Thursday, March 28, 2024

Tăng thuế xăng là cách móc túi dân ‘dễ nhất’

HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Dù bị dư luận chống đối kịch liệt, chế độ Hà Nội nhất quyết tăng “thuế bảo vệ môi trường” trên xăng dầu” vì ngân sách “thu không đủ chi” phải móc túi dân thêm nữa.

Ngày 21 Tháng Chín, 2018, giá xăng bán lẻ tại Việt Nam loại xăng E5 RON 92 tăng 320 đồng mỗi lít; xăng RON 95 là 293 đồng. Các mặt hàng dầu cũng tăng từ 26 đồng đến 124 đồng mỗi lít, kg tùy loại, theo lệnh từ liên Bộ Công Thương-Tài Chính CSVN về điều hành kinh doanh xăng dầu. Từ đầu năm đến nay, giá xăng tại Việt Nam đã tăng 4 lần.

Một ngày trước thông báo tăng giá bán lẻ xăng dầu của liên Bộ Công Thương-Tài Chính CSVN, Ủy Ban Thường Vụ của Quốc Hội CSVN đã ra một nghị quyết làm người dân bất mãn. Theo đó, thuế môi trường với xăng sẽ tăng lên mức “đụng trần” 4,000 đồng/lít, từ mức 3,000 đồng/lít. Với dầu hỏa, mức thuế tăng lên 1,000 đồng/lít, từ mức 300 đồng/lít hiện nay. Thuế môi trường lên các mặt hàng dầu nhờn, mỡ, mazut cũng tăng lên 2,000 đồng/lít, từ mức 900 đồng/lít.

Như vậy, ngoài chuyện giá xăng bị tăng theo thị trường, nhà nước CSVN còn bắt người tiêu thụ cõng thêm những khoản thuế, phí bề ngoài được giải thích khác, nhưng bề trong, giới chuyên viên bóc mẽ nguyên nhân thật của việc tăng thuế môi trường đối với xăng dầu.

Bình luận về vấn đề này, Tiến Sĩ Lê Đăng Doanh, một chuyên gia kinh tế cấp cao của chế độ nay đã nghỉ hưu cho rằng dù không “hợp” lòng dân lắm nhưng thuế bảo vệ môi trường là khoản dễ thu, cứ nhập xăng về là thu được, “tiền tươi thóc thật” nên vẫn được ưa thích. “Chọn cách thu dễ nhất, đây là cấp cứu cho bội chi,” theo tờ Dân Trí tường thuật hôm Chủ Nhật, 23 Tháng Chín, 2018.

Từ Tháng Hai vừa qua, chế độ Hà Nội đã rục rịch tăng “thuế bảo vệ môi trường” lên mức tối đa trên xăng dầu, nhiều chuyên gia kinh tế đã phản ứng và nêu ý kiến chống đối. Họ cũng đều đã nhìn thấy nhà cầm quyền thu không đủ bù chi với lỗ hổng quá lớn, chỉ còn cách móc túi dân thêm nữa.

Kế hoạch tăng thuế môi trường dự định tăng ngay trong năm nay, nhưng vì nhiều chống đối nên chế độ Hà Nội hoãn lại đến đầu năm tới. Cũng vì khiếm hụt ngân sách, hồi Tháng Tư vừa qua, Bộ Tài Chính của chế độ còn “đề xuất” đánh thuế tài sản nhà trên 700 triệu đồng cũng chỉ vì ngân sách “thu không đủ bù chi.” Đây cũng là trò móc túi dân nghèo và dư luận cũng phản ứng rất giận dữ.

Khi đánh thuế bạo trên xăng dầu, lập túc ảnh hưởng đến mọi mặt sinh hoạt trong xã hội khi lạm phát tăng theo cấp kỳ.

“Tôi nghĩ đây là biện pháp không được người người dân ủng hộ nhiều. Tất cả các sản phẩm đều có chi phí vận tải trong khi dịch vụ từ máy bay ô tô, các loại tàu đều sẽ tăng chi phí theo giá xăng. Chưa kể, xăng tăng thì từ hạt gạo, quần áo tới con gà, con vịt đều tăng theo, ảnh hưởng đến đời sống người dân,” ông Lê Đăng Doanh được tờ Dân Trí dẫn lời.

Ông Doanh đặt câu hỏi tại sao không cắt giảm chi thường xuyên hiện đã chiếm tới 70% tổng chi ngân sách, tiết giảm các khoản chi lãng phí, không hiệu quả như đi nước ngoài, chi phí lễ tân, tiếp khách thay vì tăng thuế bảo vệ môi trường với mặt hàng thiết yếu như xăng dầu.

Hồi Tháng Sáu 2015, khi còn là phó thủ tướng, ông Nguyễn Xuân Phúc từng than phiền rằng có khoảng 30% cán bộ công chức thuộc loại ăn bám, sáng cắp ô đi tối cắp về. Nay ông đã ngồi lên ghế thủ tướng được hơn hai năm, tình trạng ăn bám vẫn còn nguyên đó. Mới đây, thấy một số chuyên gia kinh tế đưa ra một vài dẫn chứng nói chín người dân phải nuôi một ông quan nhà nước, dù có làm việc hay không.

Hồi Tháng Hai 2018, tờ Dân Trí phỏng vấn ông Huỳnh Thế Du (tiến sĩ kinh tế của Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright) cho rằng việc tăng thuế bảo vệ môi trường tại Việt Nam là do “việc chi ngân sách cao lại kém hiệu quả.” (TN)

Mời độc giả xem Điểm tin buổi sáng Thứ Hai, 24 tháng 9 năm 2018

MỚI CẬP NHẬT