Thursday, March 28, 2024

Chùa, Thần Phật là phương tiện để ‘người ta’ kiếm tiền, kiếm đất?

HÀ NAM, Việt Nam (NV) – Hôm 16 Tháng Hai, tin cho hay Phó Thủ Tướng CSVN Trương Hòa Bình xuất hiện trong “lễ rước nước thiêng” tại chùa Tam Chúc do ông Nguyễn Văn Trường, tức đại gia Xuân Trường, đầu tư xây dựng.

Đáng lưu ý, báo điện tử VTC News ghi nhận ông Bình hiện diện tại đây cùng “hàng vạn người,” có cả lực lượng công an đông đảo được điều đến bảo vệ an ninh trong lúc ngôi chùa này vẫn đang còn ngổn ngang xây cất.

Ông Bình gần đây bị nhiều đàm tiếu từ cộng đồng mạng vì mặc áo nâu sòng, đi giày xuống ruộng để chụp ảnh làm lễ tịch điền cùng tám vị mặc quân phục công an.

Công trình chùa Tam Chúc được các báo nhà nước miêu tả là “quần thể chùa” tọa lạc tại huyện Kim Bảng, Hà Nam, rộng gần 5,000 hécta, gồm các điện thờ, rừng tự nhiên… dự trù sẽ khánh thành vào Tháng Năm, 2019.

Việc một giới chức cấp cao của chính phủ CSVN như Phó Thủ Tướng Bình, đi cùng với Trưởng Ban Tổ Chức Trung Ương Phạm Minh Chính, có mặt tại một ngôi chùa mới được tư nhân xây cất với bộ điệu thành kính được cho là “sự bảo chứng về mức độ tâm linh đáng tin cậy” của một cơ sở tôn giáo. Có lẽ vì vậy mà báo Việt Nam cho hay ba tháng trước ngày mở cửa chính thức, chùa Tam Chúc hiện đã nhận “cúng dường” từ bá tánh thập phương.

VTC News cho biết chi tiết về “lễ rước nước thiêng”: “Nước để thực hiện nghi lễ được lấy từ hồ rộng trên 600 hécta trước chùa. Đây cũng là nơi được ví như Vịnh Hạ Long trên cạn. Đây là nghi thức tâm linh quan trọng, có ý nghĩa cầu quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt. Nước sau khi được lấy cho vào bình, sẽ được cả vạn người cùng rước lên chùa Ngọc trên đỉnh núi Thất Tinh.”

Lực lượng công an đông đảo được điều đến bảo vệ an ninh tại chùa Tam Chúc. (Hình: Lao Động)

Báo điện tử Giáo Dục Việt Nam hôm 16 Tháng Hai cho hay: “Tại các dự án Bái Đính, Tam Chúc, Cái Tráp,… diện tích chùa chỉ chiếm một vị trí rất nhỏ trong khi đó diện tích giao đất cho doanh nghiệp cực kỳ lớn. Không khó để nhận ra những gì sẽ được xây lên phần diện tích còn lại. Đó là nhà hàng, là khách sạn, là sân golf… Thậm chí ở Cái Tráp (Hải Phòng) có cả casino dưới chân nhà Phật. Phát triển ồ ạt và thương mại hóa tại các khu du lịch tâm linh như hiện nay đang đặt ra nhiều câu hỏi: Phần doanh thu doanh nghiệp được hưởng và doanh thu thuộc về các tổ chức tôn giáo sẽ được tính như thế nào? Khu ‘du lịch tâm linh’ hay ‘khu du lịch dựa vào tâm linh?’ Xây chùa to nhưng thực chất lại rất bé với diện tích đất được giao, phải chăng chùa, thần phật đang chỉ là phương tiện để người ta kiếm tiền, kiếm đất?”

Từ nhiều tháng qua, truyền thông nhà nước Việt Nam liên tục đưa tin về chuyện ông Nguyễn Văn Trường, giám đốc Công Ty Xây Dựng Xuân Trường, bỏ $612,500 mua đấu giá “một mảnh thiên thạch” nặng 5 kg để đem về đúc tượng Phật đặt tại chùa Tam Chúc.

Các hạng mục tại ngôi chùa này được ghi nhận đang được gấp rùt hoàn thiện để đón 1,500 chức sắc và lãnh đạo các giáo hội, hệ phái Phật Giáo, các nhà nghiên cứu, học giả và hơn 10,000 phật tử đến từ gần 100 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới tham dự Đại Lễ Vesak do Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam đăng cai tổ chức từ ngày 12 đến 14 Tháng Năm, 2019.

Ông Trường bị tai tiếng vì vụ quần thể du lịch Tràng An-Bái Đính và nhiều công trình “tâm linh” khác bị cáo buộc phá hoại cảnh quan và môi trường tự nhiên. Mới đây nhất là dự án xây một khu chùa bê tông trị giá 15,000 tỷ đồng (hơn $643 triệu) ngay tại chùa Hương khiến công luận lo ngại. (T.K.)

Video: Tin Trong Ngày Mới Cập Nhật

Copyright © 2018, Người Việt Daily News

Lưu ý: Để mở âm thanh, xin bấm vào nút muted icon imagephía góc phải bên dưới của khung video.

MỚI CẬP NHẬT