyện Mỹ Đức không đón khách, thì hàng quán đã đóng cửa và người dân không đến hội,” ông Nguyễn Bá Hiển, trưởng Ban Quản Lý Khu Di Tích Thắng Cảnh Hương Sơn, cho biết.

Ngày khai hội, ông Trần Xuân Thủy (53 tuổi, ở xóm 6 thôn Yến Vỹ, xã Lương Sơn, huyện Mỹ Đức) lên chùa để cảm nhận không khí vắng lặng “chưa từng có trong đời” và dọn dẹp, tu sửa hàng quán.

“Ở đây, nhiều người sống trong gia đình đã nhiều đời mưu sinh sống bám vào lễ hội chùa Hương. Những ngày khai hội là cao điểm để mang lại thu nhập chính, nhưng nay đành bấm bụng chịu trận chờ ngày đón khách trở lại,” ông Thủy buồn bã nói.

Theo báo VTC News, chiều 17 Tháng Hai, tại cuộc họp trực tuyến của Ban Chỉ Đạo Chống Dịch COVID-19 Hà Nội, ông Lê Văn Trang, phó chủ tịch huyện Mỹ Đức, cho biết đã ra văn bản về việc dừng tổ chức lễ hội, dừng đón khách tham quan chùa Hương.

Toàn bộ tuyến đường vào chùa được chốt chặn bằng nhiều điểm lớn nhỏ. Khoảng 20 người gồm an ninh huyện, xã, thôn, nhân viên y tế, dân quân… đứng nhắc nhở, hướng dẫn người dân không vào khu di tích mà chờ ngày mở cửa trở lại.

Bảng thông báo dừng khai hội và các hoạt động đón khách tại chùa Hương. (Hình: Ngọc Thành/VNExpress)

Cùng đó, huyện Mỹ Đức đã lập chín chốt chặn khác ở xã Hương Sơn, nếu du khách tới thì yêu cầu họ quay trở về. Huyện đã ban hành quyết định xử phạt hai trường hợp vi phạm công tác phòng, chống dịch trên địa bàn xã Hương Sơn.

Chùa Hương nằm cách trung tâm Hà Nội khoảng 65 cây số, bao gồm cả quần thể kiến trúc chùa nằm rải rác trong thung lũng suối Yến, gồm có chùa Ngoài (chùa Trò) và chùa Trong (chùa Hương) có nguồn gốc từ một hang động cổ tự nhiên, được xây dựng từ những năm cuối của Thế Kỷ 17.

Dấu tích, bút tích lịch sử vẫn còn được lưu lại nơi đây qua năm chữ Hán “Nam Thiên Đệ Nhất Động” được chính Tĩnh Đô Vương Trịnh Sâm khắc lên từ năm 1770. (Tr.N) [qd]

MỚI CẬP NHẬT