Friday, April 19, 2024

Tổ chức lễ hội đâm trâu ‘chui’ để tận thu tiền dân

THỪA THIÊN-HUẾ, Việt Nam (NV) – Không chỉ tổ chức lễ hội đâm trâu “chui,” chính quyền xã Hồng Tiến, thị xã Hương Trà, còn lại dụng cơ hội này để tận thu vơ vét tiền của dân nghèo địa phương.

Sáng 29 Tháng Tám, lãnh đạo thị xã Hương Trà, tiến hành họp khẩn với các cơ quan chức năng địa phương, cùng đại diện Đảng Ủy, Ủy Ban xã Hồng Tiến, thị xã Hương Trà, nhằm “chấn chỉnh và buộc dừng chủ trương tổ chức lễ hội đâm trâu ‘tận thu’ tiền của người dân tại xã vùng núi khó khăn này.”

Nói với báo Tiền Phong, ông Lê Hồng Thắng, phó chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân thị xã Hương Trà, cho hay lãnh đạo thị xã đã yêu cầu chính quyền xã Hương Thọ và cơ quan chức năng báo cáo toàn bộ sự việc để có cơ sở gặp gỡ, trao đổi với các già làng xã Hồng Tiến “phổ biến chủ trương, quy chế tổ chức lễ hội theo đúng quy định của nhà nước.”

Đặc biệt, ông Thắng nhấn mạnh, lãnh đạo thị xã Hương Trà đã yêu cầu chính quyền địa phương và bộ phận chức năng phải hoàn trả ngay tiền thu “đóng góp” từ người dân để tổ chức lễ hội đâm trâu, đồng thời buộc dừng lễ hội “chui” này.

Theo báo Tiền Phong, người dân nghèo xã Hồng Tiến phản ánh việc chính quyền xã đã “vận động” mỗi hộ dân đóng góp 300,000 đồng để “tạo kinh phí phục vụ cho lễ hội đâm trâu, dự kiến diễn ra vào Tháng Mười Một tới.”

Chính quyền xã Hồng Tiến bị buộc dừng chủ trương tổ chức lễ hội “chui” để moi tiền dân. (Hình: Tiền Phong)

Chủ trương “tận thu” này ngay sau đó vấp phải sự phản đối, tức giận của nhiều hộ dân, do đây là xã nghèo, đời sống kinh tế của đại bộ phận người dân rất khó khăn. Việc chính quyền đưa ra chủ trương “vận động” và tiến hành thu tiền như vậy là không hợp lý.

Ông Lê Văn Hòa, chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân xã Hồng Tiến, biện minh rằng, lễ hội đâm trâu từng diễn ở xã này, và là “nét văn hóa” của bà con dân tộc Pa-hy nơi đây. Trước đây, xã dự kiến tổ chức lễ hội theo định kỳ 5 năm, nhưng do điều kiện khó khăn nên xã giãn ra làm 10 năm một lần. Năm 2008, xã đã tiến hành lễ hội đâm trâu.

“Sau khi các già làng, trưởng bản ở xã Hồng Tiến đồng ý phương án tổ chức lễ hội đâm trâu vào Tháng Mười Một tới, chính quyền xã đã đứng ra đại diện vận động người dân đóng góp tiền. Kinh phí vận động là 300,000 đồng/hộ,” ông Hòa thừa nhận nói.

Tin cho biết, từ chủ trương này xã Hồng Tiến đã thu tiền của 50 hộ dân, trên tổng số 347 hộ toàn xã. Việc thu tiền và tổ chức lễ hội này chưa được lãnh đạo thị xã Hương Trà và Sở Văn Hóa-Thể Thao tỉnh Thừa Thiên-Huế thông qua theo quy chế tổ chức lễ hội.

Để né trách nhiệm, lãnh đạo xã thị xã Hương Trà trút tội cho xã và cho rằng: “Đây là việc làm tùy tiện, chuẩn bị ‘làm chui’ lễ hội của chính quyền xã Hồng Tiến, do đó, lãnh đạo thị xã buộc dừng chủ trương tổ chức lễ hội và yêu cầu trả lại tiền cho người dân, đồng thời, sẽ xem xét xử lý trách nhiệm của các cá nhân, tập thể liên quan.”

Ngoài xã Hồng Tiến thuộc thị xã Hương Trà, trước đây có hai huyện A Lưới và Nam Đông cũng từng tổ chức lễ hội đâm trâu. Do lễ hội giết chóc phản cảm, dư luận phản ứng dữ dội nên tỉnh Thừa Thiên Huế đã “vận động” các địa phương trên không nên tổ chức hoạt động tâm linh mang tính bạo lực và gây tốn kém này. (Tr.N)

Việt Nam chính thức cho xài tiền Trung Quốc ở trong nước

MỚI CẬP NHẬT